Đề nghị hoàn thiện dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

19/04/2023 - 05:06

 - Nước ta bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, xảy ra nhiều sự cố thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy, đòi hỏi hoàn thiện cơ sở pháp lý để chủ động phòng chống, ứng phó hiệu quả sự cố, thảm họa thiên tai, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn đất nước. Việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết.

Cân nhắc phạm vi điều chỉnh

Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự có phạm vi điều chỉnh rộng, cần rà soát để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật chuyên ngành; chỉ quy định những vấn đề chung mang tính nguyên tắc để bảo đảm tính khả thi. Khi xây dựng luật này theo hướng dẫn chiếu những quy định của các luật khác, tránh trùng lặp hoặc xung đột; bổ sung quy định còn thiếu trong các luật khác.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý lại quy định về phạm vi điều chỉnh; đồng thời, rà soát, quy định rõ thêm nội dung liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự, như: Quy định cấp độ phòng thủ dân sự và ban bố tình trạng thảm họa (Điều 6); xây dựng chiến lược, kế hoạch phòng thủ dân sự (Điều 10, 11); biện pháp ứng phó trong từng cấp độ phòng thủ dân sự, hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh (Điều 23, 24, 25, 26, 27); hoạt động khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố (Điều 28).

Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất

Để tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp với từng cấp độ, dự thảo luật quy định: Cấp độ phòng thủ dân sự; căn cứ xác định các cấp độ phòng thủ dân sự; các biện pháp được áp dụng trong từng cấp độ phòng thủ dân sự và thẩm quyền được áp dụng của các cấp chính quyền. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để bảo đảm phân định rõ phạm vi áp dụng Luật Phòng thủ dân sự, luật áp dụng đối với những sự cố có nguy cơ dẫn tới thảm họa và thảm họa, việc phòng ngừa; riêng ứng phó với các sự cố thông thường thực hiện theo quy định của luật chuyên ngành có liên quan.

Quy định rõ nguồn lực

Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự án Luật Phòng thủ dân sự đối với lãnh đạo sở, ngành có liên quan, Hội Luật gia, Hội Luật sư... Hầu hết đại biểu thống nhất cao sự cần thiết và những nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án luật, nhằm tập trung nguồn lực, chủ động từ sớm, đối với tình huống bất thường có thể xảy ra khi thiên tai, dịch bệnh hoặc chiến tranh, đảm bảo cao nhất cho mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị làm rõ các quy định về tổ chức phòng thủ dân sự, đảm bảo hoạt động không chồng chéo, hiệu quả; phù hợp quy định của pháp luật. Ông Phan Ngọc Minh, Hội Luật gia tỉnh An Giang góp ý: “Điều 31 (huy động, vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ) là nội dung được dư luận quan tâm nhiều trong các đợt vận động cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt.

Dự thảo quy định chặt chẽ nguyên tắc huy động, vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ. Tuy nhiên, cần quy định thêm cơ chế kiểm tra, giám sát của UBMTTQ, tổ chức chính trị - xã hội nơi có thiên tai, thảm họa để đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng cần sự hỗ trợ”.

Góp ý về Quỹ Phòng thủ dân sự, một số ý kiến cho rằng, quy định đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự. Vì kinh phí để cứu trợ, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố là rất lớn và cấp bách, cần thành lập quỹ để đảm bảo sự chủ động về nguồn kinh phí. Tuy nhiên, cần rà soát các loại quỹ tương tự, như: Quỹ Phòng, chống thiên tai, Quỹ Phòng, chống dịch bệnh... để tránh chồng chéo, trùng lắp.

Đồng thời, bổ sung quy định về công khai, minh bạch quỹ. Các đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng… trong đề xuất bố trí nguồn vốn, về quy hoạch xây dựng công trình phòng thủ của các cấp.

Đại tá Nguyễn Lâm Đạt Thanh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang góp ý: “Khi xây dựng Luật Phòng thủ dân sự thì hiệu lực của Luật Phòng, chống thiên tai còn hay không? Khi chưa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, lực lượng cho phòng thủ dân sự, nếu có sự cố, thiên tai xảy ra thì ứng phó như thế nào?

Sau khi Bộ Quốc phòng xây dựng dự thảo luật, được đóng góp ý kiến thì tôi nhận thấy các điều luật đã được chỉnh lý mềm hóa, phù hợp quản lý nhà nước của chúng ta. Tôi đề nghị bổ sung thêm Quỹ Phòng thủ dân sự cho nhiệm vụ xây dựng công trình phòng thủ dân sự, làm căn cứ thực hiện”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến khác của ĐBQH; rà soát chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự phù hợp về thể thức, kỹ thuật văn bản, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự có 7 chương, 57 điều, giảm 14 điều so với dự thảo luật mà Chính phủ trình.

 

AN KHANG