Dạy con trẻ tự lập

28/10/2020 - 06:21

 - Dạy con trẻ tự lập là vấn đề mà nhiều phụ huynh thường xuyên quan tâm và trao đổi với nhau. Đa số ai cũng biết lợi ích của việc cho con tập tự lập nhưng không biết thời điểm và cách thức tập cho con tự lập như thế nào cho phù hợp. Theo nghiên cứu từ các chuyên gia tâm lý và kinh nghiệm chăm sóc của các giáo viên mầm non, cho trẻ tự lập càng sớm trẻ càng dễ thích nghi và nhanh chóng trưởng thành hơn.

Theo chuyên gia Công ty Cổ phần phát triển giáo dục Quốc tế GAIA (TP. Hồ Chí Minh) trong buổi chia sẻ với giáo viên tiểu học tại An Giang, xuất phát từ tình thương yêu con nên cha mẹ luôn làm giúp con mọi việc mà quên đi con trẻ rất cần được học hỏi, được tự lập. Việc một đứa trẻ đang tập đi, ngay khi trẻ vừa ngã là cha mẹ, ông bà đã vội chạy đến nâng đỡ, xuýt xoa làm trẻ mất đi ý thức tự đứng dậy để đi tiếp, từ đó mọi khó khăn trẻ gặp phải đều trông ngóng người lớn. Hay như đến việc cho trẻ ăn uống, ông bà, cha mẹ thường có thói quen làm thay con và không biết thời điểm nào để cho trẻ tự múc ăn.

Lấy một ví dụ, chuyên gia kể về câu chuyện của chị A (TP. Hồ Chí Minh) thường xuyên mâu thuẫn với mẹ chồng về việc cho con ăn. Ngay từ khi bé 1 tuổi, chị đã cho trẻ ngồi vào bàn ăn riêng, cho con tập làm quen với muỗng nĩa, tự múc ăn theo kiểu người Nhật. Thế nhưng, chị vấp phải ý kiến trái chiều từ mẹ chồng, bà cho rằng trẻ nhỏ không thể tự múc ăn, cháu sẽ làm rơi vãi thức ăn rất nhọc công lau dọn, thế là bà vừa ẵm trẻ đi chơi ở sân chung cư, vừa đút ăn là tiện nhất.

Hệ quả của thói quen đó là cháu bé đã lên 4-5 tuổi mà vẫn chưa tự múc ăn được, khi ở trường mẫu giáo cháu được hướng dẫn tự ăn được nhưng khi về nhà phải đợi mẹ đút mới ăn. Lo ngại sang năm con vào lớp 1 mà vẫn chưa tự ăn được, chị A quyết tâm tập lại thói quen tự ăn cho con từ đầu.

Học sinh được chia sẻ về kỹ năng tự lập

Đó là những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại làm ảnh hưởng đến tính cách của con ngay từ nhỏ, trẻ không tự lập thì rất ngại tự sinh hoạt, tự học tập, vui chơi, mọi việc đều lệ thuộc vào cha mẹ. Đưa con đến trường học tại phường Mỹ Long (TP. Long Xuyên), bản thân tôi chứng kiến không ít phụ huynh ngồi đút từng muỗng thức ăn sáng cho con, trong khi con đã là học sinh lớp 2, lớp 3. Nhiều phụ huynh vừa đưa điện thoại để con dán mắt vào màn hình rồi lén lén đút con ăn từng muỗng, nhìn mà ngao ngán! Rồi đến những kỹ năng khác như: tập ngủ riêng, đi xe đạp, bơi lội, khám phá thiên nhiên… dường như mỗi thứ với trẻ là điều không thể. Bởi, chỉ mới bắt đầu là cha mẹ đã lo sợ con tập chạy xe sẽ té ngã trầy xướt tay chân; đi bơi con dễ bị cảm lạnh, sặc nước, hại da; khi đi chơi bên ngoài lại lo sợ con gặp nguy hiểm nên cứ kè kè bên cạnh. Chính sự chăm bẵm quá mức làm trẻ không thể lớn, không có cơ hội được rèn luyện và trưởng thành. 

Chính vì cưng chiều con quá mức hay không biết thời điểm cũng như phương pháp dạy con tự lập mà nhiều cha mẹ đã bỏ qua “thời gian vàng” để trẻ tự lập. Đến khi con lớn thì cha mẹ mãi là người phục vụ cho trẻ. Đó là câu chuyện của chị Châu (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, An Giang) không thể vào bệnh viện chăm mẹ vì đứa con 10 tuổi không ngủ chung với mẹ là không ngủ được.

Chị H (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) ngày thường vừa bán hàng, giao hàng, làm tất cả việc nhà để con gái chỉ lo học (lớp 9), đến khi chị đau bệnh nhập viện thì cả nhà gồm: chồng, con chị không thể tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Ngay cả những bạn trẻ đã bước vào tuổi 18 nhưng khi đi du lịch lại để cha mẹ xách vali, giày dép, chăm bẵm từng miếng ăn, thú tiêu khiển. Chính sự phục vụ tận tụy, vô điều kiện của cha mẹ vô tình đã biến trẻ trở thành những con người vô tâm, ích kỷ, thiếu bản lĩnh, thiếu chia sẻ với cha mẹ và những người xung quanh.

Không có một phương pháp nào hoàn hảo hay một thời điểm nào bắt buộc cha mẹ phải dạy cho trẻ tự lập mà tùy vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình, tính cách từng đứa trẻ để có cách tập luyện tự lập cho con phù hợp. Chỉ khi nào cha mẹ hiểu hết ý nghĩa của việc tập cho con trẻ tự lập là tốt cho cha mẹ và tốt cho chính đứa trẻ thì sẽ tìm kiếm phương pháp tốt nhất, còn mãi yêu con quá mức sẽ chỉ tìm lý do để trì hoãn. Hãy để cho con tự lập vì cha mẹ không thể sống đời với con.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG