Di dời cơ sở sản xuất đường phèn vào khu công nghiệp

13/09/2021 - 05:37

 - Di dời cơ sở sản xuất đường phèn ở khu vực biên giới vào khu công nghiệp là chủ trương đúng đắn của UBND tỉnh An Giang, nhất là trong bối cảnh tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp.

Công an TX. Tân Châu kiểm tra cơ sở sản xuất đường phèn tại xã Vĩnh xương vào tháng 2.2020

Đường cát nhập lậu được đưa vào lò nấu bị công an phát hiện, lập biên bản tại chổ

Theo đó, các cơ sở sản xuất đường phèn tại khu vực biên giới phải di dời vào khu công nghiệp mà tỉnh chỉ định (cụ thể là Khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành). Nếu cơ sở nào hoạt động tại khu vực biên giới, cơ sở đó buộc phải chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất đường phèn sang mua bán nông sản hoặc ngành nghề khác, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Ngay khi chủ trương được ban hành, Ban Chỉ đạo 389 TX. Tân Châu đã tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc.Tính riêng địa bàn xã Vĩnh Xương, từ năm 2020 trở về trước, khu vực này tồn tại đến 7 cơ sở sản xuất đường phèn, nay còn lại 5 cơ sở.

Từ năm 2020 đến nay, Ban Chỉ đạo 389 thị xã tổ chức 3 cuộc đối thoại với 5 chủ cơ sở này để thông báo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và thị xã. Kết quả, 4 cơ sở chấp hành theo chủ trương chung là di dời, hoặc chuyển đổi ngành nghề. Riêng 1 cơ sở có đơn xin xem xét, đề nghị cho sản xuất tại chỗ. Ban Chỉ đạo 389 thị xã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành tỉnh.

"Sau khi lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành tỉnh, ngày 18-7-2021, Ban Chỉ đạo 389 TX. Tân Châu có văn bản trả lời đối với chủ cơ sở xin xem xét: theo tinh thần chung là phải di dời hoặc nếu ở lại phải chuyển đổi ngành nghề theo chỉ đạo UBND tỉnh”- Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng ban Chỉ đạo 389 TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải cho biết.

Di dời cơ sở sản xuất đường phèn tại khu vực biên giới vào khu công nghiệp là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của tỉnh, nhằm lập lại trật tự trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh, đồng thời thể hiện tính nhất quán trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh giai đoạn trước và sau năm 2020. Bởi thực tế cho thấy, các cơ sở sản xuất đường phèn tại khu vực biên giới thời gian qua lấy nguyên liệu là đường cát để nấu ra đường phèn. Trong khi khu vực biên giới không có lò sản xuất đường cát, cũng không có vùng nguyên liệu mía để nấu ra đường cát, như vậy nguồn nguyên liệu để chế biến đường cát đến từ đâu ?

Lực lượng chức năng của tỉnh, TX. Tân Châu tiến hành kiểm tra hoạt động ở xã Vĩnh Xương, một số cơ sở nấu đường phèn bị bắt quả tang với đầy đủ tang chứng, vật chứng. Đối với những trường hợp này, cơ quan chức năng đã xử phạt, nhiều chủ cơ sở đường phèn phải nộp phạt với lỗi vi phạm không thể chối cãi. Cụ thể, ngày 18-9-2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định 205/QĐ-XPVPHC, xử phạt Công ty TNHH XNK H.P.T.C về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xử phạt với số tiền 140 triệu đồng, tịch thu 9.600kg đường cát trắng. Ngày 14-2-2020, Công an TX. Tân Châu ban hành quyết định xử phạt công ty này số tiền 27,5 triệu đồng về vi phạm nhãn mác hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu.

Cũng liên quan đến hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trước thời gian tỉnh bước vào thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra phương tiện có chở đường cát nhập lậu (đang vận chuyển hàng trên đường), những người vận chuyển trình cho cơ quan chức năng bộ hóa đơn, chứng từ của các cuộc đấu giá tại nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Mục đích là để hợp thức hóa số đường nhập lậu được các đối tượng chở tiêu thụ. Cơ quan chức năng mất rất nhiều thời gian, công sức để tổ chức điều tra, xác minh làm rõ.

Di dời cơ sở sản xuất đường phèn vào Khu công nghiệp Bình Hòa góp phần giúp tỉnh tiếp tục xác lập lại trật tự trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích