Từ ngày 30/6 đến ngày 1/7, cảnh sát đã bắt giữ 1.311 người, con số cao nhất kể từ khi các cuộc biểu tình bạo lực bùng phát. Tổng cộng hơn 2.400 người đã bị bắt sau 5 ngày bạo loạn.
Những người quá khích đã đập phá các cửa hàng và tòa nhà công cộng ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp nước Pháp. Những nhóm người này thường gồm thanh thiếu niên được tổ chức trên mạng xã hội và trang bị pháo hoa.
Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi các bậc cha mẹ chịu trách nhiệm về những kẻ bạo loạn ở tuổi vị thành niên, một phần ba trong số đó là "trẻ hoặc rất trẻ". Bộ trưởng Tư pháp Eric Dupond-Moretti trước đó cho biết 30% những người bị bắt là trẻ vị thành niên, còn Bộ trưởng Nội vụ Darmanin cho biết độ tuổi trung bình của những người bị bắt là 17.
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết hơn 700 cửa hàng, siêu thị, nhà hàng và ngân hàng đã bị "cướp bóc và thậm chí bị thiêu rụi" kể từ ngày 27/6.
Tình hình ở Pháp đêm 1/7 đã dịu hơn so với 4 ngày trước đó. Ảnh: AP
Tình hình ở Pháp đêm 1/7 đã dịu hơn so với 4 ngày trước đó nhưng vẫn còn một số căng thẳng ở trung tâm thủ đô Paris và các vụ đụng độ lẻ tẻ ở các địa phương khác.
Tại Paris, cảnh sát đã tăng cường an ninh tại đại lộ Champs Elysees mang tính biểu tượng của thành phố sau khi có lời kêu gọi tụ tập trên mạng xã hội.
Cảnh sát phải sử dụng hơi cay để chống lại những kẻ bạo loạn ở đường phố chính của TP Marseille vào chạng vạng tối 1/7. Trong khi tại TP Lyon, cảnh sát triển khai các xe bọc thép chở quân và một máy bay trực thăng.
Ô tô cháy ở Nanterre, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 1/7. Ảnh: AP
Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết sẽ triển khai 45.000 cảnh sát từ đêm 1/7 tới đầu ngày 2/7. Lực lượng và thiết bị an ninh đã gửi tới TP Lyon, Grenoble và Marseille.
Khoảng 7.000 cảnh sát sẽ túc trực ở thủ đô Paris và khu vực lân cận. Bộ trưởng Darmanin nói sẽ tăng cường cảnh sát để "khôi phục hoàn toàn trật tự". Một số khu vực đã áp đặt lệnh giới nghiêm qua đêm.
Xe buýt và xe điện ở Pháp đã ngừng chạy sau 21 giờ. Chính quyền các địa phương tuyên bố cấm biểu tình, cấm bán pháo hoa lớn và chất lỏng dễ cháy.
Từ ngày 30/6 đến ngày 1/7, cảnh sát đã bắt giữ 1.311 người. Ảnh: Reuters
Do tình hình biểu tình bạo lực trong nước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức, dự kiến diễn ra vào ngày 2/7. Chính phủ Đức thông báo rằng ông Macron đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và thông báo về tình hình ở đất nước mình.
Biểu tình bạo loạn bùng phát trong những ngày qua ở Pháp sau vụ cảnh sát sáng 27/6 bắn chết một thiếu niên 17 tuổi, được xác định tên Nahel, vì không tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát khi tham gia giao thông.
Tang lễ của Nahel bắt đầu ngày 1/7, hàng trăm người đã xếp hàng để vào nhà thờ Hồi giáo ở thị trấn Nanterre, ngoại ô thủ đô Paris, để dự tang lễ. Lễ an táng diễn ra tại nghĩa trang Mont Valerien trong khu vực.
Theo HUỆ BÌNH (Người lao động)