Do Trái đất nơi chúng ta đang sống có dạng khối cầu nên mọi điểm trên bề mặt Trái đất đều có lực hấp dẫn giống nhau. Nếu Trái đất là một khối hộp với 6 mặt hình vuông thì chắc chắn lực hấp dẫn trên các vị trí sẽ khác nhau rất nhiều.
Điều đầu tiên xảy ra là nước sẽ bị hút về trung tâm của mỗi mặt hình vuông. Do đây là điểm gần tâm Trái đất nhất nên có lực hấp dẫn lớn nhất. Tại đây hầu hết sẽ là đại dương.
Ngược lại, tại các cạnh rìa của khối vuông sẽ rất cằn cỗi; sinh vật và cây cối không thể phát triển được. Bầu khí quyển tại các cạnh và đỉnh cũng mỏng hoặc không tồn tại, chắc chắn sẽ không thể hỗ trợ được cho sự sống.
Sẽ ra sao nếu Trái đất lại có dạng hình vuông?
Ngoài ra, khí hậu của Trái đất còn phụ thuộc vào việc nó quay quanh trục và quanh mặt trời như thế nào. Ở Trái đất dạng hình cầu, sẽ chỉ có một trục duy nhất đi từ cực Bắc đến cực Nam. Nhưng với Trái đất hình hộp vuông, mọi thứ lại không đơn giản như thế.
Nếu trục Trái đất đi xuyên qua trung tâm của hai mặt vuông, khí hậu sẽ khá giống như khi Trái đất hình cầu. Hai mặt trên và dưới sẽ là khí hậu địa cực lạnh lẽo, băng tuyết quanh năm. Bốn mặt còn lại sẽ là khí hậu xích đạo khô nóng.
Nếu trục Trái đất đi xuyên qua hai đỉnh đối diện, chúng ta sẽ phải tạm biệt với mùa đông và các cơn mưa tuyết. Toàn bộ Trái đất sẽ được Mặt trời thay phiên chiếu rọi và chỉ còn khí hậu xích đạo và cận xích đạo mà thôi.
Tại trung tâm mỗi mặt vuông, trọng trường sẽ như ở Trái đất hình cầu là 1G. Tuy nhiên khi ra đến các cạnh, trọng lực sẽ chỉ còn khoảng 0,64G mà thôi. Điều đó có nghĩa, nếu bạn nặng 70kg ở trung tâm mặt vuông, khi ra đến rìa, bạn sẽ chỉ còn gần 50kg.
Tóm lại, một hành tinh hình hộp vuông sẽ chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người. Dù vũ trụ là bao la và còn nhiều thứ chưa được khám phá, nhưng các hành tinh vẫn tuân theo định luật vật lý chung. Một hành tinh hình hộp vuông là đi ngược lại định luật và không thể tìm thấy trong thực tế.
Theo TRƯỜNG GIANG (Vietnamnet)