Trong 24 giờ qua, thế giới có 130.632 người mắc viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 5.010 người tử vong. Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua là Brazil với 26.543 ca. Tiếp đó là Mỹ với 23.623 ca, Ấn Độ với 13.103 ca. Các nước còn lại đều ghi nhận dưới 10.000 ca mắc trong 24 giờ qua.
Số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất cũng được ghi nhận ở Brazil với 1.054 ca, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 46.510 ca. Đứng thứ hai là Mỹ với 782 ca, tiếp đó là Mexico với 730 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Tính tới nay, 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã có 4.376.715 người khỏi bệnh, nhưng vẫn còn 54.462 ca nguy kịch.
WHO hoan nghênh "đột phá khoa học" dùng thuốc dexamethasone điều trị COVID-19
Sau khi Anh công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc dexamethasone có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ hoan nghênh “đột phá khoa học” này.
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh "đây là một tin tuyệt vời", đồng thời chúc mừng Chính phủ Anh, Đại học Oxford cùng với nhiều bệnh nhân và bệnh viện tại Anh đã đóng góp cho "đột phá khoa học cứu người này".
Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford dẫn đầu đã thử nghiệm dùng thuốc dexamethasone, một loại corticosteroid có tác dụng chống viêm, điều trị cho trên 2.000 bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy loại thuốc này giúp giảm 35% tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 nặng phải thở máy.
Theo các nhà nghiên cứu dẫn đầu cuộc thử nghiệm, các kết quả sơ bộ cho thấy cần sử dụng thuốc dexamethasone ngay lập tức trong điều trị cơ bản cho những bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Nhóm nghiên cứu có kế hoạch công bố chi tiết cuộc thử nghiệm sớm nhất có thể
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock tuyên bố nước này sẽ lập tức đưa thuốc dexamethasone vào phác đồ điều trị bệnh COVID-19. Theo ông Hancock, Anh đã bắt đầu dự trữ dexamethasone từ tháng 3 vừa qua khi sớm nhận thấy tiềm năng của thuốc dexamethasone trong điều trị căn bệnh nguy hiểm này. Do đó, Anh có sẵn 200.000 liều thuốc dexamethasone để sử dụng cho bệnh nhân nặng.
Nhận định về kết quả nghiên cứu trên, Giáo sư Y dược tại Đại học Washington, Tiến sĩ Mark Wurfel cho rằng tỷ lệ tử vong ở những ca bệnh nặng giảm nhờ điều trị bằng thuốc dexamethasone là tỷ lệ giảm nhiều nhất mà giới khoa học chứng kiến từ trước đến nay, song khuyến cáo các dữ liệu trên cần được công bố đầy đủ và được giới chuyên gia đánh giá.
Nga đã sử dụng thuốc kháng viêm dexamethasone để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 song không coi đây là thuốc đặc trị đối với bệnh này. Mặc dù vậy, giới chức khoa học Nga cho rằng đây là bước đột phá trong điều trị COVID-19.
Liên quan đến điều trị bệnh COVID-19, hai bệnh viện Asan và Gangnam tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc ngày 17-6 cho biết đã dừng các thử nghiệm lâm sàng đánh giá khả năng sử dụng thuốc chloroquine chữa sốt rét trong điều trị bệnh COVID-19.
Số ca tử vong ở Mỹ cao hơn so với Thế chiến I
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 15-6. Ảnh: THX/TTXVN
Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến 7 giờ 30 ngày 17-6 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận thêm 740 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 116.854 người - cao hơn số người Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất (116.516).
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, trong 24 giờ qua tính tới 6 giờ sáng 18-6 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận 783 ca tử vong.
Như vậy, diễn biến trong hai ngày qua cho thấy số ca tử vong hàng ngày ở Mỹ đã tăng mạnh trở lại sau hai ngày ghi nhận ở mức dưới 400 ca.
Xét về tổng thể, Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca tử vong và ca ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới. Nhiều bang của Mỹ thậm chí còn ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ không đóng cửa nền kinh tế nếu xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai. Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cảnh báo nền kinh tế số một thế giới sẽ không thể hồi phục chừng nào các yếu tố bất ổn do đại dịch COVID-19 gây ra vẫn hiện hữu.
Liên quan tới cuộc chiến chống dịch COVID-19, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết Mỹ có kế hoạch ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những đối tượng là người cao tuổi, người có bệnh lý nền và người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu. Những trường hợp thuộc diện ưu tiên khác sẽ phụ thuộc vào kết quả các thử nghiệm lâm sàng.
Theo quan chức trên, trong khi chờ đợi một loại vaccine được cấp phép, Operation Warp Speed (OWS) - chương trình đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine phòng COVID-19, sẽ lập các kế hoạch cần thiết cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng để phân phối vaccine. OWS đặt mục tiêu tới tháng 1-2021 sản xuất 300 triệu liều vaccine cho người dân Mỹ.
Trước đó cùng ngày, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ tuyên bố chính quyền của Tổng thống Trump sẽ rút gọn danh sách các vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 từ 14 loại xuống còn khoảng 7 loại. Nhà Trắng đã lựa chọn 5 công ty - trong đó có Moderna Inc, AstraZeneca Plc và Pfizer Inc - làm những ứng cử viên khả dĩ nhất để sản xuất vaccine ngừa COVID-19.
Cho tới nay, đã có hơn 100 loại vaccine ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn phát triển trên toàn thế giới, trong đó một số vaccine của các công ty AstraZeneca, Pfizer, BioNtech, Johnson & Johnson, Merck, Moderna, Sanofi và CanSino Biologics đã được thử nghiệm trên người.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Á
Bắc Kinh hủy 1.255 chuyến bay do lo ngại dịch bệnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 17-6. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc), chính quyền thủ đô Bắc Kinh ngày 17-6 đã ra lệnh hủy ít nhất 1.255 chuyến bay đến và đi từ thành phố này, chiếm gần 70% toàn bộ các chuyến bay. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh những lo ngại ngày càng gia tăng liên quan tới đợt bùng phát dịch mới COVID-19.
Sau gần 2 tháng không có ca nhiễm mới, ngày 11-6 vừa qua, thành phố Bắc Kinh lại ghi nhận một ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Sau đó, nhà chức trách y tế phát hiện nhiều ca nhiễm mới liên quan đến chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa lớn nhất châu Á và khu chợ bán buôn thứ hai ở quận Hải Điến.
Thành phố Bắc Kinh đã bắt đầu áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế để phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Một số quận đã dựng các chốt an ninh, đóng cửa trường học và yêu cầu người dân xét nghiệm virus. Tân Phát Địa cũng là khởi nguồn lây lan của 19 ca bệnh mới phát hiện trong ngày 16-6 tại Bắc Kinh.
Chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã nâng mức ứng phó khẩn cấp với đại dịch COVID-19 từ Cấp độ III lên Cấp độ II. Theo đó, các trường học trên toàn thành phố sẽ đóng cửa và chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến, đồng thời đình chỉ kế hoạch nối lại hoạt động học tập của các sinh viên đại học. Bắc Kinh cũng hối thúc người dân không ra khỏi thành phố nếu không cần thiết, trong khi người dân sinh sống ở những khu vực có mức độ “rủi ro trung bình và cao” không được rời khỏi địa phương.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại một khu chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 16-6. Ảnh: THX/ TTXVN
Cục Thể dục thể thao thành phố Bắc Kinh đã ra thông cáo khẩn ngày 17-6 yêu cầu ngừng các sự kiện thể thao cũng như đóng cửa một số phòng tập gym. Theo thông cáo, mọi sự kiện thể thao sẽ đều phải ngừng. Các bể bơi và phòng tập gym ngầm đều phải đóng cửa. Các môn thể thao như bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá và các môn khác đều bị cấm. Các cơ sở thể dục thể thao khác được yêu cầu làm theo các chỉ dẫn nghiêm ngặt liên quan.
Về phần mình, chính quyền tỉnh Hắc Long Giang thông báo sẽ áp dụng cách ly bắt buộc trong 21 ngày đối với những người đến từ những khu vực có nguy cơ vừa và nguy cơ cao ở thủ đô Bắc Kinh.
Trong khi đó, Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc) cũng thông báo thời hạn cách ly 14 ngày đối với những người có lịch sử du lịch tại Bắc Kinh trong những ngày gần đây.
Ấn Độ đứng thứ ba thế giới về ca mắc mới
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 13-5. Ảnh: THX/TTXVN
Trong 24 giờ tính tới 6 giờ sáng 18-6 (giờ Việt Nam), Ấn Độ ghi nhận 13.103 ca mắc COVID-19 mới, đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Brazil.
Ngày trước đó, số ca tử vong do tại Ấn Độ tăng đột biến sau khi thành phố Mumbai điều chỉnh tăng 862 ca, nâng tổng số người tử vong tại thành phố này lên 3.165 người. Mumbai điều chỉnh số liệu sau khi phát hiện lỗi thống kê. Trong khi đó, thủ đô New Delhi ghi nhận thêm trên 400 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số tử vong ở thành phố này lên trên 1.800 người. Hiện chưa rõ bao nhiêu ca tử vong mới ghi nhận trong 24 giờ và bao nhiêu ca là cập nhật thống kê từ trước đó.
Theo thống kê chính thức, Ấn Độ đã ghi nhận 367.264 ca mắc COVID-19, cao thứ 4 thế giới. Dịch vẫn diễn biến nghiêm trọng tại các thành phố lớn, tập trung đông dân cư như New Delhi, Mumbai, và mới đây nhất thành phố Chennai lại phải siết chặt các biện pháp hạn chế sau khi số ca mắc mới gia tăng kể từ khi nới lỏng. Tại các địa phương khác, các biện pháp hạn chế vẫn được nới lỏng như kế hoạch để giảm thiểu những tác động kinh tế.
Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng trở lại
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 19-3. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Giới chức y tế Hàn Quốc ngày 17-6 xác nhận số các ca mới mắc bệnh cấp COVID-19 thống kê theo ngày tại nước này đã vượt quá con số 40 người, trong bối cảnh các ca lây nhiễm trong nước cũng như các trường hợp nhập cảnh mang mầm bệnh đều tăng. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm nhiều trường hợp lây nhiễm hàng loạt gần thủ đô Seoul.
Theo báo cáo của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), nước này vừa có 43 trường hợp mắc COVID-19 (tăng 9 ca so với một ngày trước đó), trong đó có 31 trường hợp lây nhiễm nội địa, nâng tổng số ca mắc bệnh lên con số 12.198.
Trong số các trường hợp lây nhiễm tại địa phương, có 25 ca ghi nhận tại thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi bao quanh thủ đô - khu vực sinh sống của 50% dân số 50 triệu người của Hàn Quốc. Các cơ quan y tế Hàn Quốc đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ, do đây là lần đầu tiên trong hơn một tháng qua nước này ghi nhận các trường hợp lây nhiễm ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận.
Với 12 các ca mắc bệnh nhập cảnh mới, Hàn Quốc đã có tổng số 1.371 bệnh nhân thuộc diện này. Đây là lần thứ tư trong tháng 6, Hàn Quốc có số các ca bệnh nhập cảnh ở mức hai con số.
Đến nay, Hàn Quốc đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho khoảng 1.200.000 người. Hầu hết các ca nhiễm mới đều ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận gồm thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi, đều có liên quan đến những ổ lây nhiễm tập thể nhỏ lẻ. KCDC cũng lo ngại về sự gia tăng các trường hợp nhiễm virus không có triệu chứng, chiếm 10% các ca nhiễm mới được xác định trong tháng này.
Hàn Quốc đã gần như kiểm soát được sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trên quy mô toàn quốc, song một loạt ổ lây nhiễm mới liên quan đến các cuộc tụ họp tôn giáo, khu vui chơi giải trí về đêm và một công ty bán hàng ở khu vực Seoul và vùng phụ cận đã xuất hiện, theo đó số ca nhiễm mới tăng trở lại.
KCDC khuyến cáo người dân thủ đô và vùng phụ cận nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh thực hiện các quy định phòng dịch để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng.
Indonesia đứng đầu Đông Nam Á về tổng số ca mắc
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài bưu điện ở Manila, Philippines ngày 10-6. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 17-6, Indonesia thông báo trong 24 giờ qua, nước này có 1.031 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 đến nay lên 41.431 ca. Như vậy, Indonesia đã vượt Singapore (41.216 ca) trở thành nước có nhiều ca nhiễm nhất tại Đông Nam Á.
Số người tử vong vì COVID-19 ở Indonesia cũng đứng đầu ASEAN với 2.276 ca tính tới hết ngày 17-6. Con số này cao hơn gấp đôi nước có số ca tử vong thứ hai ASEAN là Philippines với 1.108 ca.
Indonesia chứng kiến ca nhiễm bệnh tăng vọt trong những tuần gần đây khi giới chức nước này tăng xét nghiệm khi Indonesia đang bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội ở thủ đô Jakarta và các thành phố khác để phục hồi kinh tế. Tổng thống Joko Widodo và các quan chức đã kêu gọi các bước ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai và cảnh báo sẽ áp đặt lại các biện pháp giãn cách xã hội để kiềm chế virus.
Các ca lây nhiễm ở Indonesia được ghi nhận ở toàn bộ 34 tỉnh trải dài trên chuỗi đảo của nước này. Theo hai nền tảng dữ liệu nguồn mở LaporCovid-19 và KawalCOVID19, số ca tử vong ở Indonesia có thể cao gấp ba lần con số chính tức.
Đông Java, nơi có thành phố Surabaya lớn thứ hai Indonesia, và Nam Sulawesi là hai điểm nóng dịch bệnh mới.
Tổng thống Honduras nhiễm bệnh
Tổng thống Honduras, ông Juan Orlando Hernandez đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông đang được điều trị và sẽ làm việc từ xa.
Trong một bài phát biểu được phát trên truyền hình ngày 16-6, Tổng thống Hernandez cho biết ông chỉ có triệu chứng nhẹ của bệnh COVID-19 và sức khỏe đã tốt hơn sau khi được điều trị.
Đệ nhất Phu nhân và hai cố vấn tổng thống cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang được điều trị.
Tính đến nay, Honduras đã ghi nhận 9.656 ca mắc COVID-19, trong đó có 330 người tử vong.
Số ca nhiễm mới tăng vọt tại bang Victoria của Australia
Bang Victoria đã ghi nhận 21 ca nhiễm COVID-19 mới - mức tăng cao nhất trong hơn một tháng qua.
Bộ trưởng y tế bang Victoria - ông Janny Mikakos - cho biết trong số các ca nhiễm mới nêu trên, có 15 ca đang được cách ly bắt buộc, 2 ca liên quan đến các ổ dịch đã được xác định và 4 ca còn lại được phát hiện qua xét nghiệm. Đáng chú ý, trong số 4 ca này, có một nhân viên làm việc tại một khách sạn đang được sử dụng làm nơi cách ly, một người sống tại một trung tâm dưỡng lão và một nhân viên của trung tâm chăm sóc trẻ. Các cơ sở này đều đã phải đóng cửa để tẩy trùng.
Từ đầu tuần này, cũng đã có ba trường học tại bang Victoria phải đóng cửa sau khi có học sinh phát hiện dương tính với virus SARS CoV-2 trong bối cảnh chính quyền bang tiếp tục nới lỏng các hạn chế xã hội, cho phép các quán cà phê, nhà hàng và quán rượu được tiếp nhận tối đa 50 khách tại cùng một thời điểm so với mức giới hạn trước đó là 20 người. Các trung tâm thể thao trong nhà và phòng tập gym cũng sẽ được mở cửa trở lại cho tối đa 20 khách tập.
Trong khi đó, bang New South Wales, bang đông dân nhất ở Australia, chỉ phát hiện một trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua là một công dân mới từ nước ngoài trở về, đang được cách ly tại khách sạn.
Chính quyền bang Nam Australia thông báo mở cửa biên giới bang từ đêm ngày 16-6 cho cư dân từ các bang Tây Australia, lãnh thổ Bắc Australia và bang Tasmania, nhưng chưa mở cửa đối với các bang New South Wales, Queensland và Victoria. Với quyết định mở cửa biên giới này, cư dân từ các bang và vùng lãnh thổ nói trên sẽ được phép đi làm việc và du lịch tại Nam Australia mà không phải trải qua thời gian cách ly 14 ngày.
New Zealand đối mặt nguy cơ bùng phát đợt dịch mới
Tại New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern đã yêu cầu quân đội kiểm soát chặt chẽ đường biên giới sau khi một số lực lượng chức năng có dấu hiệu lơ là trong công tác phòng dịch.
Chuỗi 24 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới của New Zealand đã kết thúc vào ngày 16-6, sau khi nước này ghi nhận hai ca nhiễm mới. Thông báo của Bộ Y tế New Zealand nêu rõ hai ca dương tính với virus SARS-CoV-2 mới này có quan hệ họ hàng và cả hai đều là những trường hợp trở về từ Anh trong thời gian gần đây. Họ đã được cho rời khỏi khu cách ly mà không hề qua xét nghiệm COVID-19, mặc dù ở thời điểm đó, một người trong số họ đã có triệu chứng nhẹ. Trong thời gian gần đây, hai phụ nữ trên đã tiếp xúc khoảng 320 người.
Hiện Chính phủ New Zealand mới chỉ cấp phép nhập cảnh cho công dân nước này hồi hương bên cạnh một số ngoại lệ như đi công tác hoặc những trường hợp đặc biệt. Tuy vậy, tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải tuân thủ quy định cách ly bắt buộc trong vòng 2 tuần.
New Zealand mới chỉ ghi nhận tổng cộng 22 ca tử vong do dịch COVID-19. Hồi tuần trước, nước này tuyên bố đã chấm dứt được tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong trong cộng đồng, do đó, các biện pháp hạn chế trong nước bao gồm các quy định giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người nơi công cộng đã được dỡ bỏ.
Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin Tức)