Điều chỉnh lương hưu cho những người có lương hưu thấp

13/12/2021 - 08:22

Tôi được biết, từ đầu năm 2022, Nhà nước sẽ thực hiện điều chỉnh tăng thêm 7,4% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trong đó, những trường hợp nghỉ hưu trước năm 1995 có lương hưu thấp sẽ được điều chỉnh hai lần. Xin hỏi, việc điều chỉnh cho nhóm đối tượng này cụ thể thế nào?

Tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, đúng quy định sẽ có lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế miễn phí lúc về già (Ảnh minh họa).

Nguyễn Văn Hòa (Bắc Giang)

Trả lời:

Vấn đề bạn đọc hỏi được quy định cụ thể tại Nghị định 108/NĐ-CP ngày 7/12/2021 của Chính phủ.

Theo đó, từ ngày 1/1/2022, sẽ điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.

Riêng với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm cụ thể như sau: Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.

Điều kiện để người lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề

Theo quy định hiện hành, để được hỗ trợ học nghề, người lao động thất nghiệp cần có điều kiện gì? Thủ tục hưởng chế độ này gồm những gì?

Trần Thanh Vân (Thái Nguyên)

Trả lời:

Điều 55 Luật Việc làm quy định, người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 49 của Luật này. Cụ thể là:

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định;

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Về thủ tục để hưởng chế độ hỗ trợ học nghề:

- Đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, hồ sơ nộp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định;

- Đối với người thất nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên, nhưng không thuộc diện hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì hồ sơ nộp cho trung tâm dịch vụ việc làm địa phương nơi người lao động có nhu cầu học nghề. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định; bản chính hoặc bản sao chứng thực quyết định chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn; quyết định thôi việc; quyết định sa thải; quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc thông báo chấm dứt hợp đồng lao động; sổ bảo hiểm xã hội.

Theo Nhân Dân