Đến lớp học của thầy Ismael

28/05/2023 - 07:36

 - Thầy Ismael là giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm ở Thánh đường Hồi giáo Jamiul Azhar (ấp Châu Giang, xã Châu Phong, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang). Mùa hè vừa chớm, được nghỉ học ở trường phổ thông, hàng ngày, trẻ em DTTS Chăm ở xóm lại lót tót đến lớp của thầy Ismael.

Hơn 7 giờ, 2 anh em Rosac (10 tuổi và 11 tuổi) ngồi chờ trước Thánh đường, vừa ăn sáng,  vừa chờ đến giờ học. Cả 2 đứa trẻ đều rất trầm tính, ít nói, nhưng rất lễ phép và ngoan ngoãn.

Trong khi đó, các bạn cùng lớp với Rosac lại hiếu động, nghịch ngợm, hoạt bát hơn nhiều. Tất cả vừa ăn, vừa đùa giỡn cùng nhau, rôm rả suốt đường vào thánh đường.

Vào đến cửa lớp rồi, từng tốp vẫn mải mê đùa giỡn. Thấy máy ảnh của tôi, lũ trẻ còn dạn dĩ hơn nữa, “tạo dáng” liên tục. Với chúng, lớp học hè là dịp để được gặp nhau thường xuyên, để chọc ghẹo nhau, để thoải mái khám phá không gian rộng lớn của thánh đường.

8 giờ, thầy Ismael xuất hiện, mở cửa, bật công tắc đèn, quạt trong lớp. 

Ngay lập tức, bọn trẻ “ổn định trật tự”, ngồi ngay ngắn ở vị trí quen thuộc, giở bài cũ ra ôn lại.

Theo thông lệ, từ 6 đến 15 tuổi, trẻ em DTTS Chăm An Giang được học tiếng Chăm, song song với chương trình giáo dục phổ thông chung. Tại thánh đường, các em tiếp cận với kinh Qur’an. 

Tiếng DTTS Chăm tạm phân thành 4 cấp bậc: Qidam (ráp từ chữ cái), Alphatyhah (học các bài lễ trong ngày), A’quran và Tajawid (học ngữ pháp), A’quran và Kytab (học tôn giáo). 

Đối với trẻ nhỏ, lớp học đầu tiên kéo dài mấy năm liên tục. Đến khi biết ráp chữ, đọc thông thạo các bài lễ thì được chuyển lên lớp cao hơn. Trưởng thành, học xong nội dung cơ bản, tất cả đều biết hành lễ, đọc kinh hàng ngày, biết nhận diện mặt chữ.

Hơn 30 học sinh tham gia lớp học hôm ấy, nam nữ ngồi riêng. Mặc dù vậy, tiếng cười đùa của chúng vẫn xen lẫn vào nhau, như chợ vỡ. Thầy Ismael nhiều lần nhắc nhở, kèm theo cái lắc đầu dung túng.

Căng thẳng nhất là phần trả bài cũ. Ông giáo già lắng nghe 2 học sinh cùng đọc bài một lượt, kiên nhẫn chỉnh sửa chỗ phát âm sai, giảng dạy câu từ đứa trẻ chưa tiếp thu kịp. 

“Biết tiếng Chăm nên tôi được mời dạy cho tụi nhỏ mười mấy năm nay. Ngoài ra, còn có các lớp khác, do thầy cô khác dạy. Đặc thù của lớp học là không thu học phí. Bản thân tôi cũng không hề có lương bổng gì, chỉ một lòng truyền dạy cho tụi nhỏ biết đọc, biết viết, không thể mai một truyền thống dân tộc mình” – thầy 67 tuổi chia sẻ.

Farid (9 tuổi) là đứa trẻ hiếu động nhất của lớp, luôn cười thật tươi khoe răng sún, không chịu ngồi yên. Đến lượt mình trả bài, trước gương mặt nghiêm nghị của thầy Ismael, cậu bé thu lại nụ cười, tập trung đọc to rõ từng câu. Chỉ cần trả bài tốt, cậu bé sẽ được cho nghỉ sớm buổi học này.

Việc duy trì những lớp dạy tiếng DTTS Chăm thế này cần rất nhiều nỗ lực từ cộng đồng, từ thầy cô đứng lớp như thầy Ismael, từ mấy đứa trẻ và gia đình chúng. Tất cả mang tâm thế “học để giữ gìn bản sắc bao đời”. Mỗi ngày đến lớp, cũng là một ngày bọn trẻ gắn bó với cộng đồng, trong bộ trang phục đặc trưng, trong tiếng nói và chữ viết riêng có…

GIA KHÁNH