Dệt lanh - nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mông ở Hà Giang

14/06/2023 - 14:20

Nghề dệt lanh của người Mông ở Lùng Tám, Hà Giang, có ý nghĩa to lớn với văn hóa truyền thống dân tộc, là một minh chứng sinh động thể hiện tính cần cù, chịu thương chịu khó của đồng bào.

Se các sợi lanh thành con sợi lớn để dệt lanh. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Hà Giang - cao nguyên đá - không chỉ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế bởi những cánh đồng bạt ngàn hoa Tam giác mạch, những cung đường đèo quanh co và những thửa ruộng bậc thang quyến rũ mùa lúa chín, long lanh mùa nước đổ, những dãy núi mênh mông trùng điệp, mà còn bởi những nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc.

Đối với đồng bào Mông ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang, lanh là một biểu tượng văn hóa. Người dân nơi đây vẫn giữ được nghề dệt vải lanh truyền thống với nguyên liệu tự nhiên và quy trình thủ công.

Nghề dệt lanh của người Mông mang ý nghĩa hết sức to lớn đối với văn hóa truyền thống dân tộc, là một minh chứng sinh động thể hiện đức tình cần cù, chịu thương chịu khó của đồng bào đã vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên để xây dựng đời sống ngày càng tươi đẹp.

Từ năm 2001, Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám ra đời không chỉ là nơi bảo tồn, phát triển nét văn hóa độc đáo, giúp cải thiện thu nhập cho người dân bản địa mà còn trở thành địa điểm được nhiều khách Tây tìm đến khi du lịch Hà Giang. Đến đây, ngoài việc tìm hiểu quy trình dệt lanh, du khách còn có cơ hội trực tiếp trải nghiệm các bước tạo nên một tấm vải.

Ở Lùng Tám, du khách được chiêm ngưỡng các sản phẩm dệt lanh thủ công do những người phụ nữ Mông tạo ra. Không chỉ có áo, váy, vải lanh ngày nay còn hiện diện trong nhiều sản phẩm như khăn trải bàn, túi xách, ví.

Khách du lịch tham quan, trải nghiệm các công đoạn dệt lanh. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Bà Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm Hợp tác xã lanh Lùng Tám, chia sẻ vải lanh có vai trò quan trọng trong văn hóa và tâm linh của người Mông. Biết dệt vải lanh được xem như một tiêu chí đánh giá tài năng, sự khéo léo, chăm chỉ của một người phụ nữ Mông. Khi về nhà chồng, người con gái phải mặc quần áo vải lanh để được tổ tiên nhà chồng phù hộ.

Theo các cụ cao niên tại địa phương kể lại, con gái Mông khi đến tuổi trưởng thành được gia đình cho đất riêng để trồng lanh. Trước khi đi lấy chồng, họ phải biết dệt vải lanh. Khi về nhà chồng, mẹ chồng sẽ tặng con dâu một bộ lanh. Cô dâu mới biếu mẹ chồng bộ lanh do mình dệt và khâu.

Dệt vải lanh còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá tài năng, phẩm hạnh của người phụ nữ. Người Mông quan niệm, vải lanh giúp gắn kết giữa giữa con cháu với tổ tiên.

Nguyên liệu chính để dệt lanh là cây lanh. Cây lanh được trồng sau khoảng hai tháng sẽ được thu hoạch. Nếu thu hoạch sớm, sợi lanh sẽ dai. Thu hoạch muộn, việc tách bóc vỏ sẽ khó. Vỏ lanh khi bóc tách phải ở chỗ không có nắng và gió, tránh tình trạng vỏ lanh dính chặt vào thân cây.

Sau khi tách, vỏ lanh được cho vào cối giã đến khi xoăn lại, sau đó, tiến hành nối sợi bằng cách cuộn sợi trực tiếp vào tay hoặc que gỗ, nối ngọn với ngọn, gốc với gốc đảm bảo các đoạn nối đều nhau về bề rộng.

Sau khi nối xong, sợi lanh đem ngâm nước lạnh từ 15-20 phút rồi đưa lên khung se sợi.

Theo bà Vàng Thị Mai sản phẩm lanh hoàn hiện phải trải qua 41 công đoạn, từ trồng lanh, thu hoạch, bóc tách sợi, giã sợi, quay sợi, nấu sợi, dựng khung dệt….

"Để có mảnh vải đẹp, người thợ phải yêu nghề, kiên trì và khéo léo," bà Mai cho biết các sợi lanh ngay từ bước bóc tách đã phải đều nhau, tấm vải dệt ra mới bền và đẹp. Sợi lanh sau khi bóc tách được giã cho mềm, rồi nối lại với nhau để có sợi dài. Người Mông còn sáng tạo ra dụng cụ se sợi phối hợp giữa chân và tay (ảnh) để cùng lúc se 4 sợi lanh.

Sau đó, sợi được đưa vào một khung quay để tháo ra và bó thành từng bó rồi mang đi luộc với tro bếp, ngâm và giặt. Việc này lặp lại đến khi nào sợi lanh trắng mới mang đi phơi khô rồi cho vào khung để dệt. Khi cho sợi vào khung, tùy khổ vải, người thợ đếm chính xác số lượng sợi.

Người Mông vẫn dệt vải thủ công bằng khung cửi. Công đoạn dệt vải thường do các nghệ nhân lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm đảm nhận để có thể xử lý các sợi đứt, xấu.

