Dạy nghề cho lao động thất nghiệp vì COVID-19

18/11/2020 - 04:05

 - Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm của hàng ngàn người, không chỉ về thu nhập, mà nhiều người đã bị mất việc làm vì doanh nghiệp cắt giảm lao động. Trước tình hình đó, lớp đào tạo nghề ngắn hạn dành riêng cho người thất nghiệp hoặc chưa có việc làm được tổ chức đã tạo cơ hội và kỳ vọng cho nhiều học viên khi tham gia.

Lớp học diễn ra tích cực, nghiêm túc bởi đáp ứng đúng nhu cầu, mong mỏi của nhiều người trong thời điểm này

2 lớp học đầu tiên được tổ chức trong tháng 10 với tổng số 42 học viên, lần lượt tại Trường Cao đẳng Nghề An Giang và xã Long Điền A (Chợ Mới). Thầy Đoàn Văn Phúc (Trường Cao đẳng Nghề An Giang) phụ trách quản lý các lớp học cho biết, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp Tỉnh đoàn và Trường Cao đẳng Nghề An Giang để mở lớp đào tạo nghề cho người mất việc làm vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 hoặc chưa có việc làm, muốn chuyển đổi nghề nghiệp. Toàn bộ học phí được tài trợ bởi GIZ, ngoài ra học viên còn được hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại (80.000 đồng/ngày; lưu trú, đi lại 500.000 đồng/tháng).

Sau khi kết thúc khóa học, được hỗ trợ thêm 100 Euro/người (2,6 triệu đồng) để trang trải xin việc làm. Yêu cầu duy nhất là học viên hoàn thành khóa học, vượt qua bài kiểm tra lý thuyết và thực hành, không cần các kỹ năng nghề từ trước. Sau khi học xong, học viên sử dụng kỹ năng của mình và nâng cao dần trong quá trình thực hành làm việc. Trọng tâm trong quá trình đào tạo chú trọng nhiều đến thực hành, giúp học viên có được các kỹ năng: trang bị điện trong hệ thống cơ điện tử, sử dụng biến tần, thiết kế led quảng cáo.

Tại xã Long Điền A, có 25 học viên tham dự, trong đó có khá nhiều lao động nữ. Thầy Nguyễn Huỳnh Viên Thông trực tiếp dạy lớp cho biết, nghe đến điện thì một số người có vẻ ngại, nhưng vào học rồi bắt nhịp làm quen rất nhanh. Từ những kiến thức và kỹ năng của lớp học này, học viên có thể ứng dụng làm việc trong các nhà máy khi sử dụng điện ba pha, điện công nghiệp và tự lắp đặt thiết bị bơm tưới tại nhà.

Anh Bùi Xuân Huy (nhà tại ấp Long Thuận 1), rất hồ hởi với lớp học này. Anh Huy làm công nhân ở tỉnh Bình Dương được 3 năm, từ sau Tết, công ty cắt giảm nhân công, anh đành trở về địa phương, ai thuê gì làm nấy, nhiều nhất là chăm sóc vườn, thu nhập 200.000 đồng/ngày.

Qua 2 tuần trải nghiệm ở lớp học, anh Huy tỏ ra tâm đắc: “Tôi học được nhiều cái “êm” lắm, có thể ứng dụng vào máy xịt thuốc, xin đi làm việc với chứng chỉ trong tay. Trước mắt sẽ làm ở nhà, khi tay nghề ổn hơn sẽ tính đến chuyện học thêm, tùy điều kiện tôi mở cơ sở hoặc đi làm”.

Theo anh Huy, hiện nay tình hình ở các khu công nghiệp lớn ngoài tỉnh đã ổn hơn, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động rất ít, không thể trông chờ để quay trở lại tìm một “chân việc” với thu nhập như mong đợi. Anh chấp nhận điều kiện hiện tại, vui hơn khi hiện nay đã có chứng chỉ nghề đào tạo.

Trường hợp khác là bạn Nguyễn Hữu Tân (ở ấp Long Bình), lâu nay phụ gia đình chăm sóc vườn, chưa có việc làm, đến lớp học nghề này với mong muốn ứng dụng được nhiều kỹ thuật chăm sóc vườn hiệu quả hơn.

Tân chia sẻ: “Các thầy chỉ dạy rất tận tình, dễ hiểu. Trước đây, em chỉ biết sửa điện thông thường ở nhà, qua lớp học này, em biết thêm nhiều kỹ năng thực hành hữu ích, thiết thực. Với việc chăm sóc vườn, từ nay em chỉ cần điều khiển tưới qua remote, không lo bị ướt, lại tiết kiệm được chi phí thuê người (khoảng 500.000 đồng/ngày).

Thầy Đoàn Văn Phúc cho biết, sau 2 lớp học được các học viên tham gia rất nghiêm túc, trường đang phối hợp cùng các đơn vị khảo sát, dự kiến mở thêm lớp tương tự trong thời gian tới. Việc tổ chức khóa học sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn trước mắt cho người thất nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội nghề nghiệp mới cho người lao động tìm việc thuận lợi hơn.

MỸ HẠNH

Các khóa đào tạo nghề ngắn hạn cho những lao động mất việc, chưa có việc làm hoặc có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 được tổ chức bởi Chương trình hợp tác Việt - Đức “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 8 tỉnh, thành phố, gồm: Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Khánh Hòa, An Giang, Long An, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Những khóa đào tạo tập trung vào các ngành nghề kỹ thuật như: cơ khí, cơ điện tử, điện - điện tử, cắt gọt kim loại, xử lý nước thải... là những ngành ít chịu tác động của đại dịch hơn so với những lĩnh vực khác.