Điểm sáng xuất khẩu lao động tại Tịnh Biên

30/01/2023 - 06:48

 - Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện Tịnh Biên đạt được những kết quả tích cực, số lượng người lao động (NLĐ) trẻ tham gia làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, đời sống kinh tế cũng từng bước được nâng lên.

Xuất ngoại để “đổi đời”

Với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã An Cư (huyện Tịnh Biên), anh Chau Săp Tha có đóng góp tích cực vào quá trình xuất khẩu lao động của cô em gái Néang Sai. “Trước đây, em gái tôi làm công nhân cho một số công ty ở tỉnh Long An với đồng lương đủ sống. Mục tiêu của Néang Sai là phải có nguồn thu nhập cao hơn, bởi đời sống gia đình còn khó khăn. Nhận thấy em gái có ý chí, tôi vận động Néang Sai tham gia xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Tới nay đã gần 6 tháng, cuộc sống em gái tại Nhật Bản đã ổn định” - anh Tha chia sẻ.

Theo lời anh Chau Săp Tha, với công việc may rèm cửa cho một công ty tại Nhật Bản, mức lương hiện tại của Néang Sai khoảng 25-30 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca nguồn thu sẽ cao hơn. Mục tiêu của cô gái Khmer này là tích lũy kiến thức có được tại thị trường lao động Nhật Bản, để có thể tìm công việc tốt hơn khi trở về nước. Hơn nữa, với mức thu nhập hiện tại, sẽ giúp cho gia đình trút bỏ gánh nặng kinh tế, hướng tới cuộc sống ổn định hơn.

“Do Néang Sai đã có thời gian lao động ngoài tỉnh nên quá trình tham gia xuất khẩu lao động không gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Với sự hỗ trợ của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Tịnh Biên cùng sự động viên của gia đình, em gái tôi dần ổn định công việc tại Nhật Bản. Sau khi mãn hạn hợp đồng làm việc 3 năm, Néang Sai sẽ có định hướng cho tương lai của mình” - Chau Săp Tha kỳ vọng.

Hiện nay, việc thanh niên dân tộc thiểu số Khmer tham gia xuất khẩu lao động không còn hiếm tại xã An Cư. Thông qua sự vận động của các ban, ngành, đoàn thể địa phương cùng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tịnh Biên, ngày càng có nhiều thanh niên Khmer hướng tới mục tiêu thay đổi cuộc sống bằng con đường xuất khẩu lao động. “Đã có trường hợp sau khi mãn hạn hợp đồng, NLĐ tiếp tục đăng ký xuất ngoại tiếp. Điều này cho thấy, xuất khẩu lao động thực sự là một trong những cách thoát nghèo của đồng bào Khmer tại địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để bà con Khmer, nhất là lao động trẻ, tham gia xuất ngoại để tích lũy thu nhập và kiến thức, kỹ năng, có tương lai rộng mở hơn” - Phó Chủ tịch UBND xã An Cư Huỳnh Thanh Hải thông tin.

Nâng cao hiệu quả

Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tịnh Biên Nguyễn Thị Huệ cho hay: “Giai đoạn 2016-2022, huyện đã đưa 87 lao động đi làm việc có thời hạn ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ả rập Xê-út, Israel. Bình quân mỗi năm, có khoảng 12 lao động tại huyện Tịnh Biên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, thị trường Nhật Bản có số lao động tham gia nhiều nhất, với 77 trường hợp. Hiện nay, có 56 lao động đã hết hợp đồng trở về địa phương và đang có nguyện vọng tiếp tục tham gia làm việc ngoài nước. Chúng tôi đã hỗ trợ đào tạo thêm 5 trường hợp học ngôn ngữ nước sở tại, chờ nhu cầu của thị trường lao động để được tham gia. Đa số thanh niên huyện Tịnh Biên là lao động phổ thông, làm việc trong các ngành nghề: Xây dựng, điện tử, may mặc, làm đường ống nước, nông nghiệp, chế biến thực phẩm....”.

Theo bà Huệ, mức lương bình quân của mỗi NLĐ làm việc tại nước ngoài từ 25-40 triệu đồng/tháng. Tùy theo tính chất công việc, mỗi NLĐ có thể tích lũy khoảng 500-700 triệu đồng sau khi hoàn thành hợp đồng. Khi đó, có người chọn con đường khởi nghiệp trong nước, số còn lại sẽ tiếp tục tham gia xuất khẩu lao động. “Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của ngành chuyên môn về thủ tục hồ sơ, kinh phí học nghề, giáo dục định hướng và cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, đã giúp NLĐ địa phương có thêm tự tin tham gia làm việc ở nước ngoài. Nhiều người dân ở khu vực nông thôn, NLĐ dân tộc thiểu số, lao động nữ đã ý thức được việc xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hiệu quả để có việc làm tốt, thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống” - bà Huệ phân tích.

Tuy nhiên, hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, trình độ ngoại ngữ là rào cản lớn của NLĐ tại Tịnh Biên khi làm việc ở nước ngoài. Trong khi đó, các thị trường có thu nhập cao thì chi phí đi xuất khẩu lao động khá cao, với trường hợp khó khăn về kinh tế sẽ không có khả năng tham gia các thị trường này... Phòng LĐ-TB&XH huyện Tịnh Biên sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động lực lượng lao động trẻ tham gia làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, mở rộng nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi từ dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là những lao động có trình độ nhưng điều kiện gia đình gặp khó khăn.

“Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, tuân thủ các tiêu chuẩn trong tuyển chọn, phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp dịch vụ và chính quyền địa phương để kết nối những lao động có nhận thức tốt, thực sự có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài. Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh khai thác nhu cầu lao động trong các lĩnh vực và các ngành nghề mới, đòi hỏi về tay nghề và ngoại ngữ. Mong rằng, với sự quan tâm của UBND huyện, sự nỗ lực của ngành chuyên môn và các địa phương, sẽ giúp cho công tác xuất khẩu lao động tại Tịnh Biên đạt thêm nhiều kết quả tích cực trong thời gian tới” - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tịnh Biên Nguyễn Thị Huệ chia sẻ.

THANH TIẾN

 

Liên kết hữu ích