Truyền thông phiên tòa giả định và tọa đàm về phòng, chống xâm hại ở trẻ em
Hàng năm, UBND tỉnh An Giang đều ban hành các văn bản để triển khai công tác trẻ em. Qua đó, phân công trách nhiệm cho các cấp, ngành và địa phương tăng cường các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đồng thời kêu gọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng chung tay bảo vệ trẻ em và phòng tránh các nguy cơ xâm hại, bạo lực, bảo vệ quyền trẻ em, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Theo đó, UBND tỉnh An Giang giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan trong việc triển khai, tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục.
Kết quả, Công an tỉnh tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Qua đó, lồng ghép tổ chức 751 buổi, có 35.835 lượt người tham dự tuyên truyền về phòng, chống tội phạm mua bán người; phòng, chống xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật; phòng, chống ma túy… Thông qua các buổi tuyên truyền đã phát 7.604 thư kêu gọi tố giác tội phạm và cung cấp số điện thoại đường dây nóng của công an các cấp và Tổng đài 111 cho người dân.
Để nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường an toàn, giảm nguy cơ trẻ em bị xâm hại; Hội đồng Đội tỉnh An Giang chỉ đạo Hội đồng Đội cấp huyện hướng dẫn cho 484/484 liên đội tổ chức tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống bạo lực, xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em, tuyên truyền về Tổng đài 111.
Tỉnh đoàn An Giang chỉ đạo 100% đoàn trường học tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”. 11/11 đoàn cấp huyện và Nhà Thiếu nhi tỉnh triển khai thành lập và duy trì sinh hoạt 12 Câu lạc bộ quyền trẻ em. Qua đó, các em được tuyên truyền về Luật Trẻ em, quyền tham gia của trẻ em, bày tỏ ý kiến, tâm tư nguyện vọng, giúp các ngành chức năng kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em.
Tòa án nhân dân tỉnh An Giang phối hợp Sở LĐ-TB&XH tổ chức các buổi truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em bằng phương pháp sắm vai thể hiện phiên tòa giả định và tọa đàm phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em tại 11 huyện, thị xã, thành phố với 2.750 người dân và học sinh tham dự. Qua đó, giúp cho người dân và học sinh nâng cao kiến thức, nhận thức về pháp luật, đồng thời vận động người dân và học sinh mạnh dạn lên án, tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em.
“Phiên tòa giả định về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Ngay từ khi bắt đầu phiên tòa, tất cả người tham dự đều chăm chú theo dõi, lôi cuốn vào từng tình tiết vụ án. Với cách thể hiện dễ hiểu, tình huống giả định sát với thực tế, nội dung thể hiện sinh động, phù hợp, giúp các học sinh, phụ huynh nhận thức rõ về tính nghiêm minh của pháp luật, phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật về xâm hại trẻ em.
Tại buổi tuyên truyền, các học sinh được xem tư liệu trình chiếu một số kiến thức về kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Kết thúc phiên tòa, phụ huynh và học sinh tham gia tọa đàm, đặt câu hỏi trao đổi trực tiếp với lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh và địa phương xoay quanh những vấn đề về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đặc biệt, học sinh được củng cố kiến thức, chú ý những tình tiết quan trọng của vụ án qua trò chơi trắc nghiệm có thưởng” - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) Đặng Huy Châu cho biết.
Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức tuyên truyền trong các khu nhà trọ cho chủ nhà trọ, người ở trọ về dấu hiệu nhận biết đối tượng có khả năng xâm hại trẻ em; về kỹ năng làm cha mẹ; kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục ở trẻ em (tổ chức 20 cuộc truyền thông với sự tham gia của hơn 1.000 người dân). Phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các hoạt động tọa đàm, tập huấn về kỹ năng bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại, bạo lực, các quy định của pháp luật về hành vi xâm hại tình dục trẻ em cho các bậc phụ huynh là công nhân lao động ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Từ ngày 1/1/2021 đến 30/4/2023, có 94 trẻ em bị xâm hại. Tình hình xâm hại trẻ em có những diễn biến mới, phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em thường xảy ra ở các khu dân cư hoặc vùng nông thôn, vùng núi hẻo lánh, nơi vắng người, trẻ em không có người trông coi, giám sát thường xuyên. Đối tượng lợi dụng sự non trẻ và thiếu khả năng tự bảo vệ để tiếp cận dụ dỗ cho lợi ích vật chất... từ đó, trẻ tin tưởng vào đối tượng và dễ dàng bị đối tượng xâm hại. |
PHƯƠNG LAN