Đề xuất quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo

23/06/2023 - 20:21

Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bộ Công Thương cho biết, ngày 15/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2019 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức tốt, nhiều thời điểm trong tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ (Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tính đến ngày 22 tháng 4 năm 2023 dao động khoảng 483-487 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022). Gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường ngày càng đa dạng, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chất lượng, giá trị gia tăng cao, thâm nhập được vào nhiều thị trường gạo cao cấp, ngoài ra, sản phẩm gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng đã từng bước thâm nhập vào các thị trường.

Cần chế tài đủ mạnh mang tính răn đe

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực thi Nghị định 107/2018/NĐ-CP cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần được xem xét, sửa đổi như:

Chưa có chế tài đủ mạnh mang tính răn đe để áp dụng đối với các hành vi vi phạm chế độ báo cáo: Theo Bộ Công Thương, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định, thương nhân thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, tình hình thực tế tồn kho của thương nhân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo theo quy định như: không báo cáo, báo cáo không đầy đủ nội dung theo quy định, có báo cáo nhưng không thường xuyên, v.v. Việc này đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Để chấn chỉnh việc nghiêm túc thực hiện theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các thương nhân thông qua các hình thức: i) văn bản nhắc nhở trực tiếp thương nhân không thực hiện; ii) văn bản đề nghị Sở Công Thương địa phương nơi thương nhân có trụ sở chính hoặc kho và cơ sở xay xát, chế biến thóc gạo đề nghị Sở Công Thương đôn đốc; iii) đề nghị trực tiếp với thương nhân đối với các thương nhân là đối tượng khi Đoàn liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện kiểm tra thực thi pháp luật. Hình thức áp dụng vi phạm của thương nhân được thực hiện thông qua phương thức nhắc nhở, chấn chỉnh bằng văn bản và trao đổi trực tiếp theo quy định tuy nhiên chưa có chế tài mang tính răn đe để áp dụng đối với các hành vi vi phạm về chế độ báo cáo của các thương nhân.

Chương trình xúc tiến thương mại theo cơ chế đặc thù đối với mặt hàng gạo

Về chương trình xúc tiến thương mại, theo cơ chế đặc thù đối với mặt hàng gạo, tại khoản 2 và khoản 3 Điều 105 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 quy định về phát triển hoạt động ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại và tại khoản 1 Điều 22 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đã giao Bộ Công Thương xây dựng cơ chế xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo theo cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, từ năm 2019 - nay, triển khai thực hiện chương trình xúc tiến thương mại đặc thù đối với mặt hàng gạo (chương trình như đã triển khai tại giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018 theo chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 8023/VPCP-KTTH ngày 6/10/2018) chưa được triển khai thực hiện mà chỉ thực hiện theo chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.

Hiện nay, các hoạt động xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo của Việt Nam còn rất hạn chế chưa xứng tầm với vị thế xuất khẩu của chúng ta.

Theo Bộ Công Thương, việc xây dựng cơ sở pháp lý để triển khai linh hoạt, kịp thời các Chương trình xúc tiến thương mại đặc thù đối với mặt hàng gạo là cần thiết để tận dụng thời cơ và các cơ hội nhằm gia tăng sự hiện diện và khẳng định thị phần mặt hàng gạo của Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, tiêu thụ lớn trước sự cạnh tranh gay gắt của các nước xuất khẩu như Thái Lan, Ấn Độ.

Bên cạnh đó, về công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan liên quan tổ chức điều hành xuất khẩu gạo bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Nghị định, địa phương liên quan trọng điều hành xuất khẩu gạo như: điều tiết giá cả, bình ổn thị trường nội địa, phát triển thị trường xuất khẩu, ký kết tổ chức thực hiện các bản ghi nhớ, thỏa thuận về thương mại gạo với các nước điều hành thị trường tập trung, xây dựng vùng nguyên liệu liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, theo Bộ Công Thương, thực tiễn triển khai cho thấy các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp trong triển khai thực hiện các trách nhiệm được giao. Tuy nhiên

Tuy nhiên, trong một số trường hợp cấp bách như giãn tiến độ xuất khẩu gạo năm 2020, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành có thời điểm chưa thực sự tốt. Do vậy, cần xây dựng, bổ sung thêm cơ chế về sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách.

Quy định về ủy thác xuất khẩu

Ngoài ra, hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP chưa có điều khoản về ủy thác xuất khẩu.

Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại Luật Quản lý ngoại thương: (i) Tất cả hàng hóa lưu thông hợp pháp đều có thể được ủy thác mua bán; (ii) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện, bên ủy thác hoặc bên nhận ủy thác phải có giấy phép, đáp ứng điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu trước khi ký hợp đồng ủy thác hoặc nhận ủy thác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định thương nhân đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, có quyền kinh doanh xuất khẩu gạo.

Quy định về ủy thác xuất nhập khẩu tại Luật Quản lý ngoại thương, sẽ có trường hợp thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo ủy thác cho thương nhân không được cấp Giấy chứng nhận thực hiện xuất khẩu gạo, làm thủ tục xuất khẩu gạo tại cơ quan hải quan. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp thực tế nào nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương nhận thấy thương nhân có thể tận dụng kẽ hở pháp luật để thực hiện mục đích xuất khẩu.

Để bảo đảm hiệu quả thực thi của văn bản quy phạm pháp luật, nghị định sửa đổi cần điều chỉnh quy định về nhận ủy thác xuất khẩu đối với kinh doanh xuất khẩu gạo tạo sự công bằng đối với tất cả các thương nhân.

Hoàn thiện khung pháp lý đủ mạnh

Từ những lý do trên, theo Bộ Công Thương, cần xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đủ mạnh để khắc phục các tồn tại, bất cập phát sinh, định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu, nhập khẩu gạo bảo đảm mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững và ổn định, đáp ứng yêu cầu thị trường và tiến trình hội nhập quốc tế về kinh tế.

Tại dự thảo, Bộ Công Thương đã đề xuất một số nội dung cụ thể như: Bổ sung khoản 3 Điều 3 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP như sau: Chỉ thương nhân được có quyền xuất khẩu gạo mới được nhận ủy thác xuất khẩu gạo.

Hay bổ sung điểm c khoản 4 Điều 22 như sau: Bố trí nguồn kinh phí riêng hàng năm cho xúc tiến thương mại đặc thù đối với mặt hàng gạo ngoài chương trình xúc tiến thương mại quốc gia trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương…

Theo Cổng Thông Tin Điện Tử Chính Phủ