Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 5-5: Thế giới trên 251.000 ca tử vong, trên 3,6 triệu người mắc bệnh

05/05/2020 - 07:58

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 78.280 trường hợp mắc bệnh COVID-19 và 3.707 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 đến nay đã vượt 251.000 người, trong khi ca mắc bệnh vượt qua con số 3,6 triệu.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5-5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 3.640.167 ca, trong đó có 251.791 người đã thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 1.192.842 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, trong khi còn 49.627 ca trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, lần lượt là 1.210.907 ca (tăng 22.785 ca so với một ngày trước) và 69.564 ca (tăng 966 ca). Đại dịch đã suy yếu đáng kể trên hầu khắp châu Âu, châu Á, trong khi diễn biến chỉ còn đáng lo ngại ở một số "điểm nóng" mới như Nga, một số nước Mỹ Latinh như Brazil, Mexico và Đông Nam Á, như Singapore, Indonesia.

Mỹ: Tổng thống Trump cảnh báo số tử vong có thể tới 100.000 người

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4-5 cho rằng, con số ca tử vong do bệnh COVID-19 tại Mỹ có thể lên tới 100.000 người, tuy nhiên ông mô tả phản ứng của đất nước với cuộc khủng hoảng này là "thành công". "Chúng ta sẽ mất đâu đó từ 75.000-100.000 người. Đó là điều kinh khủng. Chúng ta không nên để mất thêm người nào nữa ngoài con số đó", ông Trump phát biểu.

Liên quan đến cuộc chiến chống dịch, Nhà Trắng tiếp tục ngăn cản bất cứ thành viên nào của đội đặc nhiệm chống COVID-19 ra điều trần tại Quốc hội. Văn phòng Vấn đề pháp lý Nhà Trắng ngày 4-5 cho biết, không một thành viên nào của đội đặc nhiệm hoặc các phụ tá hàng đầu của họ "có thể chấp nhận lời mời điều trần" từ Quốc hội trong tháng 5. Hướng dẫn này được đưa ra sau khi Nhà Trắng ngăn cản Tiến sĩ Anthony Fauci ra điều trần tại Hạ viện trong tuần trước.

Nga trở thành "điểm nóng nhất"

Nga đang trở thành điểm nóng nhất của dịch COVID-19 hiện nay khi số ca nhiễm mới trong ngày tăng thêm 10.581 ca, cao hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tính đến 6 giờ sáng 5-5 (theo giờ VN), Nga ghi nhận tổng cộng 145.268 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 1.356 ca tử vong.

Bộ trưởng Y tế LB Nga Mikhail Murashko ngày 4-5 cho biết nước này sẽ duy trì một phần các biện pháp hạn chế cho đến khi có vaccine phòng bệnh COVID-19. Bộ trưởng Murashko khẳng định Nga sẽ loại bỏ các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn, song một số sẽ được duy trì cho đến khi các biện pháp phòng chống COVID-19 lây lan ra đời. Người đứng đầu ngành y tế Nga cảnh báo nguy cơ xảy ra đợt bùng phát thứ hai dịch COVID-19.

Phun thuốc khử trùng trên đường phố tại Moskva, Nga ngày 24-4-2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Ảnh: THX/ TTXVN

Trước chiều hướng tích cực của tình hình dịch bệnh, nhiều nước châu Âu đã bắt đầu gỡ bỏ một phần các biện pháp hạn chế nhằm khống chế dịch bệnh, qua đó từng bước khôi phục cuộc sống thường nhật của người dân và giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế mà COVID-19 gây ra. 

Cùng với đó, ngày 4-5, Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức từ thiện để gây quỹ 7,5 tỷ euro (khoảng 8,23 tỷ USD) cho hoạt động nghiên cứu vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 cùng thuốc điều trị bệnh COVID-19 trên quy mô toàn cầu.  

Pháp gia hạn 2 tháng tình trạng khẩn cấp y tế

Chính phủ Pháp ngày 4-5 đã quyết định gia hạn thêm 2 tháng, đến ngày 24-7 tới, tình trạng khẩn cấp y tế áp đặt từ ngày 24-3 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Cùng ngày, Bộ Môi trường Pháp cho rằng Pháp cần giảm thiểu nhu cầu đi lại trong các khung giờ cao điểm bằng cách khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện tối đa cho nhân viên làm việc ở nhà kể cả sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc chấm dứt vào ngày 11-5. Theo hướng dẫn của chính phủ, sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ người Pháp sẽ vẫn phải duy trì giới hạn di chuyển trong vòng 100km từ nhà. 

Hiện tại, Pháp có 169.462 ca mắc COVID-19 và 25.201 bệnh nhân đã tử vong.

Cũng trong ngày 4-5, một bệnh viện tại Paris tuyên bố họ phát hiện bằng chứng một bệnh nhân đã nhiễm virus SARS-CoV-2 từ tháng 12-2019. Nếu được xác nhận, virus này có thể đã lây lan ở châu Âu từ tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó, báo cáo đầu tiên về COVID-19 chỉ được đưa ra vào ngày 24-1, với 2 người từng đi qua Vũ Hán.

Tây Ban Nha bước vào giai đoạn 4

Hiện Tây Ban Nha đã bắt đầu bước vào giai đoạn thứ 4 nhằm mở cửa trở lại đất nước vào cuối tháng 6 tới. Từ ngày 4-5, một số cửa hiệu kinh doanh nhỏ như hiệu làm tóc có thể tiếp khách riêng lẻ theo lịch hẹn. Việc đeo khẩu trang trở thành bắt buộc khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nhằm không để dịch bệnh lây lan, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết sẽ phân phát 6 triệu khẩu trang cho người dân. Tây Ban Nha hiện ghi nhận 248.301 ca COVID-19, trong đó có 25.428 ca tử vong.

Cửa hàng tạp hoá tại London, Anh phục vụ khách hàng ngày 2-5. Ảnh: CNN

Italy bắt đầu giai đoạn 2 tình trạng khẩn cấp COVID-19

Trải qua 55 ngày phong tỏa trên toàn quốc, ngày 4-5, Italy chính thức bước vào giai đoạn 2 tình trạng khẩn cấp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giai đoạn "sống chung cùng virus SARS-CoV-2". 

Theo sắc lệnh mới, từ ngày 4-5, người dân Italy có thể di chuyển trong cùng khu vực sinh sống, song vẫn không được phép di chuyển tới các vùng khác ngoại trừ lý do khẩn cấp về sức khỏe hoặc công việc. Các công viên được phép mở cửa trở lại. Các đám tang có thể được tổ chức nhưng tối đa 15 người tham dự. Tất cả các hoạt động tụ tập đông người nơi công cộng và cá nhân đều bị cấm. Yêu cầu đeo khẩu trang là bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng, các cửa hàng, công sở và duy trì khoảng cách an toàn. Sắc lệnh mới cũng nêu rõ trường học sẽ mở cửa trở lại vào tháng 9 tới.

Tính đến 6 giờ ngày 5-5 (theo giờ VN), Italy ghi nhận tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là 211.938 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 29.079 trường hợp và số bệnh nhân hồi phục là 82.879 ca. 

Người dân đeo khẩu trang tại ga đường sắt Cadorna, Milan, Italy ngày 4-5. Ảnh: Reuters

Bỉ cũng đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ ngày 4-5. Các doanh nghiệp có thể mở cửa trở lại dù nhà chức trách vẫn khuyến khích việc làm từ xa. Bên cạnh đó, nước này cũng yêu cầu những người trên 12 tuổi đeo khẩu trang khi đi giao thông công cộng. Một số lớp học sẽ đón học sinh vào ngày 18-5, với tối đa 10 người mỗi lớp. Các nhà hàng chỉ được mở cửa trở lại sớm nhất là ngày từ 8-6.

Bỉ hiện ghi nhận 50.267 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.924 người tử vong. Nhà chức trách nước này đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa khi số ca mắc COVID-19 giảm dần trong những tuần qua.

Từ ngày 4-5, Hy Lạp lần đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế sau 6 tuần triển khai thực hiện. Với quyết định này, khoảng 10% các cơ sở kinh doanh, gồm cửa hiệu làm tóc, cửa hàng sách, cửa hàng hoa được phép hoạt động trở lại. Giai đoạn nới lỏng tiếp theo sẽ được thực hiện từ ngày 11-5 dựa trên các đánh giá của chính phủ về tình hình dịch bệnh thực tế. 

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến ngành du lịch, vốn là nguồn thu ngân sách chính của Hy Lạp. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế nước này sẽ suy giảm 10% trong năm 2020. Trong khi đó, Bộ Tài chính Hy Lạp dự báo con số này là 4,7%, tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp có thể lớn tới gần 20%. 

Tại Thụy Sĩ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngày 4-5, các nghị sĩ nước này đã tập trung tại trung tâm triển lãm lớn ở thủ đô Bern, tiến hành phiên họp đặc biệt về cách thức ứng phó hiệu quả với đại dịch này.

Cũng giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, từ tuần trước, Thụy Sĩ đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế, từng bước khôi phục cuộc sống thường nhật của người dân và giảm thiểu những tác động đối với nền kinh tế. Dự kiến, việc nới lỏng trong tuần tới sẽ được áp dụng đối với các trường học, cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, viện bảo tàng và thư viện. Đến 6 giờ sáng 5-5, Thụy Sĩ đã ghi nhận gần 29.981 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 1.784 ca tử vong. 

Cùng ngày, Bộ Y tế Ukraine cho biết nước này ghi nhận thêm 418 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số người mắc bệnh lên 12.331 người. Trong số này, có 1.619 người khỏi bệnh và 303 ca tử vong. Cũng ngày 4-5, Chính phủ Ukraine đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 22-5 nhằm khống chế dịch COVID-19. Tuy nhiên, từ ngày 11-5, chính phủ sẽ nới lỏng một phần biện pháp này. Cụ thể, các công viên, các khu vui chơi giải trí, một số cửa hàng đồ gia dụng hay dệt may sẽ được mở cửa trở lại. 

Tại Đức, tính đến 6 giờ sáng 5-5 (giờ VN), có 165.940 ca COVID-19, với 276 ca bệnh mới trong 24 giờ qua, trong khi con số tử vong là 6.943 ca, tăng 77 trường hợp.

Nam Mỹ - những "điểm nóng" mới

Brazil - điểm nóng của dịch COVID-19 ở Nam Mỹ, tiếp tục ghi nhận thêm 679 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 101.826 ca, trong đó số ca tử vong là 7.051 ca. Các ca nhiễm mới tiếp tục được ghi nhận tại thiều nước trong khu vực Panama, Ecuador, Honduras,.... song với mức độ lây lan thấp hơn. Brazil là quốc gia Mỹ Latinh chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, với hệ thống bệnh viện, nhà tang lễ và nghĩa trang gần như "sụp đổ" do quá tải trong khi các ca mắc hàng ngày vẫn tăng theo cấp số nhân. 

Tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro, Brazil với diện mạo mới trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: CNN

Trong khi đó, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Mexico chính thức ghi nhận 23.471 ca mắc COVID-19 và trên 2.154 ca tử vong. Tuy nhiên, số liệu từ hệ thống giám sát Sentinel của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được sử dụng tại Mexico kể từ năm 2006, ước tính số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 128.033 ca. 

Tại Trung Đông, Iran và Saudi Arabia là hai nước ghi nhận số ca nhiễm mới ở 4 chữ số. Cụ thể, ngày 4-5 Iran có 1.223 ca nhiễm mới, Saudi Arabia thông báo có 1.625 ca dương tính với SARS-CoV-2. Các nước Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Israel... tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới. 

Ngày 4-5, quan chức cấp cao Bộ Y tế New Zealand, Ashley Bloomfield thông báo nước này lần đầu tiên không ghi nhận thêm ca mắc bệnh COVID-19 nào kể từ ngày 16-3 và chưa đầy một tuần sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhờ tình hình dịch bệnh đã nằm trong tầm quyền soát. Hiện tổng số ca ở New Zealand vẫn là 1.487 ca, trong đó có 20 ca tử vong và 1.76 bệnh nhân đã hồi phục. 

Hàn Quốc ấn định ngày học sinh các cấp trở lại trường 

Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề xã hội kiêm Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Yoo Eun-hye chiều 4-5 đã tổ chức họp báo, công bố kế hoạch cho học sinh các cấp đi học trở lại. Theo đó, sau hơn 2 tháng nghỉ học vì đại dịch COVID-19, học sinh lớp 12 sẽ được trở lại trường đầu tiên vào ngày 13-5 để chuẩn bị ôn thi đại học. Từ ngày 20-5, học sinh các lớp 1, 2, 9, 11 cũng sẽ quay lại trường. Các trường mầm non sẽ mở cửa đón trẻ từ ngày 20-5 tới. Trong giai đoạn tiếp theo, học sinh các lớp 3, 4, 8, 10 sẽ đi học trở lại từ ngày 27-5 và học sinh lớp 5, 6, 7 sẽ bắt đầu đi học từ ngày 1-6.

Ngày 4-5, Hàn Quốc chỉ ghi nhận 8 ca mắc COVID-19, như vậy tổng số ca là 10.801, bao gồm 252 người tử vong, 9.217 người đã hồi phục.

Học sinh tham gia lớp học trực tuyến tại Suwon, Hàn Quốc, ngày 20-4-2020. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp tới ngày 31-5

Ngày 4-5, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc nhằm phòng tránh sự lây lan của dịch COVID-19 tới ngày 31-5, trong bối cảnh có những quan ngại về khả năng hệ thống y tế nước này sẽ quá tải nếu số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng.  

Thủ tướng Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19 ở 7 tỉnh, thành của Nhật Bản ngày 7-4. Hơn 1 tuần sau đó, ngày 16-4, ông đãquyết định mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp ra tất cả 47 tỉnh, thành. Tình trạng khẩn cấp hiện nay dự kiến sẽ hết hạn vào cuối ngày 6-5.

Tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở Nhật Bản hiện là 14.877 người, chưa bao gồm 712 người trên du thuyền Diamond Princess đang neo đậu ở cảng Yokohama, và 487 ca tử vong.

Tại khu vực Đông Nam Á, giới chức Y tế Indonesia cho biết, ngày 4-5 nước này đã ghi nhận 395 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 11.587 người. Ngoài ra, Indonesia có 19 ca tử vong do bệnh này, nâng tổng số ca tử vong lên 864, trong khi cũng có 1.954 bệnh nhân đã hồi phục.

Giới chức y tế Malaysia cùng ngày cho biết, nước này có thêm 55 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở đây lên thành 6.353 người, trong khi số ca tử vong do COVID-19 ở đây vẫn là 105 người.

Bộ Y tế Singapore cũng cho biết, ngày 4-5 đảo quốc sư tử ghi nhận 573 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm virus ở nước này lên thành 18.778 trường hợp.

Trong khi đó, Philippines có 262 ca mắc COVID-19 trong ngày, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 9.485 trường hợp; trong đó có 16 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên thành 623 người.

 Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng trong 18 ngày liên tiếp, duy trì số ca mắc ở 271 trường hợp và 219 người đã hồi phục.

Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) đang chuẩn bị khởi động chiến dịch có tên gọi “Chúng tôi yêu Thái Lan” (We Love Thailand) để kích cầu du lịch nội địa trong trường hợp nước này kiểm soát được dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN phát

Tại Thái Lan, số ca COVID-19 mới ở Thái Lan trở lại mức 2 con số do người nhập cảnh bất hợp pháp. Như vậy đến hết ngày 4-5, Thái Lan có tổng cộng 2.987 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 54 trường hợp tử vong. Đến nay, nước này đã chữa khỏi cho 2.470 bệnh nhân mắc COVID-19, trong khi còn 193 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)