Dấu son 12 năm chuyển bệnh miễn phí

05/01/2024 - 06:21

 - Xuất phát từ tình thương yêu, mong muốn giúp đỡ người ốm đau, hoạn nạn, những tấm lòng hảo tâm An Giang khởi xướng mô hình xe chuyển bệnh miễn phí. Sau đó, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhân rộng, lan tỏa rộng khắp cả nước. Sau 12 năm, phong trào ngày càng phát triển mạnh ở An Giang, là “cánh tay nối dài” của ngành y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân.

Các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào xe chuyển bệnh miễn phí

Tại Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí trên địa bàn tỉnh An Giang (giai đoạn 2011 - 2023), Phó trưởng Cơ quan đại diện phía Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Trọng Nghĩa nhớ lại hơn 1 thập niên trước, phong trào đóng góp mua xe chuyển bệnh miễn phí hình thành đầu tiên tại huyện Châu Phú.

Nhu cầu chuyển bệnh nhân rất cấp thiết, mà khả năng còn hạn chế, nhất là bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nhân dân trong tỉnh, nhà hảo tâm, tổ chức tôn giáo mua lại xe ôtô đã qua sử dụng, cải tạo lại thành xe chuyển viện miễn phí. Về sau, hầu hết xe chuyển bệnh đều là xe chuyên dụng mới hoàn toàn, giá trị mỗi xe từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng. Tấm lòng nhân ái ngày càng lan rộng, các địa phương dần có đầy đủ xe chuyển bệnh.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang Huỳnh Thanh Ngọc cho biết: “Tính đến nay, mô hình xe chuyển bệnh miễn phí phát triển ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, với 202 xe (127 xe đủ điều kiện hoạt động theo Quyết định 906/QĐ-UBND, ngày 24/5/2011 của UBND tỉnh; số còn lại đang bổ sung hồ sơ, chờ đăng ký thẩm định). Trung bình mỗi xã, phường, thị trấn trong tỉnh có 1 xe chuyển bệnh miễn phí. Đặc biệt, một số xã, thị trấn vùng sâu ở huyện Châu Phú, An Phú… có từ 2 - 3 xe, sẵn sàng phục vụ bà con”.

Theo ông Ngọc, hoạt động chuyển bệnh miễn phí được thực hiện 24/24 giờ, số điện thoại được cung cấp rộng rãi đến người dân, bất kể ngày hay đêm đều sẵn lòng phục vụ. Tất cả trường hợp chuyển bệnh được miễn phí hoàn toàn. Hàng năm, toàn tỉnh hỗ trợ chuyển bệnh miễn phí cho gần 40.000 lượt người bệnh. Phần nhiều là bệnh nặng, tai nạn giao thông.

Trong đợt dịch bệnh COVID-19, các xe cấp cứu còn hỗ trợ công tác phòng dịch, đưa người đến khu cách ly tập trung, cơ sở y tế, về gia đình… Tài xế lái xe và tình nguyện viên theo xe chuyển bệnh miễn phí được ban điều hành các cấp tuyển chọn trên cơ sở tình nguyện, không vụ lợi, sẵn sàng tham gia khi có yêu cầu. Hàng năm, họ được tập huấn kỹ năng sơ, cấp cứu theo nội dung Thông tư 17/2004/TT-BYT, ngày 2/6/2014 của Bộ Y tế. Đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức 7 đợt tập huấn, trên 1.000 lượt tài xế và tình nguyện viên được tập huấn, cấp giấy chứng nhận.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, thời gian qua, bằng hoạt động thiết thực, các xe chuyển bệnh từ thiện trên địa bàn tỉnh trở thành địa chỉ tin cậy của người dân địa phương, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn… mỗi khi đau yếu, bệnh tật cần được hỗ trợ nhập viện. Mô hình này của An Giang được Trung ương đánh giá cao, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước học tập kinh nghiệm.

Để tiếp tục nhân rộng mô hình mang ý nghĩa xã hội sâu sắc này, đề nghị Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục nâng chất hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí, đồng thời vận động Nhân dân, công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức tôn giáo,… cùng đồng hành, góp phần xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân một cách thiết thực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh chủ động phối hợp sở, ngành, địa phương liên quan quản lý chặt hoạt động của xe chuyển bệnh miễn phí, tránh việc lợi dụng logo, hình ảnh, danh nghĩa hội để trục lợi, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân. Cùng với đó, hội cần quản lý tài chính từ các nguồn vận động một cách chặt chẽ, tạo sự đồng thuận mạnh mẽ hơn nữa trong Nhân dân, duy trì và nhân rộng hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí trên địa bàn, tương trợ bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tốt hơn nữa.

NGỌC GIANG