Điển hình tích cực phòng, chống dịch COVID-19

09/12/2021 - 05:50

 - Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Cùng với lực lượng tuyến đầu chống dịch còn có sự đóng góp trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân. Thể hiện tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ” trên mặt trận chống dịch, nhiều cá nhân là gương sáng điển hình, khi không ngại khó khăn, góp những hành động đẹp để phát huy sức mạnh đoàn kết, cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đảm đương trọng trách nơi tuyến đầu, cán bộ, nhân viên y tế luôn tận tụy vì công việc với ý chí vững vàng dù đối mặt với nguy hiểm thường trực. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Phú (tỉnh An Giang) Trần Văn Sang là một trong những người tiêu biểu. Ông Sang được cấp trên đánh giá cao với cách vận dụng linh hoạt, sáng tạo “chiến lược phát hiện, cách ly và khoanh vùng dập dịch” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, lực lượng y tế đã chủ động, nhanh chóng tận dụng khoảng "thời gian vàng..." ngay từ đầu để giám sát, phát hiện, lấy mẫu và cách ly tất cả những trường hợp nghi mắc bệnh trong cộng đồng.

Ngày 3-9, Trung tâm Y tế huyện bị phong tỏa, ông Sang sẵn sàng ở trong khu cách ly của đơn vị để cùng các y, bác sĩ điều hành nhiệm vụ. “Thời điểm đó, khu cách ly của Trung tâm Y tế huyện có khoảng 100 người bệnh và 50 cán bộ, nhân viên. Củng cố lòng tin của đồng nghiệp và người bệnh trong điều kiện bị phong tỏa để vượt qua khó khăn là điều rất cần thiết”- ông Sang chia sẻ.

Vừa lo nhiệm vụ tại chỗ, ông vừa điều hành công tác chống dịch của ngành y tế, như: Truy vết thần tốc, lấy mẫu xét nghiệm toàn dân, tiêm chủng… Ngoài ra, còn điều hành nhân lực thành lập 2 khu dã chiến điều trị COVID-19. Đến nay, huyện An Phú đã điều trị COVID-19 cho 1.630 người, ra viện 1.009 người và chuyển viện 462 người.

Phát huy trách nhiệm, các tầng lớp nhân dân tích cực đóng góp và vận động nguồn lực cùng địa phương phòng, chống dịch COVID-19

Tại huyện miền núi Tri Tôn, trong những ngày cao điểm vừa chống dịch, vừa đón công dân từ các tỉnh trở về quê, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Ba Chúc Hồ Thị Sáu đã vận động giáo viên của trường tham gia đóng góp công sức. Cơ sở vật chất của trường trở thành điểm nấu ăn hỗ trợ UBND thị trấn phục vụ các bữa ăn hàng ngày cho người dân ở 2 khu cách ly tập trung. Không chỉ chu đáo với nhiệm vụ hậu cần, các giáo viên còn tự nguyện đóng góp tiền để mua thực phẩm nấu hàng ngày, đảm bảo dinh dưỡng, thay đổi thực đơn thường xuyên.

Từ đầu tháng 10 đến nay, cô Sáu đã vận động đồng nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 50 triệu đồng để nấu 3.000 suất ăn cho người dân đang cách ly tập trung trên địa bàn thị trấn Ba Chúc, xã Lạc Quới, Lê Trì. Để an toàn và thuận tiện cho các tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch, cô Sáu còn trang bị cơ sở vật chất ngay trong trường làm chỗ nghỉ ngơi.

Những ngày này, cô dành trọn thời gian ban ngày cùng với tất cả giáo viên tham gia hỗ trợ tiêm vaccine trên địa bàn. Kết thúc một ngày tất bật, buổi tối cô tranh thủ vào trường để giải quyết công việc. Những ngày tình nguyện chống dịch của lực lượng giáo viên Trường Mẫu giáo thị trấn Ba Chúc trở nên ý nghĩa và khó quên, một phần trong đó nhờ sự gắn bó, xông xáo và động viên của cô Sáu.

Chung tay cùng địa phương chống dịch, hay tin phát động tình nguyện viên phục vụ các điểm nấu ăn, thầy Nguyễn Tấn Phú (giáo viên Trường Tiểu học “C” Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) liền tham gia. Từ tháng 7-2021 đến nay, thầy Phú phục vụ các công việc tình nguyện theo yêu cầu của huyện và xã, từ hỗ trợ đội test cộng đồng, nấu ăn phục vụ khu cách ly đến chiến dịch tiêm vaccine diện rộng ở các xã.

Trong đó, gần 1 tháng hỗ trợ nấu ăn cho 150 người là F1 tại khu cách ly tập trung của huyện. “Sau thời gian tham gia tổ hậu cần, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỏi tôi có tiếp tục làm được không, bởi đã vào năm học, trong khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp, các nhiệm vụ nhiều hơn… Tôi đáp lời “rất sẵn sàng”, ngày nào có việc ở trường thì tôi xin phép vắng. Bản thân cũng như hầu hết các tình nguyện viên khác mong muốn bằng khả năng đóng góp và tranh thủ thời gian phù hợp để góp chút công sức vào công tác chống dịch” - thầy Phú cho biết.

Để kịp thời biểu dương, ghi nhận sự nhiệt huyết của các cá nhân, tập thể trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang đã xét thành tích đóng góp trong lực lượng cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động. Qua đó, có 5 tập thể và 6 cá nhân được đề xuất nhận bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 7 tập thể và 4 cá nhân nhận bằng khen của UBND tỉnh. Ngoài ra, còn có rất nhiều tổ chức, cá nhân trong thời gian qua tham gia phòng, chống dịch COVID-19 rất tích cực. Chính quyền, các ban, ngành đã biểu dương các điển hình nổi bật nhằm tiếp tục lan tỏa các mô hình, cách làm thiết thực, nhân văn, cổ vũ tinh thần cùng vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

Cùng với cả nước, tỉnh An Giang đã phát huy tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào, cho thấy sự sẻ chia, trách nhiệm của mỗi công dân luôn tỏa sáng đúng lúc. Bằng nhiều cách đóng góp, mỗi người dân đã góp phần nối dài hành trình thiện nguyện để cùng dệt nên câu chuyện đẹp trong phòng, chống dịch COVID-19.

 

MỸ HẠNH