Bộ Công Thương vừa có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ - Báo cáo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, thay vì đề xuất phương án 4 vùng trước đó, Bộ Công Thương kiến nghị phương án 1 giá điện áp dụng trên toàn quốc cùng với ngưỡng tổng công suất bổ sung quy hoạch phát triển các dự án điện mặt trời mới đến năm 2023 là 6.300MW.
Cụ thể, theo phương án 1 giá điện áp dụng trên toàn quốc, giá mua điện mặt trời đối với các dự án đầu tư công nghệ điện mặt trời nổi là 1.758 đồng/kWh (tương ứng 7,69 cent/kWh); Đối với các dự án đầu tư công nghệ điện mặt trời mặt đất là 1.620 đồng/kWh (tương ứng 7,09 cent/kWh) và với các dự án đầu tư công nghệ điện mặt trời mái nhà vẫn giữ ở mức 9,35 cent/kWh (tương ứng 1.916 đồng/kWh.
Đầu tư vào điện mặt trời: Sẽ áp dụng phương án 1 giá điện trên toàn quốc?
Bộ Công Thương đánh giá, với phương án 1 mức giá điện trên toàn quốc có 2 ưu điểm lớn là chính sách giá FIT (giá ưu đãi năng lượng tái tạo) đơn giản do chỉ có một mức giá và không cần hỗ trợ cao hơn tại các vùng có tiềm năng bức xạ thấp. Tuy nhiên, quản lý Nhà nước cũng thừa nhận, 2 nhược điểm lớn của chính sách này. Thứ nhất là “việc khuyến khích kém hơn đối với các dự án tại khu vực miền Bắc, miền Trung để góp phần giải quyết nguy cơ thiếu điện giai đoạn đến 2023 của khu vực miền Nam. Các dự án điện mặt trời đã quy hoạch tại vùng 1, vùng 2 theo dự thảo trước đây khó thực hiện hơn. Các dự án tại vùng 4 theo dự thảo trước đây sẽ được hưởng giá cao hơn so với phương án 4 vùng”.
Thứ 2 là do tập trung nhiều dự án điện mặt trời tại các khu vực tiềm năng bức xạ tốt nên có nguy cơ quá tải lưới truyền tải. Do các dự án điện mặt trời chỉ tập trung tại một vùng nên khả năng vận hành điều độ hệ thống truyền tải, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng ngày càng khó khăn hơn.
Ngoài 2 khó khăn này, nhiều nhà đầu tư trong nước còn chỉ ra những khó khăn khác, trong đó nguồn vốn hạn chế, khó có khả năng cạnh tranh với các nhà đầu tư “ngoại” vốn có nhiều ưu thế hơn.
Ông Lê Anh Tùng - Chủ tịch - Công ty CP Ecotech Việt Nam tính toán, với giá điện mới trong dự thảo (đối với các dự án điện mặt trời mặt đất được nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất) chỉ ở mức 7,09 cent/kWh, tức là giảm khoảng 32% so với giá cũ (được quy định tại Quyết định 11 của Chính phủ), đồng nghĩa lợi nhuận cũng giảm tương ứng. Trong khi đó, việc vay vốn cho các dự án năng lượng ngày càng khó khăn, các điều kiện thắt chặt hơn.
Ông Lê Anh Tùng cho rằng, việc đưa ra giá điện mới này, cùng với quá trình ban hành chính sách cũng đồng nghĩa cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra thông điệp gia hạn dài hơi hơn (dự báo đến tháng 12/2021) là điều tốt giúp giảm áp lực cho nhà đầu tư ko bị nhà thầu ép giá. Nhưng, với mức giá thấp vậy, không ít nhà đầu tư vay vốn trong nước càng thêm khó khăn, nếu quá tải lưới điện, bị cắt giảm công suất có thể dẫn đến phá sản.
“Khi giá điện giảm tới mấy chục phần trăm thì hiệu quả dự án giảm đi rất nhiều. khả năng trả nợ rất khó khăn. Nếu 1 giá thì việc đầu tiên tôi sẽ chọn vùng nào có tiềm năng về nắng lớn nhất, thì như vậy lại rơi vào 6 tỉnh Tây Nguyên đang quá tải lưới điện mà không khuyến khích được đầu tư vào các tỉnh phía Bắc hay miền Trung, thì như vậy sẽ lại tiếp tục quá tải, không giải quyết được vấn đề lưới đấu nối đang quá tải hiện nay và sẽ tiếp tục quá tải”, ông Lê Anh Tùng nói.
Theo ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam), điểm ưu Việt lớn nhất của Báo cáo Dự thảo về cơ chế khuyến khích điện mặt trời do Bộ Công thương vừa ban hành chính là giữ nguyên giá mua điện mặt trời ở mức 9,35 cent/kWh đối với các dự án điện mặt trời mái nhà. Nhưng, về lâu dài vẫn cần phải nghiên cứu tính toán các phương án giá điện theo vùng để có thể khuyến khích đầu tư phân tán, tránh tập trung vào một khu vực.
“Duy trì được mức 9,35 cent đó là nỗ lực rất tốt của Bộ Công Thương, nếu duy trì được mức giá đấy thì cũng rất tốt để cho chúng ta chuyển sang mô hình phân tán. Đầu tư tập trung hiện nay cũng sẽ có rất nhiều rủi ro và đặc biệt là các vấn đề về nghẽn thì rất khó để xử lý, vì nó đi kèm với câu chuyện về lưới, đồng bộ về điều độ, chưa kể phải xem xét đến các yếu tố đầu tư các nguồn lưu trữ, chẳng hạn như pin lưu trữ hay là thủy điện tích năng chẳng hạn thì nó cũng đòi hỏi các nguồn đầu tư rất lớn”, ông Hà Đăng Sơn cho biết.
Bộ Công Thương cũng khẳng định tại Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, hiện đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế như WB, USAID, GIZ… nghiên cứu cơ chế đấu thầu phát triển năng lượng tái tạo, dự kiến áp dụng sau năm 2021. Theo đó, các nhà đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo sẽ được lựa chọn theo hình thức đấu giá. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án năng lượng tái tạo thấp nhất. Thực hiện cơ chế này mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án năng lượng tái tạo và lưới truyền tải.
Theo NGUYÊN LONG (VOV)