Đi chợ không lo quên ví tiền

23/06/2023 - 06:17

 - Nếu bạn đi làm quên mang tiền đổ xăng, đi siêu thị, đi chợ quên mang theo tiền mặt, đi ăn uống, làm đẹp cũng quên mang theo bóp tiền nhưng có chiếc điện thoại thông minh bên người thì không cần phải lo lắng hay mất tự tin. Bởi những app (ứng dụng) thanh toán, dịch vụ chuyển tiền từ các ngân hàng thương mại, công ty dịch vụ viễn thông sẽ thay bạn giải quyết những vấn đề liên quan đến tiền bạc.

Nhân viên ngân hàng hướng dẫn cán bộ, người dân tạo mã thanh toán QR

Những năm gần đây, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, người dân ở các đô thị đã quen với lối sống không dùng tiền mặt khi đi nhà hàng, siêu thị, khách hàng không đủ tiền mặt có thể quẹt thẻ thanh toán hoặc chuyển khoản cho người bán, nhà cung cấp. Không dừng lại ở những cơ sở lớn mà qua quá trình nỗ lực chuyển đổi số của ngân hàng thương mại, công ty dịch vụ viễn thông, các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương, người bán hàng ăn sáng, cô bán cá, chị bán rau cũng dễ dàng nhận thanh toán từ khách hàng.

Chị Mai Ngọc Trinh (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), như thường lệ đến chỗ chị bán cá ở góc chợ Bình Khánh chọn mua những loại cá sông ngon và yêu cầu được làm giúp. Đến khi làm xong, chị Trinh tìm ví tiền để thanh toán số tiền gần 300.000 đồng, chị giật mình và phát hiện quên ví tiền ở nhà.

Lúc bấy giờ, với ánh mắt ngần ngại, chị Trinh cho hay sẽ đi đến trụ ATM rút tiền và nhanh chóng quay lại lấy cá. Người bán cá lúc này vui vẻ nói: “Sao phải đi rút tiền cho phí công, chị cứ chuyển vào tài khoản của em 500.000 đồng, em đưa thêm tiền để chị có tiền mặt đi chợ mua đồ lặt vặt”. Chị Trinh lúc này khá ngạc nhiên vì không nghĩ các chị em buôn bán ở chợ đã sử dụng thành thạo tài khoản ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng chi trả mà không dùng tiền mặt.

Không chỉ chị Trinh mà với chị Trần Lệ Hoa (ngụ phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên) cũng gặp cảnh bối rối khi chạy xe đến quầy đổ xăng, yêu cầu nhân viên đổ 100.000 đồng xăng. Trong lúc nhân viên bơm xăng, chị mới hay đã quên mang theo bóp tiền. Nhìn lướt trên cây xăng có mã QR để khách hàng thanh toán, chị Hoa lấy điện thoại quét mã thanh toán số tiền xăng vừa đổ.

Còn chị Dương Thị Hằng (ngụ ấp Mỹ Long 1, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) chuyên bán đồ ăn sáng tại chợ Trà Mơn cũng phấn khởi cho hay: “Từ khi có tài khoản ngân hàng, chị đã giải quyết được tâm lý e ngại của khách hàng khi dùng bữa mà quên đem theo tiền. Với hàng xóm khi đi ăn họ có quên thì lần sau trả, còn với khách vãng lai lại không muốn thiếu tiền mình dù chỉ vài chục ngàn đồng. Có tài khoản, họ nhanh chóng chuyển và không còn mang tâm lý áy náy nữa”.

Với chị Phan Thị Huỳnh Như (ngụ ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hòa Hưng) cũng thích việc khách hàng chuyển khoản thanh toán: “Ở quê, ban đầu, nhiều người không quen chuyển tiền vì chưa tải app ngân hàng và cần mạng viễn thông mới thanh toán được nhưng dần dần mọi người cũng quen. Khi đi mua hàng vượt quá số tiền mang theo, họ sẽ chuyển khoản, chứ không bỏ bớt hàng. Tôi cũng thích nhận tiền qua ngân hàng, nhờ vậy không cần chuẩn bị tiền lẻ thối lại và tài khoản lúc nào cũng có đủ tiền thanh toán công nợ cho các đại lý”.

Đó là những tín hiệu vui cho thấy mức độ chuyển đổi số không chỉ được thực hiện ở các đô thị mà còn lan tỏa sang các vùng lân cận, nông thôn. Vừa qua, Sở Công Thương phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh An Giang, VNPT An Giang tổ chức tập huấn cho 100 tiểu thương, cán bộ, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn phường Mỹ Bình và xã Mỹ Hòa Hưng về thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, các dịch vụ tiện ích đi kèm để các hộ kinh doanh ứng dụng vào sản xuất - kinh doanh.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (đại diện VNPT An Giang) cho hay: “Góp phần thực hiện định hướng đến năm 2025, An Giang có 70% dân số có tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt, VNPT An Giang sẽ nỗ lực triển khai các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển từ thanh toán tiền mặt trực tiếp sang trực tuyến. Chúng tôi đang triển khai mô hình điểm chợ 4.0 tại chợ thị trấn Chợ Mới, thị trấn An Phú, chợ Trà Mơn (xã Mỹ Hòa Hưng), chợ Vịnh Tre (huyện Châu Phú) và sẽ lan tỏa sang các chợ khác. Triển khai trả lương hưu, trợ cấp xã hội, thanh toán viện phí, học phí thông qua thanh toán điện tử”.

Phó phòng Dịch vụ khách hàng & Marketing Agribank An Giang Phan Hữu Linh cho hay: “Agribank An Giang đang đẩy mạnh chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp thông qua cấp mã QR miễn phí, quảng bá các dịch vụ tiện ích đi kèm cho khách hàng, như: Thanh toán tiền điện, nước, nạp tiền điện thoại, gửi tiền trực tuyến, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn… và rất nhiều dịch vụ tiện ích khác”.

Với sự phổ biến các ứng dụng trên điện thoại, khách hàng có thể giao dịch, thanh toán các khoản dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức so với giao dịch bằng tiền mặt. Đồng thời, tránh được tiền giả, tạo an toàn, tâm lý yên tâm hơn cho khách hàng khi tham gia sử dụng dịch vụ và trao đổi kinh doanh mua bán, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tỉnh nhà.

NGỌC GIANG