Áo dài - Biểu tượng văn hóa Việt được làm mới bởi thế hệ trẻ
21/05/2025 - 13:50
Trong dòng chảy sôi động của thế hệ trẻ, những người đang từng ngày tạo nên xu hướng mới, tà áo dài truyền thống từng chỉ dành cho những dịp trang trọng, nay đã trở thành phương tiện kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
AA
Biểu tượng truyền thống được “trẻ hóa”
Từ lâu, áo dài đã trở thành hình ảnh gắn bó với người phụ nữ Việt Nam, biểu tượng của nét đẹp dịu dàng, kín đáo nhưng đầy cuốn hút. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nơi phong cách cá nhân lên ngôi và mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng, áo dài đang khoác lên mình một diện mạo mới: Sống động, đa dạng và đầy màu sắc sáng tạo.
Trên sân trường, phố phường và các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram, Facebook, giới trẻ đang biến hóa áo dài theo phong cách riêng: Kết hợp cùng sneaker, áo khoác da, phụ kiện hiện đại hoặc sáng tạo với họa tiết graffiti, thêu tay… Những hình ảnh này không chỉ khiến áo dài trở nên gần gũi hơn trong đời sống thường ngày mà còn góp phần khẳng định cá tính và bản sắc văn hóa của từng người.
Chị Ánh Nguyệt (thành phố Thủ Đức) chia sẻ: “Mỗi lần khoác lên mình tà áo dài, tôi lại cảm thấy như đang kết nối với cội nguồn. Có lần, tôi đưa bố mẹ đi mua áo dài, không chỉ để mặc mà như một cách truyền lại ký ức và văn hóa cho thế hệ sau”.
Các bạn trẻ chọn áo dài và trang phục truyền thống để tham dự những sự kiện văn hóa.
Với Khánh Chi (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), chiếc áo dài là cách cô tưởng nhớ người bà quá cố: “Tôi giữ lại chiếc áo dài cưới của bà ngoại và mặc nó trong một bộ ảnh riêng. Với tôi, đó là cách kể lại câu chuyện của gia đình bằng ngôn ngữ của thời trang và cảm xúc”.
Minh Nhật, sinh viên ngành Thiết kế thời trang, là một trong những bạn trẻ chủ động đưa hơi thở đương đại vào áo dài. Nhật từng giới thiệu những mẫu áo dài kết hợp nghệ thuật đường phố, với họa tiết phun sơn, phối màu táo bạo. “Áo dài là di sản quý báu, nhưng không có nghĩa là không thể sáng tạo. Ngược lại, chính việc đổi mới sẽ giúp áo dài tiếp cận giới trẻ một cách tự nhiên hơn”, Nhật chia sẻ.
Tự nguyện hay áp đặt?
Dù vậy, hành trình làm mới và lan tỏa giá trị áo dài trong giới trẻ vẫn đang đối mặt với những tranh luận, đặc biệt trong môi trường học đường. Nhiều trường trung học và đại học hiện nay vẫn quy định bắt buộc nữ sinh mặc áo dài trong các dịp lễ. Một số nơi còn áp dụng hình thức trừ điểm thi đua nếu không tuân thủ. Trong khi đó, nam sinh chỉ được “khuyến khích”, dẫn đến sự bất bình đẳng và giới hạn trong cách tiếp cận văn hóa truyền thống.
Nguyễn Gia Bảo, sinh viên Đại học Văn Lang thẳng thắn bày tỏ: “Áo dài không nên là đặc quyền văn hóa của một giới tính. Khi chỉ bắt buộc nữ sinh mặc mà nam sinh thì không, giá trị biểu tượng của áo dài dường như bị thu hẹp và mất đi tính đại diện”.
Ngọc Mai, hiện đang lớp 11 tại Quận 3 cũng chia sẻ: “Tôi yêu áo dài, nhưng nếu phải mặc trong những dịp lễ hội trường có tham gia, lại đúng ngày nắng nóng và bị chấm điểm nếu không mặc thì cảm giác đó không còn là tự nguyện nữa. Văn hóa nên được giữ gìn bằng tình yêu chứ không phải bằng nghĩa vụ”.
Tà áo dài gắn liền với học sinh, sinh viên trong các hoạt động học tập và ngoại khóa.
Theo ThS. Lê Hải Yến, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông Trường Đại học Văn Lang, áo dài đẹp trong học đường, nhưng nếu bị áp đặt sẽ thành gánh nặng. Vì thế, cần khơi gợi tình yêu áo dài qua câu chuyện cá nhân, mạng xã hội, các hoạt động sáng tạo và tự nguyện.
ThS. Đỗ Thị Thanh Trúc, từng du học tại Mỹ kể: “Ngày tốt nghiệp, tôi và mẹ mặc áo dài giống nhau. Hình ảnh đó khiến bạn bè quốc tế thích thú và tôi nhận ra, áo dài không chỉ là trang phục mà còn là bản sắc, là lời giới thiệu Việt Nam với thế giới”.
Diễn giả Hoàng Bảo Khôi, chuyên gia văn hóa Việt Nam khẳng định: “Áo dài vừa là ký ức văn hóa, vừa biểu tượng cá tính và tự hào dân tộc. Nếu truyền tải đúng, áo dài sẽ sống mãi trong đời sống đương đại”.
Áo dài dù là biểu tượng truyền thống lâu đời, vẫn được thế hệ trẻ “thổi hồn” với sắc thái mới phù hợp nhịp sống hiện đại. Sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại thể hiện qua từng đường kim mũi chỉ và cách thế hệ trẻ lựa chọn yêu thương, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa bằng tâm huyết và tự nguyện.
Trong xã hội không ngừng biến đổi, mỗi trang phục truyền thống như áo dài cần được thấu hiểu và trân trọng như một phần bản sắc văn hóa không thể tách rời. Đây không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà còn là trách nhiệm và niềm tự hào của thế hệ hôm nay và mai sau, những người tiếp tục hành trình làm giàu và bảo vệ giá trị văn hóa Việt trong lòng nhân loại.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: