Dạy nghề cho người khuyết tật

22/01/2019 - 07:32

 - Vươn lên từ khó nhọc và tỏa sáng trong nghề may áo dài truyền thống là một hành trình đầy gian truân của nhà thiết kế Nguyễn Thị Kim Hằng (sinh năm 1982, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên). Hằng không đơn thuần là một cô gái khuyết tật vượt khó, tìm kiếm cuộc sống cho riêng mình mà còn mang trong mình bao ước mơ, khát khao cháy bỏng. Đó chính là dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho những mảnh đời khiếm khuyết, còn vất vả trăm bề trong cuộc sống.

Chị Hằng hướng dẫn may cho học viên cùng cảnh ngộ

Là cô gái chỉ hưởng được niềm vui trẻ thơ vỏn vẹn trong 3 năm đầu đời, sau 1 vụ té ngã chị Hằng bị vẹo cột sống, 2 chân bị ảnh hưởng nên không thể đi lại. Năm 12 tuổi, quyết tâm bước xuống giường, chị Hằng đã cố gắng vượt qua bao nỗi đau cơ thể để tập vật lý trị liệu. 2 năm sau, chị Hằng mới có thể đi lại, hòa nhập với cuộc sống cộng đồng và bắt đầu học chữ. Làm việc cho một tổ chức phi chính phủ được thời gian, chị Hằng đã tìm được lý tưởng sống là cần phải dấn thân, phục vụ cho cộng đồng nhưng cũng vì lý do sức khỏe nên chị không trụ lâu với công việc. “Bản thân mình là người khuyết tật, tìm việc làm phù hợp rất khó mà ở nhà suốt 5 năm lại thấy bản thân mình vô dụng, gánh nặng cho gia đình. Chính vì vậy, tôi đã quyết tâm tìm cho mình một nghề. Từ việc làm khuy, nút áo dài cho đến may quần áo, tôi nhận thấy bản thân mình có năng khiếu với nghề may nên tìm thầy học nghề. Đam mê là vậy nhưng lúc người khuyết tật đi tìm nhà may học nghề đã không tránh khỏi ánh mắt ái ngại, từ chối của biết bao người. Rồi cơ may cũng đến khi tôi được một người bạn giới thiệu học may ở TP. Hồ Chí Minh. Kể từ đó cuộc sống của tôi đã sang trang mới khi cùng người bạn tạo dựng được hiệu may Nguyễn Hằng (tại số 130, Huỳnh Thúc Kháng, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên)” - chị Hằng kể lại.

Không chỉ có năng khiếu thiết kế đẹp, khéo léo, tỉ mỉ, chị Hằng còn đặt cái tâm vào từng chiếc áo dài, may làm sao để tôn lên nét đẹp người phụ nữ, vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống. Tiếng lành đồn xa, tiệm may Nguyễn Hằng ngày càng đông khách và khẳng định thương hiệu ở TP. Long Xuyên. “Bản thân có cuộc sống đủ đầy nhưng tôi chưa bao giờ muốn tận hưởng cho riêng mình, hàng ngày vẫn âm thầm tham gia các hoạt động thiện nguyện như: nhận đỡ đầu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ người nghèo khó khuyết tật và tôi còn tham gia vào Mạng lưới ung thư vú Việt Nam, giúp đỡ chị em bị ung thư sống vui khỏe hơn. Tôi có thêm cơ duyên khi gặp được nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam. Sau hơn 1 tháng được thầy cho theo học lớp thiết kế chuyên sâu áo dài tại Hà Nội, tôi được nâng cao tay nghề và tự tin hơn trong việc thực hiện ước mơ mở lớp dạy nghề miễn phí cho các bạn trẻ khuyết tật”- chị Hằng trải lòng.

“Tôi luôn tri ân sự nâng đỡ của thầy Đỗ Trịnh Hoài Nam và trân quý câu nhận xét của thầy: “Cô bé Nguyễn Hằng vẻ bên ngoài khuyết tật nhưng tâm hồn không khuyết tật”. Chính sự giúp đỡ tận tình của thầy đã tạo động lực mạnh mẽ để tôi quyết tâm hơn trong việc mở lớp dạy nghề may cho người khiếm khuyết. Hơn ai hết, tôi thấu hiểu bao nỗi gian truân của họ trong việc hòa nhập với xã hội, học nghề và sống được với nghề. Bằng tất cả những kinh nghiệm vượt khó đã qua, tôi nguyện sẽ là điểm tựa cho các bạn trẻ kém may mắn. Hiện tại, tôi đang dạy nghề may cho một bạn khuyết tật ở chân. Sau thời gian học tập, bạn ấy dần quen với nghề và sống cởi mở, lạc quan hơn. Với các bạn khuyết tật nhiều dạng, tôi sẽ cố gắng hướng dẫn các công việc đơn giản như: làm khuy, nút, thêu, vẽ phù hợp với khả năng. Chỉ cần các bạn chịu khó, tôi sẽ truyền lại hết kinh nghiệm và tạo việc làm bền vững. Những bạn chưa có nghề, chưa có việc làm hãy đến với tiệm may Nguyễn Hằng để có cơ hội khám phá năng lực bản thân và cống hiến cho đời cái đẹp từ những tâm hồn không khuyết tật”- chị Hằng tâm huyết.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG