Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019 sẽ vắng một số lãnh đạo thế giới

18/01/2019 - 19:26

Một loạt vấn đề và khủng hoảng trong nước sẽ khiến lãnh đạo của một số quốc gia không thể tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thường niên tại Davos, Thụy Sĩ trong tuần tới, khi diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế và tài chính toàn cầu ảm đạm hơn.


Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ ngày 26-1-2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các tranh chấp thương mại, các quan hệ quốc tế căng thẳng, Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và sự giảm tốc tăng trưởng đang gây lo ngại có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái được cho là những chủ đề thảo luận chính tại sự kiện năm nay. 

Khoảng 3.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ và xã hội dân sự sẽ tham dự sự kiện diễn ra tại khu nghỉ dưỡng của Thụy Sĩ, nhưng trong đó chỉ có ba nhà lãnh đạo các nước trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau lần xuất hiện tại sự kiện năm ngoái đã thông báo hủy kế hoạch tham dự sự kiện năm nay do chính phủ Mỹ vẫn đang đóng cửa một phần. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng không tham gia do đang phải giải quyết các cuộc biểu tình trong phong trào "Áo vàng", trong khi Thủ tướng Anh Theresa May phải dành những nỗ lực để tìm kiếm sự đồng thuận trong vấn đề Brexit.

Trước khi Tổng thống Mỹ hủy kế hoạch tham dự WEF thường niên tại Davos, một quan chức của chính phủ nước này cho biết phái đoàn Mỹ sẽ thảo luận tầm quan trọng của việc cải cách các tổ chức như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. 

Ông Trump đã chỉ trích mạnh mẽ đối với quá trình toàn cầu hóa và xem xét sự tham gia của Mỹ trong các thể chế đa phương như WTO, đồng thời kêu gọi sửa đổi các quy định thương mại quốc tế.

Trong khi đó, một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết ông Abe sẽ tới Davos không chỉ với tư cách Thủ thướng Nhật Bản mà còn với tư cách Chủ tịch Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). 

Theo nguồn tin này, sự kiện năm nay là cơ hội rất tốt để chuẩn bị cho các hội nghị của G20 sắp tới. Nguồn tin này cho rằng mặc dù số lãnh đạo tham dự diễn đàn năm nay ít hơn năm ngoái, qua đó khó có thể diễn ra các cuộc gặp song phương, song điều này sẽ không làm giảm sút tầm quan trọng của WEF.

Còn theo một quan chức Trung Quốc, nhân vật thường tham dự WEF nhưng sẽ vắng mặt tại hội nghị năm nay, cho biết Trung Quốc chưa từng kỳ vọng sẽ đạt tiến triển trong việc giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ tại sự kiện này, mà chỉ coi đây là dịp để đưa ra các tuyên bố chính sách.

Với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, ý nghĩa của WEF không nằm quá nhiều ở các phiên họp công khai mà ở những cơ hội gặp gỡ bên lề phiên họp chính. 

Giám đốc điều hành Precognize, một doanh nghiệp khởi nghiệp về phát triển phần mềm của Israel, Chen Linchevski, cho rằng WEF là địa điểm lý tưởng nhất để đề xuất các ý tưởng, xây dựng các mối quan hệ và quảng bá thương hiệu, và là dịp cho các cuộc gặp gỡ hiếm khi có được.

Theo LÊ MINH (TTXVN/VIETNAM+)