Dễ tìm việc, trường nghề vẫn khó tuyển sinh

15/11/2019 - 08:17

 - Vào đại học đã không còn là con đường duy nhất trong lựa chọn đi đến tương lai, nhất là trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay. Tuy vậy, quan niệm “trọng thầy hơn thợ” của các bậc phụ huynh; tâm lý chỉ lựa chọn học nghề sau khi trượt đại học đã gây khó khăn không nhỏ trong việc tuyển sinh của các trường nghề, dù học nghề khả năng có việc làm cao, thu nhập tốt.

Dễ tìm việc, trường nghề vẫn khó tuyển sinh

80% học sinh học nghề ra trường đều có việc làm

Trường nghề khó tuyển sinh

Nhiều năm qua, việc tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp được Trường Cao đẳng Nghề An Giang đa dạng cách thức và mở rộng cho nhiều đối tượng. Ngoài đối tượng học sinh đang theo học tại các trường THPT, THCS, trường còn hướng đến đối tượng học sinh bỏ học khối lớp 10, 11, 12... Nhờ vậy, phần nào đã làm thay đổi tư duy, hướng chọn nghề cho con em của các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Nghề An Giang còn tổ chức hội thảo hướng nghiệp, nhân rộng mô hình tổ chức “Một ngày làm công nhân” cho học sinh ở các trường THCS trải nghiệm thực tế, tham quan trường để có định hướng lựa chọn nghề nghiệp. Ngoài ra, nhà trường còn sử dụng website làm kênh thông tin trong tuyển sinh và giới thiệu ngành nghề, đăng ký học nghề qua mạng. Dù vậy, theo thông tin từ Trường Cao đẳng Nghề An Giang, các năm qua, trường tuyển sinh thường không đạt chỉ tiêu, số lượng đăng ký học các ngành nghề không đồng đều, tỷ lệ nhập học so với tỷ lệ nộp hồ sơ dự tuyển khoảng 75% (cao đẳng: 73-77%, trung cấp từ 82-85%).

Lý giải những khó khăn gặp phải trong công tác tuyển sinh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề An Giang Nguyễn Hùng Cường cho biết, hiện nay, công tác tuyển sinh đại học khá dễ dàng do đó thu hút phần lớn học sinh tốt nghiệp THPT vào học đại học, các em ít nghĩ đến chuyện học nghề. Việc chọn nghề chủ yếu do cha mẹ chọn (nhất là đối tượng tốt nghiệp THCS). Do đó, việc chọn nghề không theo sở thích năng lực bản thân các em, không theo nhu cầu thực tế thị trường lao động mà chọn nghề một phần do xu hướng tâm lý đám đông. Tình trạng chán học, bỏ học giữa chừng, phần nhiều do chọn nghề không đúng theo sở thích, năng lực. Bên cạnh đó, một số nghề có nhu cầu lao động địa phương, tỷ lệ ra trường có việc làm là 100% (hàn, cắt gọt kim loại, lắp đặt thiết bị cơ khí), tuy nhiên số lượng đăng ký quá ít, không mở lớp được... Các trường nghề hầu như thiếu thông tin nhu cầu lao động từng ngành nghề ở địa phương, từng doanh nghiệp để đào tạo đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.

Tự đổi mới mình

Trong bối cảnh tuyển sinh nghề khó khăn như hiện nay, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2019, tổng tuyển sinh toàn trường là 1.540 học viên/1250 chỉ tiêu, đạt 123%, với đa dạng các ngành: gia công thiết kế sản phẩm mộc, xây dựng, hàn, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, điện công nghiệp, may và thiết kế thời trang, quản trị mạng máy tính. Bên cạnh đó, đa số các em học tập và sau tốt nghiệp ở trường đều được nhận 2 bằng: tốt nghiệp trung cấp nghề và tốt nghiệp THPT. Đáng phấn khởi hơn là trên 80% các em ra trường đều đi làm và có việc làm ổn định; một số em tiếp tục liên thông hoặc học đại học tại các trường trong và ngoài tỉnh.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang Ngô Hữu Lễ cho biết, năm nay, công tác tuyển sinh cũng giống như các năm trước, tập trung vào đối tượng tuyển sinh là các học sinh đã tốt nghiệp THCS nhưng không vào được lớp 10 THPT (phân luồng THCS đi học nghề). Tuy nhiên, năm nay nhà trường bắt đầu chuyển hướng mở rộng mục tiêu đào tạo khi liên kết đào tạo với đơn vị trong và ngoài tỉnh những ngành nghề mà đơn vị không có khả năng giảng dạy để đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp hoặc theo đơn đặt hàng. Cụ thể, nhà trường liên kết với Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ tuyển sinh trình độ Trung cấp Thủy lợi Tổng hợp theo đơn đặt hàng của Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi An Giang với 40 học viên.

“Ngoài chế độ chính sách theo quy định chung của nhà nước như: miễn 100% học phí học nghề, được vay vốn học tập, được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự… nhà trường còn thực hiện cam kết hỗ trợ và giới thiệu việc làm cho học sinh khi ra trường; phối hợp doanh nghiệp trong việc thực tập nghề nghiệp; khuyến khích bằng các suất học bổng để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập” - thầy Lễ chia sẻ. Bên cạnh đó, thời gian qua, nhà trường tập trung nâng cao chuyên môn của cán bộ giáo viên, học viên bằng cách tham gia nhiều hội thi như: hội thi thiết bị dạy nghề toàn quốc, đạt rất nhiều giải cao.

ÁNH NGUYÊN