Một cảnh trong phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương".
Tháng 11 vừa qua, tại Liên hoan Phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021, nữ đạo diễn trẻ 23 tuổi Hà Lệ Diễm vinh dự được trao giải thưởng "Ðạo diễn xuất sắc nhất" ở hạng mục Tranh giải quốc tế của Liên hoan với tác phẩm "Những đứa trẻ trong sương". Ðây là giải thưởng quan trọng chỉ sau giải thưởng "Phim xuất sắc" của Liên hoan. Ngoài ra, "Những đứa trẻ trong sương" còn được trao "Giải thưởng Ðặc biệt" của Ban giám khảo Liên hoan dành cho Phim đầu tay. Trước đó ít ngày, phim "Mùa xuân vĩnh cửu" (Tên tiếng Anh: The Eternal Springtime) của đạo diễn trẻ Việt Vũ được trao Giải thưởng Lớn hạng mục Phim tài liệu ngắn hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Cork (Anh) lần thứ 66. Theo quy định của Liên hoan phim này, bộ phim chiến thắng ở hạng mục Phim tài liệu ngắn hay nhất mặc định được đề cử vào danh sách tranh đề cử tại giải Oscar 2022 ở hạng mục Phim tài liệu ngắn. Như vậy, lần đầu tiên phim tài liệu Việt Nam có một đạo diễn trẻ và một bộ phim đủ điều kiện được đề cử giải thưởng danh giá về điện ảnh. Và thành công của các đạo diễn trẻ là thí dụ cho thấy phim tài liệu Việt Nam đã tự tin hòa nhập vào dòng chảy của điện ảnh thế giới.
Các năm gần đây, phim tài liệu ở Việt Nam đang có xu hướng nở rộ, không chỉ về số lượng mà chất lượng cũng được nâng lên. Có thể kể tên các phim có tiếng vang như: "Chư Tan Kra", "Chông chênh", "Ðường về", "Ông Tây nước mắm", "Hai đứa trẻ", "Chuyện ngày hôm qua", "Giấc mơ công nhân", "Ðoạn trường vinh hoa", "Ði tìm Phong"... Ðặc biệt trong gần hai năm dịch Covid-19 hoành hành vừa qua, đã xuất hiện một loạt phim về chủ đề này như "Chuyện ở thành phố thức"(3 tập), "Dã chiến", "Ngày về", "Hậu phương", "Ranh giới", "Cuộc chiến không giới hạn", "Cùng nhau vượt đại dịch", "Lựa chọn của tôi"... Ðiều này chứng tỏ phim tài liệu đã thật sự có bước đi mạnh mẽ, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của khán giả. Lý do đưa tới sự nở rộ, thành công của phim tài liệu, trước hết phải kể đến việc người làm phim đã tích cực đến gần hơn với khán giả bằng cách đa dạng hóa đề tài, nội dung. Tiếp nữa, các kênh để đưa phim tài liệu đến khán giả cũng mở rộng hơn, từ truyền hình đến các nền tảng trực tuyến, đặc biệt có một số phim được lựa chọn vào rạp chiếu thương mại, bình đẳng cạnh tranh thị phần khán giả như các phim điện ảnh khác. Nhưng quan trọng hơn cả là vai trò của các nhà làm phim. Trong quá khứ, điện ảnh tài liệu tự hào vì có những tên tuổi như Trần Văn Thủy, Lò Minh, Ðào Trọng Khánh, Lê Mạnh Thích, Lê Hồng Chương, Nguyễn Thước... thì gần đây, đã xuất hiện một thế hệ đạo diễn phim tài liệu trẻ thế hệ 8X, thậm chí 9X với một số tác phẩm thu hút sự chú ý của dư luận. Và ngày nay, tên tuổi của Trần Phương Thảo, Nguyễn Ngọc Ánh, Tạ Quỳnh Tư, Ðặng Linh, Lê Mỹ Cường, Nguyễn Hương Trà, Hà Lệ Diễm, Việt Vũ,... không còn xa lạ với khán giả phim tài liệu. Họ là một thế hệ làm phim được đào tạo bài bản, ngày càng tiếp cận gần hơn với trình độ làm phim tài liệu hiện đại của thế giới, chịu khó tìm tòi đổi mới cách kể chuyện, dấn thân vào đề tài khó, thậm chí gai góc, với thái độ tôn trọng sự thật, không lên gân, để bộ phim tự nói lên nội dung cần truyền tải, nhờ vậy tiếng nói của họ thường nhận được sự đồng cảm của khán giả.
Trong điện ảnh, phim tài liệu được gọi là "Ðiện ảnh sự thật", bởi thể loại này coi sự thật là tối thượng, không hư cấu hay dàn dựng, không có diễn viên. Người làm phim phải phản ánh sự thật một cách khách quan. Vì thế phim tài liệu gần với báo chí, hoặc có thể nói đó là thể loại nằm giữa điện ảnh và báo hình. Ðây là điểm mạnh về đặc trưng thể loại, là tiền đề quan trọng giúp phim tài liệu có thể "làm nên chuyện" trong các thời điểm mà cuộc sống có sự kiện hoặc biến cố đặc biệt. Chưa nói đến tài năng, chỉ sự dấn thân của đạo diễn cũng đã tạo dựng được cơ sở quan trọng để có một bộ phim gây xúc động. Với phim tài liệu, ở khía cạnh nào đó, đạo diễn cũng giống như nhà báo, vì phải có mặt tại "điểm nóng", nơi câu chuyện họ quan tâm đang xảy ra, nhân vật họ quan tâm đang ở đó, để đồng cảm, ghi lại và kể lại sự thật bằng ngôn ngữ điện ảnh, nên phim tài liệu có vị trí rất quan trọng trong điện ảnh nói chung. Cũng vì phim tài liệu có khả năng "lay động lương tâm thời đại" mà liên hoan phim quốc gia hay quốc tế luôn có hạng mục dành cho phim tài liệu. Những thước phim tài liệu có thể giúp con người tiếp cận sự thật cuộc sống một cách sâu sắc, toàn diện. Lợi thế này khiến phim tài liệu có vị trí riêng trong mỗi nền điện ảnh dân tộc, như nhà làm phim tài liệu nổi tiếng Pattricio Guzman từng nói: "Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh". Ở nước ta, phim tài liệu cũng đã xác lập được vị trí của mình. Trong quá khứ, từng có nhiều phim tài liệu giá trị và hấp dẫn không chỉ được khán giả trong nước mà cả khán giả quốc tế biết đến, như "Chuyện tử tế", "Hà Nội trong mắt ai", "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai", "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng"... Và hôm nay ở Việt Nam đang có một đội ngũ đạo diễn sung sức, tiếp tục kế thừa và phát huy các thành tựu thế hệ đi trước đã làm được. Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22 vừa qua, số phim tài liệu dự thi tăng lên bất ngờ và là hạng mục có nhiều tác phẩm tham dự nhất, bước đầu cho thấy phim tài liệu Việt Nam đã có một bước phát triển cần ghi nhận.
Về đội ngũ, nếu trước đây phần lớn đạo diễn phim tài liệu tập trung ở Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương, thì hiện nay xuất hiện nhiều nhà làm phim tài liệu độc lập. Ðiều này đưa đến thực tế là mặc dù có đội ngũ đông đảo người làm phim tài liệu nhiệt huyết nhưng lại thiếu sự kết nối, dẫn đến mạnh ai nấy làm, ảnh hưởng trong công chúng còn hạn chế. Trần Phương Thảo, nữ đạo diễn của phim tài liệu đầu tiên về chủ đề người chuyển giới "Ði tìm Phong"-bộ phim giành nhiều giải thưởng quốc tế trong đó có giải "Phim tài liệu hay nhất" tại Liên hoan phim In&Out 2017 tại Nice (Pháp) chia sẻ rằng, nhà làm phim độc lập rất khó tiếp cận nguồn đầu tư của Nhà nước, việc kết nối với các tổ chức xã hội còn lỏng lẻo, thiếu sự hợp nhất nên rất khó tìm nguồn tài trợ, nên phải tự thân vận động là chính. Hiện chỉ có một địa chỉ là TPD (Trung tâm hỗ trợ tài năng điện ảnh-tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các hoạt động của điện ảnh Trẻ)-nơi nhà làm phim độc lập có thể tìm đến để nhận hỗ trợ về thiết bị, kinh phí. Ðể "đứa con" mình ấp ủ có cơ hội ra đời, hầu hết nhà làm phim độc lập đều phải làm thêm nhiều công việc để "lấy ngắn nuôi dài", hoặc phải tìm hỗ trợ từ các quỹ phát triển điện ảnh khu vực châu Á, hoặc quốc tế. Không chỉ vậy, việc đưa phim đến với công chúng còn khó khăn hơn. Số lượng phim tài liệu được chiếu thương mại ngoài rạp dù có dấu hiệu đáng mừng nhưng vẫn còn chưa được như mong đợi. Mới chỉ có một số phim chiếu rạp như "Lửa Thiện Nhân", "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", "Ðoạn trường vinh hoa"... còn lại chủ yếu phát sóng trên truyền hình và thường là tác phẩm phục vụ công tác tuyên truyền, hoặc nếu có thì là phim nằm trong kế hoạch sản xuất của các đài truyền hình. Ngay cả phim tài liệu được giải quốc tế như "Ði tìm Phong" cũng đã từng bất lực khi các nhà phát hành lớn không nhận chiếu rạp vì sợ ít khán giả, sợ "lỗ". Ở đây, rõ ràng có một nghịch lý là phim tài liệu đã nỗ lực bước ra thế giới nhưng lại gặp khó khăn ngay chính trên "sân nhà".
Ðể phim tài liệu phát huy được vai trò trong điện ảnh và đời sống xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của các đơn vị, cá nhân sản xuất phim, Nhà nước cần có cơ chế phù hợp, trước hết là kết nối các nhà làm phim trẻ, tạo điều kiện về kinh phí khi có kịch bản hay, phù hợp. Cơ chế đó là cần thiết vì đây đó vẫn có nhận thức chưa đúng mức về vai trò của phim tài liệu, ngành hữu quan chưa có chiến lược dài hơi để phim tài liệu có vị trí xứng đáng trong điện ảnh. Tại một cuộc hội thảo về phim tài liệu do Cục Ðiện ảnh (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tổ chức gần đây, đạo diễn NSND Nguyễn Thước mong muốn: "Nhà nước dành một phần kinh phí đặt hàng làm phim tài liệu cho các nhà làm phim độc lập". Ðó là ý kiến cần lưu tâm, nhất là trong khi ở các đơn vị quen thuộc sản xuất phim tài liệu của Nhà nước, đội ngũ làm phim tài liệu ngày càng vơi mỏng vì tuổi tác, vì biên chế, chưa kể tư duy làm phim tài liệu của một số tác giả có dấu hiệu trì trệ, chưa đáp ứng được đòi hỏi của đời sống. Ngoài ra, với phim tài liệu có chất lượng, Nhà nước cần có chính sách "đỡ đầu" về phát hành, hỗ trợ để phim đến với khán giả trong nước qua hệ thống chiếu rạp hoặc phát sóng trên các kênh truyền hình. Tóm lại, để phim tài liệu có thể đề cập một cách thuyết phục về các vấn đề kinh tế-xã hội-con người, và giới thiệu một Việt Nam phát triển, hội nhập với thế giới, vai trò của mỗi nhà làm phim là chưa đủ, mà cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, các ngành liên quan, tạo điều kiện về cơ chế, điều kiện, môi trường để các nhà làm phim phát huy hết khả năng của mình.
Theo VŨ QUỲNH TRANG (Nhân Dân)