Điều chỉnh giá điện có tác động tới chính sách kích cầu tiêu dùng?

24/11/2023 - 08:48

Không ít ý kiến băn khoăn, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ có tác động ra sao tới mục tiêu kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cũng như chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã trả lời báo giới xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: TH

Thưa ông, mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với mức tăng 4,5%. Việc tăng giá điện sẽ làm giảm chi tiêu của người dân, trong khi Chính phủ đang thực thi chính sách kích cầu tiêu dùng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Điện là mặt hàng chiến lược, do Nhà nước quản lý giá. Nhà nước, cũng như ngành Điện, áp dụng chính sách giá điện bậc thang phù hợp với các nhóm dân cư, hướng tới bảo vệ và hỗ trợ người có thu nhập thấp khi điều chỉnh giá điện; đồng thời khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm; càng sử dụng nhiều, giá điện càng cao.

Giá bán lẻ điện bình quân hiện được chia thành 6 nhóm, theo mức tiêu thụ điện của các hộ dân cư. Hộ dân có thu nhập thấp, mức tiêu thụ điện ít được hưởng giá bán lẻ điện thấp hơn mức giá bình quân chung. Giá bán lẻ điện được tính lũy tiến, với chính sách giá bậc thang, theo lượng điện tiêu thụ, phù hợp với mức thu nhập của các hộ dân cư nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. 

Ví dụ, theo giá điện mới: Hộ dân sử dụng dưới 50 kWh/tháng, giá điện phải thanh toán là 1.806 đồng/kwh; hộ dân sử dụng từ 51 - 100 kWh/tháng, giá điện phải thanh toán là 1.866 đồng/kwh; hộ dân sử dụng từ 301 - 400 kWh/tháng, giá điện phải thanh toán là 3.050 đồng/kWh.

Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện ngày 8/11 vừa qua, những hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng không đáng kể, vì mức chi phí chỉ tăng thêm 3.900 đồng/tháng đối với hộ sử dụng dưới 50 kwh/tháng; tăng thêm 7.900 đồng/tháng đối với hộ sử dụng 100 kwh/tháng; ngay cả những hộ có mức sử dụng điện cao với 400 kwh/tháng cũng chi trả thêm 42.000 đồng/tháng. 

Như vậy, việc chi trả thêm cho tiền điện khi giá điện tăng 4,5% không ảnh hưởng tới quyết định chi tiêu cho các mục đích tiêu dùng khác của hộ gia đình. Việc tăng giá điện hầu như không có tác động ngược tới chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ.

Ngày 4/5, EVN đã tăng 3% giá bán lẻ điện bình quân; ngày 8/11, Tập đoàn này lại điều chỉnh tăng 4,5%. Trong năm 2023, EVN đã hai lần tăng giá điện với tổng mức tăng 7,5%. Việc tăng giá điện thời gian qua có đúng thời điểm và tác động thế nào tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thưa ông?

Tỷ trọng chi cho tiêu dùng điện trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 3,31%. Khi giá bán lẻ điện bình quân tăng 10% sẽ tác động làm lạm phát của nền kinh tế (chỉ số CPI) tăng 0,331 điểm phần trăm. 

Việc EVN tăng 4,5% giá bán lẻ điện bình quân vừa qua sẽ tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,15 điểm phần trăm.

Hiện lạm phát của nền kinh tế bình quân 10 tháng năm 2023 chỉ ở mức 3,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 4,5% của năm 2023. Với sự chủ động chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tiêu dùng cuối cùng cho tháng cuối năm, cùng với chính sách khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng, việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ không ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm nay.

Giá điện tăng sẽ tác động làm tăng lạm phát và giảm tăng trưởng của nền kinh tế. Vào thời điểm sắp hết năm, khi bức tranh lạm phát và tăng trưởng kinh tế cả năm đã khá rõ nét, lúc này là thời điểm để các nhà quản lý đưa ra quyết định có điều chỉnh giá các mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý hay không, thưa ông?

Chú thích ảnh

Công nhân Công ty Truyền tải điện kiểm tra thiết bị TBA 220 kV Xuân Mai. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN 

Như tôi đề cập ở trên, chỉ số CPI bình quân 10 tháng năm nay chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, vì vậy ngày 8/11/2023, EVN điều chỉnh tăng 4,5% giá bán lẻ điện bình quân là đúng thời điểm.

Điện là mặt hàng nhiên liệu quan trọng không chỉ trong tiêu dùng mà được sử dụng trong gần như tất cả các ngành, các hoạt động sản xuất. Tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hệ quả tất yếu làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Với công nghệ sản xuất hiện nay của nền kinh tế, nếu giá điện tăng 10% làm GDP giảm 0,45 điểm phần trăm. Qua hai lần EVN tăng giá điện với tổng mức tăng 7,5% sẽ tác động làm GDP giảm 0,33 điểm phần trăm. Tuy vậy, tác động làm giảm tăng trưởng diễn ra khi nền kinh tế vận hành trong điều kiện bình thường. Thực tế trong năm nay, doanh nghiệp thiếu vắng đơn hàng, nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu nên việc tăng giá điện có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nhưng không nhiều đến mức làm GDP giảm 0,33 điểm phần trăm.

Theo Bộ Công Thương, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 tăng 9,27% so với năm 2021. Ông dự báo, liệu giá bán lẻ điện sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới?

Đầu năm 2022, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, châu Âu đang chờ đón viễn cảnh một mùa đông khắc nghiệt; đồng thời lo ngại cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ diễn ra nên giá nguyên nhiên liệu đầu vào của sản xuất nhiệt điện trên thị trường thế giới tăng cao đã tác động rất mạnh đến giá thành sản xuất điện trong nước. Chẳng hạn, trong năm 2022, giá than dùng cho sản xuất điện tăng 264% và giá xăng dầu tăng 143% so với năm 2021. Cuối tháng 3 năm nay, Bộ Công Thương công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN tăng 9,27% so với năm 2021.

Năm 2023, giá các mặt hàng thế giới có xu hướng giảm. Trong 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, giá than giảm 52,05%; giá khí tự nhiên giảm 64,79%; giá dầu thô giảm 18,78% sẽ làm giảm giá thành sản xuất nhiệt điện từ than, khí và dầu trong nước.

Điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch của Việt Nam chiếm khoảng 43% tổng sản lượng điện của nền kinh tế. Khi giá than, khí tự nhiên và giá dầu thô giảm làm cho giá thành điện sản xuất từ nhiên liệu hoá thạch giảm, kéo theo giá bán lẻ điện bình quân giảm so với năm 2022.

Bộ Công Thương đang xin ý kiến các Bộ, ngành để trình Chính phủ dự thảo Quyết định Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo quyết định đề xuất giảm thời gian điều chỉnh giá điện, trao quyền cho EVN điều chỉnh giá bán điện đối với biên độ giảm giá bán lẻ điện từ 1% trở lên, tăng giá bán lẻ điện từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá. Đây là giải pháp xoá bỏ bất cập về giá bán lẻ điện hiện nay, dần hướng giá điện vận hành theo cơ chế thị trường cạnh tranh, có tăng, có giảm, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, EVN phải căn cứ vào giá thành sản xuất điện thực tế, hợp lý để quyết định tăng hay giảm giá bán lẻ điện. Khi giá nguyên liệu đầu vào dùng cho sản xuất điện giảm, EVN không có lý gì để tiếp tục tăng giá điện trong thời gian tới.

Theo ông, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các hộ dân cư cần có những giải pháp gì để đảm bảo đủ điện với giá ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội?

Điện là mặt hàng chiến lược đặc biệt quan trọng của nền kinh tế. Nhu cầu sử dụng điện luôn tăng, đặt ngành Điện vào tình trạng cung không đủ cầu. Tình trạng này sẽ ngày càng gay gắt nếu giá bán lẻ điện thấp hơn giá thành sản xuất, ngành Điện bị thua lỗ, không đủ nguồn tài chính để đầu tư mở rộng năng lực sản xuất; không thu hút được nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất, truyền tải và cung ứng điện.

Vừa qua tình trạng thiếu điện do đợt nắng nóng và ngành Điện không chủ động, chuẩn bị cung ứng đủ điện đã gây thêm khó khăn cho nền kinh tế, kìm hãm tăng trưởng. Hạn chế đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền tải và lưới điện trong thời gian qua là minh chứng về việc chúng ta đang tự huỷ hoại tiềm năng tăng trưởng của đất nước. Ngân hàng Thế giới ước tính kinh tế Việt Nam bị thiệt hại khoảng 0,3% GDP, tương đương 1,4 tỷ USD do thiếu điện trong đợt nắng nóng cuối tháng 5 đến giữa tháng 6/2023.

Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng Luật Điện lực sửa đổi để hoàn thiện chính sách về quy hoạch, đầu tư, điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, xử lý các vướng mắc, thể chế hóa cơ chế phát triển, tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; tách bạch vai trò quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách, giải pháp để giá điện dần vận hành theo cơ chế thị trường. Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam: 

Để bảo đảm điện cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đưa ra “Không để thiếu điện trong năm 2024”, phải khai thác tốt nhất các nguồn điện có sẵn như thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời; đặc biệt gỡ nhanh các vướng mắc trong mua bán điện đối với nguồn điện tái tạo.

Muốn vậy, phải đưa giá điện về sát thực tế. Các chi phí đầu vào đã qua kiểm toán, kiểm soát tăng, buộc chúng ta phải điều chỉnh cho tăng giá điện mới bảo đảm tính ổn định được. Nếu tính giá thành sản xuất điện đầu vào đang tăng so giá hiện hành là 9,2% (tương đương khoảng 178 đồng/kWh), nhưng để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động đến hoạt động sản xuất của nhiều ngành nghề và đời sống người dân, mức tăng là 4,5%, tương đương tăng 86 đồng/kWh.

Việc "mua cao bán thấp" đang tạo áp lực cho ngành Điện dẫn đến thua lỗ kéo dài. Chậm điều chỉnh giá điện về sát thực tế gây khó khăn về nhiều mặt. Giá điện thấp cũng có thể cho rằng, điều này tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống người dân nhưng khi đầu vào không thực, sản phẩm đầu ra sẽ không phản ánh đúng giá trị thị trường.

 

Minh Phương/Báo Tin tức (ghi)