Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 29-5: Dịch bệnh khó lường, nhiều nước tái áp đặt các biện pháp phòng chống

29/05/2020 - 08:58

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 95.200 trường hợp mắc COVID-19 và 3.757 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng trên 5.879.800 người. Diễn biến dịch có xu thế trái chiều ở các nước, nhiều quốc gia đã phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội.

 Người dân di chuyển trên đường phố tại Seoul, Hàn Quốc ngày 10-5-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29-5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 5.879.803 ca, trong đó có 360.694 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 2.576.260 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 52.853 và 2.942.849 ca đang điều trị tích cực.

Xét về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2, dường như đại dịch đang hạ nhiệt trên thế giới. Tuy nhiên, dịch COVID-19 diễn biến khó lường và trái chiều, nhiều nơi bắt đầu xuất hiện "bóng ma" làn sóng dịch thứ 2 và buộc các quốc gia phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc xã hội.

 Người dân Ấn Độ đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông trên đường phố ở New Delhi ngày 27-5-2020. Ảnh: ANI/TTXVN

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới chứng kiến 139 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2, trong số đó 87 quốc gia và vùng lãnh thổ phát sinh ca tử vong mới vì dịch bệnh.

Mỹ, Nga và Ấn Độ vẫn là ba quốc gia có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới trong 1 ngày qua. "Xứ sở Samba" Brazil nói riêng và khu vực Mỹ Latinh nói chung có nguy cơ trở thành tâm dịch mới khi dịch bệnh đang diễn biến xấu với tốc độ rất nhanh những ngày gần đây.

Anh và Mexico trong ngày cũng ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao đột biến.

Nhiều nước thận trọng mở cửa trở lại

Tính tới sáng 29-5, thủ đô Washington của Mỹ đã trải qua hơn 14 ngày ghi nhận số ca mắc COVID-19 "giảm liên tục", điều này cho phép thủ đô của Mỹ bắt đầu quá trình mở cửa trở lại.

Thị trưởng Washington, bà Muriel Bowser đã ký ban hành quyết định dỡ bỏ “lệnh ở nhà” được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 và thành phố này dự kiến bắt đầu giai đoạn một của việc mở cửa trở lại, bắt đầu từ ngày 29-5 và kéo dài đến hết ngày 24-7.

Mặc dù mức độ lây lan của dịch COVID-19 tại thủ đô Washington chậm hơn so với các bang khác của Mỹ, nhưng đây cũng là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Tính tới nay, thủ đô Washington đã ghi nhận 8.406 ca nhiễm COVID-19 với 445 ca tử vong.

Ngoài Washington D.C, hầu hết các tiểu bang của Mỹ cũng đã từng bước mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có cả "tâm dịch" New York.

 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 26-5-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tuy nhiên, giới lập pháp đảng Dân chủ đại diện cho khu vực thủ đô Washington, DC cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump không nên tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh Mỹ (4-7) tại khu vực Quảng trường trung tâm (National Mall), trong bối cảnh khu vực này đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19.

Họ lập luận rằng không thể tổ chức sự kiện này một cách an toàn với số lượng lớn người có thể tham dự vì thủ đô Washington, DC và các vùng lân cận là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Mỹ và hiện vẫn đang duy trì lệnh phong tỏa, gián cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh. 

Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 21.570 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 1.194 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 tại nước này lên lần lượt 1.767.373 và 103.301 trường hợp.

Cùng ngày, Pháp bước vào giai đoạn 2 nới lỏng giãn cách xã hội. Tại cuộc họp báo chiều 28-6, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã thông báo các biện pháp tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội của giai đoạn 2 sau thời kỳ phong tỏa quốc gia.

Thủ tướng Philippe cho biết tất cả các vùng của Pháp được xếp hạng “xanh”, trừ vùng thủ đô Ile-de-France và lãnh thổ hải ngoại Guyanne và Mayotte. Ông nhấn mạnh điều này không có nghĩa là không còn virus SARS-CoV-2 tại các vùng “xanh”. Virus vẫn hiện diện ở các mức độ khác nhau trên toàn lãnh thổ, nhưng tốc độ lây lan trong tầm kiểm soát.

Kể từ ngày 2-6, các nhà hàng, quán cà phê và quầy bar sẽ được mở cửa trở lại tại các vùng “xanh”. Tại vùng Ile-de-France, bao gồm Paris và 7 tỉnh vệ tinh, chỉ các hàng quán ngoài trời được phép hoạt động. Mỗi nơi chỉ được tiếp đón nhiều nhất 10 khách hàng. Các bàn được kê cách nhau một mét. Nhân viên phục vụ và khách hàng bắt buộc phải đeo khẩu trang khi di chuyển trong quán.

Vườn hoa và công viên sẽ được mở cửa ngay từ cuối tuần này trên toàn quốc. Việc bắt buộc đeo khẩu trang hay không tại nơi công cộng sẽ do chính quyền từng địa phương quyết định. Rạp hát, phòng tập thể dục thể thao, bể bơi và công viên giải trí sẽ được phép đón khách trở lại từ ngày 2-6 tại các vùng “xanh” và từ ngày 22-6 tại Ile-de-France. Rạp chiếu phim sẽ hoạt động từ 22-6 trên toàn quốc. Lệnh hạn chế di chuyển trong bán kính 100 km từ nơi cư trú cũng được bãi bỏ.

Tuy nhiên, sàn nhẩy, sân vận động và trường đua ngựa tiếp tục đóng cửa. Cho dù các môn thể thao tiếp xúc không được cho cấp phép trước ngày 21-6, song các vận động viên chuyên nghiệp vẫn có thể luyên tập kể từ tuần sau.

Pháp kêu gọi mở lại biên giới trong châu Âu kể từ ngày 15-6 và không áp dụng biện pháp cách ly. Với biên giới ngoài châu Âu, ông khẳng định rằng Liên minh 27 quốc gia cần phải đưa ra quyết định tập thể và thực hiện một cách tập thể.

Tới nay, Pháp ghi nhận tổng cộng 186.238 ca mắc COVID-19, trong đó có 28.662 ca tử vong.

Tại Italy, tâm dịch ngày nào của châu Âu, nhà chức trách bắt đầu mở cửa trở lại một số điểm du lịch.

Pompeii - địa điểm khảo cổ nổi tiếng thế giới của Italy - mới đây đã mở cửa trở lại với công chúng sau khi chính phủ nước này quyết định dỡ bỏ lệnh phong tỏa - vốn được áp đặt nhằm cắt đứt chuỗi lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Pompeii là những phần di tích còn sót lại của một thành phố cổ, vốn bị bao phủ trong tro bụi từ Mount Vesuvius, trong lần "thức giấc" của núi lửa này cách đây gần 2.000 năm. Khu di tích được bảo tồn một cách đặc biệt này là thắng cảnh thu hút nhiều khách du lịch thứ hai tại Italy, sau đấu trường Colosseum ở thủ đô Rome.

Sự mở cửa trở lại của Pompeii phần nhiều vẫn mang tính biểu tượng. Trong ngày 26-5 - ngày đầu tiên khu di tích này mở cửa trở lại, người ta thấy hướng dẫn viên còn nhiều hơn cả khách thăm quan. Với việc khách du lịch nước ngoài vẫn bị cấm du lịch tới Italy cho đến tháng 6, khu di tích trên dự kiến sẽ chỉ đón tiếp 4 triệu khách tham quan trong năm 2020. 

Vé vào cửa có giá 5 euro (5,5 USD)/người, nhưng du khách sẽ phải trải qua những thủ tục phức tạp hơn thường lệ khi họ sẽ phải đặt vé trước và được kiểm tra thân nhiệt trước khi bước vào bên trong. 
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Italy hồi tháng 3 vừa qua, khiến nước này phải đóng cửa toàn bộ các địa điểm văn hóa, cũng là lúc Pompeii vừa kết thúc công tác trùng tu trị giá 113 triệu USD.

Hết ngày 28-5, quốc gia hình chiếc ủng ghi nhận tổng cộng 231.732 ca mắc bệnh và 33.142 trường hợp tử vong vì COVID-19, chỉ tăng 70 ca so với một ngày trước đó.

 Phun khử trùng nhà ga đường sắt ở Moskva, Nga ngày 19-5-2020 nhằm ngăn dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: THX/TTXVN

Nga cũng bắt đầu tính tới việc nới lỏng một phần các biện pháp phòng chống dịch. Ngày 28-5, Thị trưởng Moskva Sergey Sobyanin tuyên bố giai đoạn hai nới lỏng các hạn chế cách ly là khả thi do tỷ lệ mắc COVID-19 đã giảm một cách bền vững. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1-6, người dân thành phố Moskva, bao gồm cả người già trên 65 tuổi và công dân mắc bệnh mãn tính, có thể rời khỏi nhà để đi dạo và chơi thể thao.

Thị trưởng Sobyanin chia sẻ: “Vẫn còn quá sớm để hủy bỏ hoàn toàn chế độ tự cách ly, nhưng đã đến lúc chúng ta có thể cho phép mình thường xuyên ra ngoài hít thở không khí trong lành”. Theo Thị trưởng Moskva, chế độ đi dạo được tiến hành thử nghiệm từ 1-6-14-6 sẽ cho phép mở cửa trở lại các công viên và khu vực cây xanh để phục vụ người dân.

 Cảnh vắng lặng trên quảng trường Đỏ ở trung tâm thủ đô Moskva, Nga khi lệnh hạn chế được ban bố nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 4-5-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, việc gia tăng số lượng người trên đường phố và trong công viên sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm virus SARS-COV-2. Để ngăn chặn điều này, quy định đeo khẩu trang sẽ được tăng cường, các trò chơi trong công viên chưa hoạt động. Dịch vụ cho thuê xe đạp trong thành phố sẽ hoạt động trở lại, trong khi các nhà điều hành sẽ đảm bảo khử trùng phương tiện thường xuyên.

Ngoài ra, cũng từ ngày 1-6, các đại lý xe ô tô và cửa hàng, các dịch vụ gia đình không cần tiếp xúc lâu giữa nhân viên và khách hàng như trung tâm tiếp nhận giặt là, cửa hàng sửa chữa giày dép… sẽ được mở lại, song phải đảm bảo các điều kiện về giãn cách xã hội và vệ sinh dịch tễ.

"Bóng ma" làn sóng dịch thứ 2 xuất hiện

Thái Lan và Malaysia ngày 28-5 đã đóng trở lại biên giới chung vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trạm kiểm soát Padang Besar tại khu vực biên giới giữa Thái Lan và Malaysia đã phải đóng lại sau khi các cơ quan chức năng Thái Lan phát hiện thêm một số ca mắc COVID-19 trong số những người Thái Lan trở về từ nước ngoài.

Trung tâm quản lý tình hình dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) cho hay “chúng tôi đã phát hiện một số ca mắc COVID-19 trong số những người Thái Lan trở về từ Saudi Arabia, tuy nhiên, họ đã nhập cảnh vào Thái Lan thông qua trạm kiểm soát biên giới Padang Besar”. Quyết định trên giúp các cơ quan chức năng của Thái Lan và Malaysia khử trùng toàn diện các khu vực thuộc trạm kiểm soát biên giới Padang Besar.

Theo CCSA, 6 trong số 39 sinh viên nước này đã đi qua trạm kiểm soát biên giới Padang Besar để tới tỉnh Songkhla của Thái Lan hôm 25-5, và sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong thời gian cách ly tại các cơ sở của nhà nước. Ngoài Padang Besar, trạm kiểm soát Sadao trên biên giới Thái Lan-Malaysia vẫn đang bị đóng cửa kể từ ngày 23-4 do đại dịch COVID-19.

 Học sinh tới trường tại Seoul, Hàn Quốc ngày 27-5-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Hàn Quốc, Ngày 28-5, nhà chức trách đã quyết định tái áp đặt một số hạn chế xã hội trước nguy cơ bùng phát trở lại làn sóng dịch bệnh COVID-19 tại nước này.

Hãng tin Yonhap đưa tin nhà chức trách Hàn Quốc đã quyết định áp dụng một số biện pháp cách ly tại khu vực đô thị thuộc thủ đô Seoul trong 2 tuần tới. Theo đó, các cơ sở vui chơi giải trí tại Seoul sẽ phải tuân thủ những qui định nghiêm ngặt mới về cách ly.

Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc đánh giá giai đoạn 2 tuần tới sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với nỗ lực ngăn chặn sự tái bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (SARS-CoV-2). Tuy nhiên, các trường học vẫn sẽ mở cửa trở lại để đón học sinh như dự kiến.

 Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc ngày 20-5-2020. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Ngày 28-5, Hàn Quốc đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất trong vòng gần 2 tháng qua, với 79 trường hợp, trong đó có tới 68 ca là lây nhiễm trong nước.

Hầu hết các ca mắc bệnh mới được xác định liên quan tới một trung tâm vận chuyển ở Bucheon do công ty thương mại Coupang vận hành. Nhà chức trách cho quan ngại có nhiều người đã tiếp xúc với các nhân viên của công ty này và tới nay đã có khoảng 4.000 trường hợp được xét nghiệm, trong đó 2.800 ca cho kết quả âm tính và số còn lại đang chờ kết quả.

 Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dân sự Thane ở Thane, Ấn Độ ngày 25-5-2020. Ảnh: ANI/TTXVN

Ngày 28-5, Ấn Độ thông báo ghi nhận 7.300 trường hợp mắc bệnh COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm mới tăng cao nhất tại quốc gia Nam Á này. 

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 194 trường hợp tử vong. Tính đến nay, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới ghi nhận tổng cộng 165.386 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.711 người tử vong. Tỷ lệ bình phục cũng đã tăng lên hơn 42%. 

Mumbai - trung tâm tài chính và giải trí của Ấn Độ, là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, với hơn 33.000 ca mắc bệnh và gần 1.200 người tử vong. Số ca mắc COVID-19 còn tăng tại một số bang miền Đông nghèo nhất Ấn Độ khi những người lao động tại các thành phố lớn trở về nhà do các biện pháp phong tỏa của chính phủ. 

 Nhân viên y tế Ấn Độ kiểm tra thông tin từ người dân trở về từ Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) trên chuyến bay của Hãng hàng không Ấn Độ tại sân bay Chennai, ngày 9-5-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cũng trong 24 giờ qua, Bangladesh cũng ghi nhận thêm 2.029 ca mắc COVID-19. Đây là mức tăng lớn nhất trong ngày tại quốc gia Nam Á kể từ ngày 8-3.

Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Bangladesh đã lên tới 40.321 người, trong đó có 559 ca tử vong. Số ca bình phục tại nước này là 8.425 người. 

Trong khi đó, Chính phủ Sri Lanka cho biết sẽ áp đặt trở lại một số biện pháp hạn chế từ ngày 31-5 tới sau khi nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày, chủ yếu là những người hồi hương từ Kuwait hồi tuần trước.

 Người dân di chuyển trên đường phố tại Manchester, Anh ngày 14-5-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 28-5, báo Finanicial Times (FT) công bố nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong vì dịch COVID-19 tại Anh cao nhất trong số các quốc gia chịu tác động nặng nề nhất, với các dữ liệu theo dõi có thể so sánh với nhau.

Số liệu chính thức từ Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) của Anh công bố đầu tuần này cho thấy kể từ ngày14 - 20-3, số ca tử vong tại Anh cao hơn gần 60.000 ca so với thông thường. Từ đó, FT thực hiện một phân tích, dựa vào dữ liệu từ 19 quốc gia, cho thấy virus SARS-CoV-2 đã trực tiếp hoặc gián tiếp cướp đi sinh mạng của 891 người/1 triệu dân tại Anh. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia có trong phân tích.

Cũng theo kết quả phân tích, tỷ lệ tử vong tại Anh cao hơn cả những quốc gia cũng chịu tác động mạnh của dịch bệnh như Mỹ, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ. Nhiều chuyên gia đánh giá việc đếm số người tử vong chênh lệch so với mức trung bình người tử vong của 5 năm trước đó là cách tốt nhất để so sánh tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh giữa các quốc gia trên thế giới.

 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh ngày 17-5-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Chính phủ Anh cũng đã bắt đầu cho triển khai hệ thống "xét nghiệm và truy vết” nhằm xác định và cách ly những người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Anh, đồng thời chuẩn bị cho việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc.

Từ ngày 28-5, bất cứ ai nghi mắc COVID-19 đều được chuyển sang chương trình "xét nghiệm và truy vết". Họ sẽ phải chia sẻ thông tin về những người đã tiếp xúc, kể cả những người đứng cách xa 2m trong vòng trên 15’ trong hai ngày trước khi phát hiện các triệu chứng bệnh hoặc 7 ngày sau khi có triệu chứng. Những người trong diện tiếp xúc với người bệnh đều phải tự cách ly 14 ngày.

Trong vòng 24 giờ qua, xứ sở sương mù ghi nhận tới 377 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân thiệt mạng vì COVID-19 tại Anh lên 37.837 trường hợp trong tổng số  269.127 ca mắc bệnh.

 Các vũ công đeo mặt nạ phòng lây nhiễm COVID-19 trong buổi biểu diễn tại Đền Erawan ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính 23 giờ 59 phút ngày 28-5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.620 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 2.620 người.

Trong 24 giờ qua, khu vực vẫn chỉ có Indonesia, Philippines ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19. Trong ngày, khu vực có tới 7 nước ghi nhận các ca mắc mới, trong đó Indonesia và Philippines vẫn là những nơi dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Một trung tâm mua sắm ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Ngọc Quang - TTXVN

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.620 người dân ở khu vực này, tăng 40 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 36.932 trường hợp.

Trong vòng 1 ngày qua, Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về cả số ca mắc và ca tử vong. Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới chính là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với 1.496  người tử vong. Về tổng thể, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines.

 Trẻ em đạp xe trên phố ở Washington D.C, Mỹ trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan ngày 18-5-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 28-5, khoảng 50 nhà lãnh đạo các nước đã lên tiếng kêu gọi thế giới cần hợp tác và thích nghi với tình hình mới sau đại dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến của Liên hợp quốc (LHQ) mà không có sự góp mặt của ba nước Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng các nước cần phải sáng tạo và tìm ra những phương thức hợp tác mới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định những mục tiêu phát triển bền vững với tầm nhìn tới năm 2030 của LHQ có tầm quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay và các nước cần hợp tác để cùng nhau tiến tới những mục tiêu đã đề ra.

Theo THANH TUẤN (Báo Tin Tức)