Đi chùa đầu năm

18/01/2023 - 03:33

Mùa Xuân khởi đầu cho một năm mới, cũng là khởi đầu cho những niềm vui, ước vọng mới. Chính vì thế, vào dịp đầu Xuân, nhiều người thường dành thời gian và sự thành tâm đi chùa với ước nguyện năm mới gia đình mạnh khỏe, thuận hòa, hạnh phúc, an khang.

Theo các cụ cao niên, đi chùa đầu năm từ lâu đã thành thông lệ, là hoạt động không thể thiếu trong Tết cổ truyền của dân tộc và trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người dân. Đi chùa đầu năm, mỗi người đều ước nguyện cho khởi đầu một năm mới nhiều may mắn, sức khỏe, hạnh phúc cho bản thân và gia đình.

Bà Nguyễn Thị Út (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho biết, năm nào cũng vậy, gia đình bà cũng đi chùa vào dịp đầu năm mới. Đêm giao thừa, sau khi cúng tổ tiên xong, gia đình bà đi chùa gần nhà để cầu may mắn. Không chỉ đi chùa vào đêm giao thừa, gia đình bà còn thường xuyên đi nhiều chùa khác trong tỉnh vào tháng Giêng. Thắp nén nhang thơm với lòng thành kính cầu may mắn, sức khỏe cho gia đình, cầu cho năm mới mọi người được bình an, con cháu làm ăn thuận lợi, chăm ngoan, học giỏi.

Tương tự, bà Lê Thị Mỹ Dung (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Đi chùa xuất phát từ cái tâm của mỗi người. Tết năm nào tôi cùng các con đi chùa, lễ Phật cầu sức khỏe, may mắn và bình an cho gia đình. Hy vọng năm 2023, gia đình tôi gặp nhiều may mắn trong công việc cũng như cuộc sống”. Chị Trần Thị Hồng Cẩm (TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Đi chùa đầu năm đã trở thành thói quen được ông bà, cha mẹ truyền lại. Cứ vào dịp đầu năm mới thì tôi hay đi chùa để cầu bình an, làm ăn may mắn, sức khỏe cho mình, cho mọi người trong gia đình, sau đó mới đi chúc Tết bà con, họ hàng”.

Bên cạnh việc cầu mong những điều tốt đẹp, an lành trong năm mới, đi chùa đầu năm còn giúp nhiều người hòa mình chốn tâm linh, mong muốn tìm được sự bình an, gạt bỏ những muộn phiền, lo âu, xua tan những lo toan, vất vả.

Cô Phan Thị Thanh Tâm (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Cùng với cầu bình an, may mắn, sức khỏe cho bản thân, gia đình trong năm mới, đi chùa đầu năm tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng, mọi muộn phiền, lo âu của cuộc sống trong năm cũ không còn nữa. Từ đó, có những suy nghĩ tích cực hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai. Năm nào cũng vậy, sáng mùng 1 Tết là gia đình tôi đi chùa”.

Còn cô Nguyễn Thị Hải Yến (tỉnh Cà Mau) cho biết: “Ở núi Cấm có không khí mát mẻ, không gian thoáng đãng, vừa đi lễ Phật, tôi vừa cảm nhận được sự yên bình, thư thái, thanh thản, quên đi sự ồn ào của cuộc sống thường ngày”.

Nếu trước đây, việc đi chùa đầu năm chủ yếu là người lớn tuổi thì nay được nhiều bạn trẻ quan tâm. Với các bạn trẻ, đây không chỉ là dịp cầu mong ước nguyện của mình về một năm mới mà còn là dịp du Xuân, ngắm cảnh, trải nghiệm niềm vui đón Xuân cùng gia đình, bè bạn.

Bạn Dương Minh Tuấn (TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Đi chùa đầu năm không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân, mà còn là dịp để thưởng ngoạn cảnh đẹp thanh tịnh tại chốn linh thiêng trong tiết Xuân và là dịp để hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bổ sung thêm kiến thức lịch sử của bản thân”.

Có cùng suy nghĩ, bạn Lê Thị Minh Nguyệt (22 tuổi, TP. Long Xuyên) cho biết: “Mỗi dịp Tết đến, tôi và các anh, chị em trong gia đình thường đi chùa, trước là để vãn cảnh, sau là cầu cho bản thân, gia đình luôn hạnh phúc, may mắn, mọi sự được hanh thông. Hòa mình vào không gian linh thiêng chốn cửa chùa, tôi hiểu hơn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nét đẹp ấy”.

Còn anh Nguyễn Văn Trường (tỉnh Bình Dương) chia sẻ: “Năm qua, công việc làm ăn của công ty và gia đình suôn sẻ, chúng tôi muốn đi chùa đầu năm để tạ ơn trời đất cũng như xin lộc, cầu an, cầu phúc sẽ đến với gia đình trong năm mới. Đây là dịp tôi và gia đình đi du lịch, khám phá An Giang”.

Đi chùa đầu năm đã trở thành một tập tục, nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc trưng, một thói quen tốt đẹp, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, thể hiện khát vọng, ước muốn những điều may mắn, tốt đẹp, hạnh phúc của mọi người trong mùa Xuân mới, góp phần vun đắp tinh thần cho mọi người thêm yêu thương và trân trọng những giá trị cội nguồn, hướng tới giá trị của chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.

TRỌNG TÍN