Được thành lập vào năm 2012, mô hình “Chương trình mỗi tháng hỗ trợ 1 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” là sự phối hợp của Đài Truyền thanh và UBMTTQVN huyện Thoại Sơn (An Giang) Chương trình hoạt động với phương châm là “cầu nối yêu thương”, nhằm gắn kết những mảnh đời không may với các nhà hảo tâm để được yêu thương và san sẻ. Đối tượng được hỗ trợ là những hộ nghèo, cận nghèo, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh tật đột xuất, không có khả năng chữa trị.
Từ khi thực hiện đến nay, mô hình đã giúp đỡ 46 trường hợp, với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của những người tham gia công tác thiện nguyện đối với những phận đời kém may mắn trong xã hội.
Trao tiền hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn
Trưởng đài Truyền thanh huyện Thoại Sơn Trần Ngọc Thanh chia sẻ: “Để Đài Truyền thanh huyện Thoại Sơn thu hút ngày càng nhiều khán - thính giả, nhằm sẻ chia, “tiếp sức” với người nghèo, chúng tôi đã không ngừng đổi mới, sáng tạo về nội dung và hình thức. Và, mô hình “Chương trình mỗi tháng hỗ trợ 1 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” ra đời không ngoài mục đích ấy.
Theo nguyên tắc hoạt động, các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được UBND các xã, thị trấn gửi danh sách về đài. Trên cơ sở đó, phóng viên tiến hành xác minh từng trường hợp cụ thể, ưu tiên những trường hợp nguy cấp.
Khi đã xác định đúng đối tượng cần được giúp đỡ, phóng viên sẽ viết bài, phát sóng thường xuyên trên Đài Truyền thanh huyện từ 5-10 ngày nhằm kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ. Tùy vào mỗi hoàn cảnh, số tiền hỗ trợ sẽ khác nhau, thấp nhất là 10 triệu đồng, cao nhất gần 30 triệu đồng”.
Quyển kỷ yếu mang nhiều tâm huyết của anh em phóng viên
Điều chúng tôi trân quý không chỉ ở mô hình hay, hiệu quả lan tỏa mà còn là tấm lòng của các anh em phóng viên. Hễ có hoàn cảnh nào cần hỗ trợ, họ sẵn sàng đến tận nơi tìm hiểu, không ngại khó, ngại khổ hay nắng mưa, chỉ mong sao sớm hoàn thành bài viết để kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.
Tất cả bài viết đều không được hưởng nhuận bút, kể cả công tác phí khi đi xác minh. Bởi, tiêu chí chung khi thành lập mô hình chính là sự nhiệt tâm trong giúp đỡ người nghèo. Thế mới thấy, người phóng viên phải có cái tâm và lòng nhiệt huyết mới có được những trang viết xúc động, khơi dậy lòng trắc ẩn nơi bạn nghe đài để cùng nhau chung sức giúp đỡ người nghèo.
“Mỗi lần được phân công đi xác minh hoàn cảnh khó khăn, dù xa đến đâu, tôi cũng phải đến. Thương và xót là cảm nhận của tôi khi đến với những trường hợp cần giúp đỡ. Nhiều lúc, bản thân đã không kiềm được nước mắt khi chứng kiến cảnh khổ của các gia đình. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thôi thúc tôi có những bài viết thật hay, kêu gọi sự hỗ trợ. tôi thấy vui và mãn nguyện” - Ngô Thị Mỹ Tiên, phóng viên Đài Truyền thanh huyện Thoại Sơn bộc bạch.
Điểm nhấn của mô hình chính là quyển kỷ yếu, ghi lại tất cả trường hợp đã nhận được sự giúp đỡ từ “Chương trình mỗi tháng hỗ trợ 1 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.
Lật từng trang kỷ yếu, Trưởng đài Truyền thanh huyện không khỏi bùi ngùi, xúc động: “Mỗi trang, chúng tôi lưu lại 1 tấm hình khi cùng nhà hảo tâm đến trao tiền cho người nghèo, vài dòng tóm tắt về hoàn cảnh và chi tiết số tiền những người đã tiếp sức. Đó là cách chúng tôi lưu giữ kỷ niệm đẹp với họ và là động lực để anh em phóng viên nỗ lực, duy trì mô hình hiệu quả này, không đầu hàng trước khó khăn”.
Chủ tịch UBMTTQVN huyện Thoại Sơn Đinh Văn Hiền cho biết: “Được sự quan tâm của Thường trực Huyện ủy và UBND huyện Thoại Sơn, mô hình đã trở thành “điểm tựa” vững chắc cho những mảnh đời bất hạnh. Để tạo nên hiệu ứng mạnh, chúng tôi mời nhà hảo tâm trực tiếp đến trao tiền cho các hoàn cảnh khó khăn. Có người khi tận mắt chứng kiến, đã hỗ trợ nhiều hơn dự định ban đầu. Chúng tôi hy vọng, mô hình ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà hảo tâm để giúp đỡ những phận đời bất hạnh”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN