Diện mạo mới Thành phố Châu Đốc 10 năm xây dựng và phát triển

14/02/2024 - 07:32

 - Hơn 10 năm qua, với sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, chỉ trong thời gian ngắn Châu Đốc đã thay đổi diện mạo, nâng cao vị thế. Châu Đốc (tỉnh An Giang) vươn lên trở thành một thành phố năng động, trung tâm du lịch (DL)-thương mại - dịch vụ của tỉnh và cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực.

Vùng kinh tế nhiều tiềm năng

TP. Châu Đốc (được thành lập theo Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về việc thành lập phường Vĩnh Nguơn thuộc TP. Châu Đốc và thành lập TP. Châu Đốc thuộc tỉnh) là đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Toàn bộ địa giới hành chính TP. Châu Đốc gồm 5 phường và 2 xã, với quy mô diện tích tự nhiên 10.558,27ha.

Cầu Châu Đốc

Châu Đốc nằm trong vùng kinh tế cửa khẩu nhiều tiềm năng, có vị trí và điều kiện tự nhiên thích hợp, đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống giao thông thủy (sông Hậu, sông Châu Đốc, kênh Vĩnh Tế...); giao thông bộ (Quốc lộ 91; đường tránh Quốc lộ 91; xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; tuyến đường vòng Công viên văn hóa Núi Sam; Dự án thành phần 1 Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1…) thuận tiện. Châu Đốc là điểm sáng thu hút khách DL, với lượng du khách tăng dần qua từng năm. Đến nay, lượng du khách đến địa phương trên 5 triệu lượt/năm.

Di tích cấp quốc gia núi Sam là quần thể di tích đặc biệt quan trọng của TP. Châu Đốc và của cả nước. Là cơ sở để địa phương triển khai các dự án đầu tư bảo tồn và tôn tạo khu di tích. Đến nay, các dự án bảo tồn, tôn tạo đã phần nào thiết lập về cơ bản không gian di tích, bảo vệ được khu di tích, xây dựng được các hạng mục tôn tạo, phụ trợ phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và giới thiệu di tích.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia núi Sam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2018 Khu di tích núi Sam đã được công nhận là khu du lịch quốc gia.

Diện mạo mới Châu Đốc

Thành phố đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH), xây dựng hệ thống giao thông thông suốt, tăng cường chỉnh trang đô thị, gắn với phát triển đô thị theo hướng văn minh, xanh - sạch - đẹp. Chủ động mời gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư, triển khai các công trình trọng điểm của tỉnh và Trung ương đầu tư trên địa bàn thành phố.

Với nhiều giải pháp quyết liệt, Châu Đốc đạt nhiều thành tựu: Năm 2013 được công nhận là thành phố; năm 2015 trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh; năm 2018 là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 2/2 xã nông thôn mới nâng cao, được phong tặng Huân chương Lao động Hạng 3 về phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Nhiều công trình, dự án quan trọng đã và đang được triển khai giai đoạn 2020 đến nay, như: Công trình hạ tầng xã hội: Trường THCS Nguyễn Trãi; Trường tiểu học Lê Văn Tám; Trường Tiểu học "B" Vĩnh Mỹ; mở rộng chợ Châu Đốc; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia khu vực Bà ngự trên đỉnh núi Sam; Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (điểm chính); Trường Tiểu học Lê Văn Tám (điểm chính); Trường Mẫu giáo Vàng Anh; Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm; Trường Tiểu học Nguyễn Huệ; Trường Mầm non Ánh Dương; cổng chào Khu du lịch quốc gia núi Sam…

Khởi công Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

 Công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật và công trình khác: Nâng cấp cải tạo đường Hoàng Diệu; nâng cấp, cải tạo tuyến đường Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, Nguyễn Hữu Cảnh; Lê Công Thành, Phan Đình Phùng; đường đê Kênh Hòa Bình; cải tạo công viên Chi Lăng, công viên Bạch Đằng; xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; Dự án thành phần 1 thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1…

Cùng với đó, những phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân thành phố được nâng lên. Nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được tổ chức, mừng Đảng, mừng Xuân và kỷ niệm các ngày lễ lớn. Thực hiện chính sách xã hội và công tác đền ơn đáp nghĩa: Chủ động, tập trung, ưu tiên nguồn lực để triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, bảo trợ người yếu thế... Đến nay, Châu Đốc không còn hộ nghèo, 34/36 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 94,4%), cao nhất tỉnh.

Quan điểm, mục tiêu phát triển

TP. Châu Đốc có vị trí, vai trò quan trọng về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Việc xây dựng và phát triển nhanh, bền vững TP. Châu Đốc là nhiệm vụ xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, đồng thời là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh.

Lễ hợp long cầu Châu Đốc 

Phát triển Châu Đốc theo hướng tăng trưởng xanh; xác định DL là ngành kinh tế chủ đạo, phát triển DL tâm linh gắn với bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương. Xây dựng và phát triển TP. Châu Đốc trở thành đô thị DL thông minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước của miền Tây Nam Bộ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nâng cao chất lượng thương mại - dịch vụ, nhất là dịch vụ DL và logistics; xây dựng thành phố trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh, tập trung các nguồn lực phát triển hạ tầng KTXH, để đến năm 2030 Châu Đốc đảm bảo các tiêu chuẩn đô thị loại I. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển kinh tế đảm bảo quốc phòng - an ninh; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nhiều giải pháp tâm huyết

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi: Để hướng tới quan điểm và mục tiêu phát triển trên, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã quyết tâm, triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp đột phá, như: Nhanh chóng triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP. Châu đốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phối hợp các cơ quan, ban, ngành tỉnh thực hiện Quyết định 1369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Châu Đốc đến năm 2050 và lập Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích núi Sam.

Những cung đường xanh, sạch ở TP. Châu Đốc

Qua đó, thu hút nguồn lực lao động từ các vùng lân cận, tạo điều kiện chuyển đổi lao động tại chỗ, tăng dân số cơ học, phát triển đô thị, nâng cao chất lượng đời sống người dân thành phố. Đồng thời, xây dựng quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị theo đúng quy hoạch, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng KTXH, gắn với chỉnh trang đô thị, từng bước xây dựng đô thị DL thông minh, hiện đại.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang kỳ vọng: “Đảng bộ TP. Châu Đốc cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, khai thác triệt để các nguồn lực và lợi thế so sánh, nhằm tạo ra sức bật mới trên tất cả các lĩnh vực. Cả hệ thống chính trị của Châu Đốc phải đồng loạt vào cuộc, với tinh thần tiến công quyết liệt. Có như vậy mới biến nghị quyết thành hiện thực. Với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, cùng sự hỗ trợ của tỉnh, tin tưởng Đảng bộ, Nhân dân thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra”.

HẠNH CHÂU