Tính đến 16/6, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển sớm (bằng học bạ, thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế…).
Trong số đó, đa số các ngành đều có mức điểm chuẩn tương đương hoặc cao hơn năm 2023, một số ngành “hot” vượt ngưỡng 29 điểm.
Học viện Ngân hàng công bố điểm chuẩn của các phương thức xét tuyển sớm, trong đó, với phương thức xét tuyển học bạ, nhiều ngành có điểm chuẩn lên tới 29,9/30 như ngành Kiểm toán, Ngân hàng, Ngân hàng số, Tài chính, Công nghệ tài chính, Kinh doanh quốc tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Luật Kinh tế. Ngành Kế toán lấy 29,8 điểm, ngành Kinh tế đầu tư lấy 29,3 điểm.
Các ngành còn lại dao động từ 25,5-28,54 điểm. Mức điểm này đã bao gồm điểm cộng khuyến khích và điểm ưu tiên.
Với các chương trình đào tạo chất lượng cao, điểm xét tuyển tính theo thang 40, trong đó nhân đôi môn Toán. Điểm chuẩn các ngành thuộc chương trình đào tạo này từ 36-39,9 điểm.
Trường Đại học Thương mại cũng công bố điểm chuẩn của 4 phương thức: Xét học bạ với thí sinh trường chuyên (mã 200); xét điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội (402a); Điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (402b) và Xét chứng chỉ quốc tế kết hợp với học bạ (410).
Với phương thức xét học bạ, trường tính tổng điểm trung bình ba năm của các môn trong tổ hợp, cộng điểm ưu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. So với năm ngoái, đa số các ngành tăng 1-2 điểm chuẩn.
Điểm chuẩn cao nhất là ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (29,25 điểm); tiếp đến là ngành Marketing, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử (cùng lấy 29 điểm). Các ngành khác lấy đầu vào từ 25 điểm trở lên.
Bốn ngành này cũng có mức điểm trúng tuyển cao nhất ở phương thức xét kết hợp chứng chỉ quốc tế với học bạ, từ 26,25-27 điểm, còn lại lấy trên 22 điểm.
Với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức và kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Thương mại lấy điểm chuẩn từ 18-22 điểm (quy đổi điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy về thang điểm 30).
Mặc dù duy trì mức điểm chuẩn cao từ nhiều năm nay nhưng số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển sớm vào Trường Đại học Ngoại thương năm 2024 vẫn tăng nhẹ so với năm 2023.
Riêng với phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-level), số lượng thí sinh đăng ký vượt trội hơn so với năm trước.
Vì vậy, điểm chuẩn xét tuyển học bạ của Trường Đại học Ngoại thương với các học sinh hệ chuyên, học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố cao nhất là 30 điểm, đều thuộc về các ngành có chương trình quốc tế, cụ thể ngành Marketing số (cơ sở Hà Nội); ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Truyền thông Marketing tích hợp (cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh).
Với phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực, điểm chuẩn cao nhất 27,8 vào ngành Kinh tế đối ngoại và Thương mại quốc tế. Với phương thức xét kết hợp, điểm chuẩn cao nhất 29,5 điểm vào ngành Marketing số chương trình quốc tế.
Theo thống kê của Trường Đại học Ngoại thương, tổng số thí sinh có điểm SAT từ 1.530 là 196, từ 1.550 là 77; đặc biệt có 2 thí sinh đạt số điểm SAT gần như tuyệt đối là 1.590.
Học viện Ngoại giao cũng vừa thông báo ngưỡng đạt đối với hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm dựa trên kết quả học bạ vào đại học hệ chính quy. Theo đó, ngành Kinh doanh quốc tế có mức điểm chuẩn cao nhất là 23,82 điểm. Xếp sau đó là các ngành Truyền thông quốc tế, Kinh tế quốc tế, Quan hệ quốc tế đều lấy trên 23 điểm.
Ngoài phương thức xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập Trung học Phổ thông, Học viện Ngoại giao còn xét tuyển thẳng với 3% tổng chỉ tiêu, xét tuyển sớm dựa trên kết quả phỏng vấn với 2% tổng chỉ tiêu, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông với 25% tổng chỉ tiêu./.