Đề nghị phân loại rõ đối tượng mắc COVID-19 là bệnh nghề nghiệp, hưởng BHXH

28/04/2022 - 07:43

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề nghị bổ sung quy định "người thực hiện công tác phòng, chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc điều động của cấp có thẩm quyền".

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: TTXVN

Bộ LĐTBXH vừa có công văn trả lời Bộ Y tế liên quan tới dự thảo thông tư bổ sung bệnh COVID-19 nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

Một trong những vấn đề được Bộ LĐTBXH lưu ý trong việc xây dựng dự thảo thông tư là việc cần phân biệt rõ đối tượng mắc COVID-19 được công nhận bệnh COVID-19 là bệnh nghề nghiệp với những nhóm lao động khác phải làm việc trong môi trường có virus SARS-CoV-2, từ đó làm cơ sở để áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).

Cụ thể, trong phụ lục của dự thảo thông tư quy định nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trong đó giới hạn 8 nhóm nghề, công việc cụ thể. Tuy nhiên theo định nghĩa bệnh COVID-19 nghề nghiệp tại dự thảo Thông tư thì bất cứ ai bị bệnh COVID-19 phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động thì được coi là có bệnh COVID-19.

Theo ý kiến của Bộ LĐTBXH, dự thảo không quy định các nghề, công việc khác ngoài 8 nhóm nghề, công việc đã nêu nếu đáp ứng định nghĩa về bệnh COVID-19 thì có được hưởng bảo hiểm xã hội hay không. Chính vì vậy, quan điểm Bộ LĐTBXH, để làm rõ đối tượng được áp dụng công nhận bệnh COVID-19 là bệnh nghề nghiệp, phân biệt với người lao động khác phải làm việc trong môi trường có virus. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về lao động đề nghị bổ sung định nghĩa bệnh COVID-19 trong dự thảo Thông tư nội dung: "… để thực hiện công tác phòng, chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc điều động của cấp có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng lưu ý, trường hợp không coi những người làm nghề, công việc ngoài 8 nhóm nghề, công việc nêu tại dự thảo thông tư bị bệnh COVID-19 phát sinh trong quá trình lao động do họ phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động của họ thì quy định sẽ tạo ra sự không bình đẳng về quyền, lợi ích giữa những người lao động làm việc trong các môi trường lao động khác nhau nhưng đều bị "bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động".

Được biết trước đó, Bộ Y tế đã xin ý kiến nhiều Bộ, ngành về dự thảo Thông tư bổ sung bệnh COVID-19 nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

Trong dự thảo xin ý kiến, Bộ Y tế đưa ra danh mục các nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS-CoV-2, gồm: Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu SARS-CoV-2; người làm nghề, công việc trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà; người làm nghề, công việc vận chuyển, phục vụ người bệnh COVID-19; người làm nghề, công việc vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh COVID-19; Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2…

Theo XM (Báo Tin Tức)