Số liệu của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngân hàng (NH) thương mại, công ty chứng khoán, ví điện tử... đã liên tục cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới.
Ngày càng tinh vi
Ngày 10-7, NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cảnh báo khách hàng về thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ giả mạo cuộc gọi video Deepfake. Cuộc gọi này thường được thực hiện theo 3 bước. Bước 1: Sử dụng thuật toán để tái tạo khuôn mặt và giọng nói phù hợp với nét mặt, biểu cảm của người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người bị lừa hoặc giả mạo cán bộ nhà nước, công an, viện kiểm sát... Bước 2: Kẻ gian thực hiện cuộc gọi thoại, video với hình ảnh giọng nói như người thật thông qua các ứng dụng. Bước 3: Yêu cầu nạn nhân chuyển tiền, lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.
Các ngân hàng, công ty chứng khoán liên tục cảnh báo thủ đoạn lừa đảo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy, mất tiền oan .Ảnh: TẤN THẠNH
Trước Techcombank, nhiều NH thương mại khác cũng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tương tự nhưng vẫn không ít người bị sập bẫy. Một chuyên gia tài chính kể một người bạn của ông vừa bị lừa bởi chiêu thức này và mất hàng trăm triệu đồng. "Mặc dù bạn tôi là người hiểu biết, cảnh giác nhưng khi nhận được cuộc gọi Deepfake với hình ảnh chất lượng, giọng nói như thật đã chuyển tiền vì tin tưởng" - chuyên gia tài chính này kể.
Phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động mới đây, chị Trương Anh Ngọc (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) cho hay mới bị mất tài khoản Facebook. Sau đó, rất nhiều bạn bè của chị đã bị mất đến hàng chục triệu đồng khi kẻ gian dùng cuộc gọi video Deepfake để mạo danh chị mượn tiền.
Một trường hợp khác cũng mới bị lừa mất 40 triệu đồng là chị Trần Hải Anh (nhân viên văn phòng ở quận 3, TP HCM). Chị Hải Anh kể cuối tháng 6-2023, chị được một người quen cho số điện thoại của nhân viên tự xưng là cán bộ tín dụng của một NH. Thấy người này tư vấn nhiệt tình, đưa ra những thông tin khá hợp lý, chị đã tin và chuyển khoản phí làm hồ sơ nhanh, phí bảo hiểm khoản vay. "Sau khi chuyển tổng cộng 37 triệu đồng, thay vì nhận được giải ngân, tôi lại nhận thêm một thông báo phải nộp tiếp một khoản phí để nhận mã số hợp đồng và số tài khoản. Lúc này, tôi mới biết mình bị lừa" - chị Hải Anh bức xúc.
Đáng chú ý, nhiều cơ quan quản lý nhà nước cũng bị mạo danh cho mục đích lừa đảo. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang tăng, nhu cầu đầu tư tài chính, chứng khoán nhiều hơn thì các thủ đoạn lừa đảo cũng gia tăng. Trong đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng vừa bị kẻ gian giả mạo để lừa đảo nhà đầu tư. Trước vụ việc này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định không cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty TNHH Quỹ đầu tư SAC CAPITAL VN và không cấp giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ đại chúng cho Quỹ đầu tư SAC CAPITAL VN. Vụ việc đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra, xử lý.
Phải tỉnh táo khi được yêu cầu chuyển tiền
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia tài chính - chứng khoán Phan Dũng Khánh cho biết bản thân ông cũng từng bị mạo danh tên tuổi. Một số đối tượng lấy hình ảnh của ông để mời chào nhà đầu tư vào các hội, nhóm chứng khoán rồi bán khóa học hoặc dụ tham gia đầu tư. Lo ngại nhiều nhà đầu tư có thể bị lừa tiền, ông đã báo công an. Qua đây, chuyên gia Phan Dũng Khánh khuyến cáo nhà đầu tư cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham gia hội, nhóm đầu tư hay bỏ tiền mua khóa học trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang sôi động trở lại và các chiêu trò lừa đảo xuất hiện nhiều hơn.
Theo Bộ Công an, hiện có 3 nhóm lừa đảo gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Trong đó, có 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng, nhắm vào nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, nhân viên văn phòng... Thủ đoạn phổ biến là lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; lừa đảo khóa sim vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả danh giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; tuyển người mẫu nhí; giả danh các công ty tài chính, NH thương mại; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án; chuyển nhầm tiền vào tài khoản NH để lừa đảo...
Theo bà Võ Dương Tú Diễm - Giám đốc vùng Việt Nam, Cambodia và Myanmar của Kaspersky - cách nhận diện cuộc gọi video Deepfake lừa đảo như sau: hình ảnh không trung thực, khá giật; các động tác không thật sự mượt mà, đặc biệt khi xoay đầu hay nghiêng đầu, nghiêng người; khung hình mờ ảo, không rõ ràng; màu da thay đổi khi chuyển từ khung hình này sang khung hình khác; nội dung nói chuyện và ngữ động chuyển động của môi không thật sự khớp nhau... "Tội phạm mạng đầu tư vào hình ảnh nhiều hơn âm thanh nên giọng nói sẽ khác thường, có thể bị chèn thêm những đoạn âm thanh có sẵn hoặc sẽ có đoạn không có âm thanh. Thời lượng cuộc gọi thường diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 5-7 giây, với lý do sóng yếu..." - bà Diễm lưu ý.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM (UEH), nhận định các thủ đoạn lừa đảo tài chính ngày càng tinh vi trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, người tiêu dùng chưa kịp cập nhật hết các thủ đoạn. Kẻ gian chủ yếu đánh vào lòng tham hoặc sự lo lắng, sợ hãi của người dùng. Do đó, giải pháp cần thiết là các NH, công ty tài chính, ví điện tử tăng cường tuyên truyền và cập nhật thường xuyên các chiêu lừa đảo mới, cảnh báo dấu hiệu bất thường cho người tiêu dùng. "Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nhận thức và sự cảnh giác của người dùng, không làm theo những yêu cầu liên quan chuyển tiền để tránh sập bẫy lừa đảo" - TS Nguyễn Hữu Huân nói.
Các NH cảnh báo người dùng luôn cảnh giác với các yêu cầu, cuộc gọi không xác thực, đặc biệt là yêu cầu chuyển tiền, cài đặt, kích hoạt, nâng cấp dịch vụ vì NH không bao giờ yêu cầu khách cung cấp mã OTP, mã số thẻ tín dụng CVV, mã pin, số thẻ qua điện thoại, SMS... Cần kiểm tra tính xác thực của các yêu cầu bằng cách liên hệ trực tiếp đến kênh chính thức của công ty viễn thông, ngân hàng, công ty chứng khoán, cơ quan nhà nước...
Theo Người lao động