Đi tìm “ông Tổ” của các ngành, nghề

07/02/2019 - 00:45

 - Ai cũng có một nghề để mưu sinh, cống hiến, dù lớn lao hay là việc nhỏ bé đều có một vị Tổ nghề - đấng khai cơ lập nghiệp. Tổ nghề có thể là con người “bằng xương, bằng thịt” hay gắn liền với huyền thoại, câu chuyện dân gian, cũng có thể là sự tích hay truyền miệng.

Lịch sử đã chứng minh, từ thời Hùng Vương dựng nước, người Việt xưa đã sản xuất một loại vũ khí lợi hại có sức mạnh vô biên vào thời đó. Đó là Nỏ Liên Châu do tướng Cao Lỗ chế tạo, mỗi lần bắn ra có thể tung đến 1.000 mũi tên. Ông được hậu thế tôn vinh là Tổ nghề chế tạo vũ khí của dân tộc. Có tích rằng, An Dương Vương chạy tới vùng Diễn Châu (Nghệ An), tướng Cao Lỗ theo bảo vệ, chứng kiến nhà vua chém Mỹ Châu và nhảy xuống biển ở Mộ Dạ (Nho Liêm, Hà Nội ngày nay). Ông đã ở lại đây, thấy có quặng sắt nên khai thác, phát triển nghề rèn. Ông được người dân lập đền thờ, tôn là Thành hoàng Lư Cao Sơn, là Tổ nghề rèn, hàng năm cúng lễ lớn vào rằm tháng giêng.

Chử Đồng Tử - Tiên Dung là Tổ nghề buôn bán, khởi nghiệp kinh doanh

Ở lĩnh vực kỹ thuật - công trình, dù hậu thế chưa đạt được “sáng chế tầm thế kỷ” nhưng ngay từ đầu công nguyên, tiền nhân đã làm chủ được công nghệ xây dựng nền móng. Việc xây dựng thời đó gặp khó khăn do cấu tạo địa chất, “thành Cổ Loa cứ xây rồi lại đổ”. Qua nhiều lần thất bại, An Dương Vương điều nghiên, ghi nhận thực tế rồi kết luận, mấu chốt của sự ngã sập là do nền móng yếu. Sau đó, ông cho người đào sâu nền, đóng nhiều cọc tre, đổ nhiều đá hộc và làm móng rộng hơn, nhờ đó việc xây thành vững chắc, kiên cố, công trình hoàn hảo. Ông là người đầu tiên đặt nền móng cho ngành nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật trong xây dựng công trình.

Thời đó, do sống ở địa hình sông ngòi chằng chịt, cư dân Việt liên tục phải chống chọi với thiên tai, đặc biệt các loại hình như: bão, lũ, gió lốc, nhất là việc thường xuyên bị ngập lụt. Để bảo vệ cộng đồng an toàn, tiền nhân đã chọn giải pháp đắp bờ đê ngăn chặn dòng nước lũ. Thế là khi lũ càng cao, con đê đắp phải tương ứng và nạn thủy tai bị khống chế. Trận chiến khốc liệt dai dẳng được lịch sử ghi nhận và thắng lợi nghiêng về Sơn Tinh đã chứng minh điều đó. Về sự chinh phục này, hậu thế vinh danh ông là người đầu tiên chinh phục tự nhiên hiệu quả, suy tôn Sơn Tinh là Tổ ngành phòng, chống thiên tai.

Theo huyền sử ghi lại, doanh nhân đầu tiên của dân tộc ta là vợ, chồng ông Chử Đồng Tử và bà Tiên Dung- con gái vua Hùng đời thứ 3. Theo truyền thuyết, sau khi “kết hôn” với Chử Đồng Tử, Tiên Dung không dám về vì sợ vua cha phạt tội “tự lấy chồng”. Bà cùng chồng mở bến chợ, lập phố xá cùng người dân buôn bán, lâu ngày thành “cái chợ lớn sầm uất” thu hút bạn thuyền khắp nơi”. Hai tiền nhân này đã thành lập một khu kinh tế hoạt động buôn bán, làm ăn phát đạt. Hậu thế lập đền thờ vinh danh và suy tôn Chử Đồng Tử - Tiên Dung là Tổ nghề buôn bán, khởi nghiệp kinh doanh.

Toàn cảnh đền Thượng khu di tích Cổ Loa

Về điện ảnh, du nhập vào nước ta việc đóng thế vai (cascadeur) trong các phim hành động, một số cảnh nguy hiểm cho diễn viên thủ vai. Theo cổ tích Việt Nam, người đầu tiên đóng thế vai không ai khác ngoài Thạch Sanh. Ông thật thà khi nhận lời giúp Lý Thông đến quét dọn ở miếu thần và suýt bị Trăn Tinh ăn thịt. Qua đó, phải suy tôn Thạch Sanh là Tổ nghề đóng thế vai.

Có thể nói, với trên 500 Tổ nghề được vinh danh, trong đó người Việt Nam đã đi đầu, mở đường ở nhiều lĩnh vực. Có lẽ, thời gian Neil Amstrong và đồng nghiệp lưu lại trên mặt trăng là quá ngắn nên họ không thể đi lòng vòng, bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ, hỏi thăm sức khỏe sư tổ của họ. Ở lĩnh vực này, một chàng trai Việt Nam có tên Cuội - vì tiếc cây thuốc quý đã bay theo lên mặt trăng từ hàng ngàn năm trước và đến nay chưa có người thay vị trí này.

NGUYỄN RẠNG