Vải dệt xong được đặt giữa một phiến đá và một trụ gỗ. Người thợ đứng lên trên phiến đá lăn qua lăn lại cho đến khi toàn bộ bề mặt vải được cán phẳng, mềm và mịn mới mang đi ngâm với tro bếp củi một tuần cho trắng rồi phơi khô. Một tấm vải lanh đẹp phải có sợi đều, trắng, mịn. Vải lanh bền, hút ẩm nên khi mặc cho cảm giác thoáng mát.

Ngoài dệt vải, phụ nữ Mông ở Lùng Tám còn có kỹ thuật vẽ sáp ong và nhuộm chàm. Đây là công đoạn khó nhất bởi việc này phụ thuộc vào thời tiết, chỉ khi thời tiết chuyển sang mùa Hè mới làm được.

Phụ nữ dân tộc Mông vẽ sáp ong lên vải lanh. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Người thợ vẽ họa tiết truyền thống Mông lên vải trắng bằng sáp ong đun nóng. Khi mang vải đi nhuộm, đường nét sáp ong không thấm màu sẽ làm nổi hoa văn trên vải. Trong khi đó, kỹ thuật nhuộm chàm cho ra những tấm vải nhiều màu sắc. Màu nhuộm được sử dụng cũng hoàn toàn tự nhiên.

Công việc vẽ trên vải tưởng chừng như đơn giản, nhưng thực sự cầu kỳ. Để vẽ được sáp ong lên vải lanh, nghệ nhân phải ngồi nhiều giờ, nhiều ngày bên bếp đun sáp, tỉ mỉ dùng “bút” được chế tác từ thanh tre dài khoảng 10cm, ở đầu nẹp một lưỡi đồng mỏng.

Khi vẽ, nghệ nhân phải chấm đầu bút vào chảo sáp ong đang nghi ngút khói bên trên bếp than hồng, sau đó đưa tay khéo léo kẻ từng đường thẳng trên vải, khi kẻ phải căn chỉnh sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ tới khi hết “mực sáp” rồi mới tiếp tục chấm nét bút tiếp theo.

Ngày nay, khi đến với Hà Giang, du khách sẽ dễ thấy phụ nữ Mông luôn mang bên mình búi lanh để se sợi, nối sợi bất kỳ đâu, khi đi chợ hay lên nương.

Ông Okabe Takashi, du khách tới từ Nhật Bản, bày tỏ khi đến với Lùng Tám, được chứng kiến mọi người làm từng công đoạn, ông thấy công việc này hết sức tỉ mỉ, công phu, tốn nhiều công sức.

Ông nghĩ rằng nếu những sản phẩm thủ công này được làm tại Nhật Bản, có lẽ giá thành sẽ rất cao, khó có thể mua được. Ông hy vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì và phát triển những làng nghề như thế này.

Cùng chung quan điểm đó, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, du khách tới từ Hà Nội sau khi tham quan các công đoạn dệt lanh của bà con tại xã Lùng Tám bày tỏ khi đến với làng nghề, được giới thiệu, hướng dẫn từng công đoạn, chị Ngọc thấy bất ngờ, bởi nếu chỉ nhìn qua, sẽ không thể hình dung ra được công việc tạo ra được một tấm vải lanh sẽ mất nhiều công đoạn như vậy.

Khách du lịch tham quan, mua sắm các sản phẩm được dệt từ lanh. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Mua những sản phẩm từ lanh về làm quà, chị Ngọc bày tỏ mong muốn những sản phẩm từ lanh sẽ được bày bán ở nhiều nơi hơn, vừa để quảng bá về một sản phẩm truyền thống của địa phương, vừa đem lại thêm nguồn thu cho bà con nơi đây.

Đến nay, sau hơn 10 năm thành lập (từ 2001 đến nay), Hợp tác xã lanh Lùng Tám đã phát triển từ hơn 10 thành viên ban đầu lên tới trên 130 xã viên với 9 tổ sản xuất. Theo bà Vàng Thị Mai, thu nhập bình quân của xã viên trung bình từ 3-4 triệu đồng/tháng. Những xã viên có trình độ tay nghề cao thu nhập dao động từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Cùng với việc lao động, sản xuất tạo ra thu nhập từ bán sản phẩm, đón khách du lịch tới tham quan, Hợp tác xã đã và đang truyền dạy nghề cho lớp trẻ. Đặc biệt, tại trụ sở của Hợp tác xã, 25 em nhỏ thuộc những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi đang được đào tạo nghề nhằm giúp các em có thêm một nghề trong tay và gìn giữ văn hóa, bảo tồn nét đẹp nghề dệt lanh của người Mông, bà Vàng Thị Mai cho biết thêm.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ Vương Đình Ba đánh giá Hợp tác xã lanh Lùng Tám hoạt động khá hiệu quả, ổn định, tạo việc làm cho bà con tại địa phương, giúp họ có thu nhập từ nghề truyền thống, qua đó phần nâng cao đời sống.

Hiện nay, Hợp tác xã lanh Lùng Tám cho ra đời nhiều loại sản phẩm như áo, váy, khăn quàng, túi xách, ví, vỏ chăn, khăn trải bàn.… Bên cạnh đó, các nghệ nhân còn làm ra những bức tranh treo trong các khách sạn, nhà hàng, làm những món đồ lưu niệm nhỏ xinh.

Các sản phẩm được dệt từ nguyên liệu vải lanh được đánh giá là tốt cho sức khỏe vì sự thông thoáng, khả năng hút ẩm cao, khó bị nấm mốc.

Theo Vietnamplus