Đình Mỹ Phước nằm ngay trung tâm TP. Long Xuyên, phía Đông giáp đường Nguyễn Huệ, phía Tây giáp đường Phan Chu Trinh, phía Nam giáp đường Hai Bà Trưng và phía Bắc giáp đường Lê Minh Ngươn.
Đình tọa lạc trong khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, với diện tích 3.620m2.
Khi mới hình thành, đình Mỹ Phước thuộc thôn Mỹ Phước, tổng định Mỹ Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên (tỉnh An Giang). Từ năm 1917-1956, đình thuộc xã Mỹ Phước, tổng Định Phước, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Từ năm 1957-1974, đình Mỹ Phước, thuộc xã Mỹ Phước, tổng Định Phước, quận Châu Thành (tỉnh An Giang). Từ năm 1975-1998, đình thuộc phường Mỹ Long, TX. Long Xuyên (nay là TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Là người gắn bó với ngôi đình đã nhiều năm, ông Nguyễn Bá Vinh (75 tuổi, Trưởng ban Quý tế đình Mỹ Phước) nắm rõ về lịch sử, đặc điểm, nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng… liên quan đến di tích.
Ông Nguyễn Bá Vinh kể: “Theo địa bạ triều Nguyễn năm 1836, thôn Mỹ Phước là trung tâm thương mại của tỉnh An Giang lúc bấy giờ. Đình Mỹ Phước cũng được dựng lên sau khi thôn này được thành lập. Cũng như bao nhiêu ngôi đình khác, lần đầu, đình được dựng lên bằng vật liệu tre, lá trên nền đất đơn sơ.
Đến năm 1889, đình được xây lại bằng gạch, mái lợp ngói, cột căm xe, vách ván. Từ đó đến nay, đình được tu bổ, sửa chữa nhiều lần, nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc ban đầu. Trong đó, năm 1903, đình được lót gạch tàu, tường xây gạch tô hợp chất hồ vôi ô dước. Năm 1990, xây hàng rào xung quanh và năm 1998, đình Mỹ Phước tiến hành đại tu”.
Đình Mỹ Phước là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, với 4 bộ nóc. Mái lợp ngói đại tiểu, trang trí nội, ngoại thất đẹp, với nhiều chủ đề truyền thống dân gian, như: Bát tiên, lưỡng long, chim phụng, cá hóa rồng… được kết hợp bởi nhiều chất liệu, màu sắc.
Đình Mỹ Phước thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, được vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) ban sắc phong. Đình còn là nơi thờ vọng vị khai quốc công thần Nguyễn Hữu Cảnh có công di dân, lập ấp, giữ yên vùng đất Nam Bộ nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.
Đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa- nghệ thuật tiêu biểu, như: Sắc phong thần (vua Tự Đức phong sắc năm 1952), bức hoành phi bằng gỗ chạm khắc tinh xảo, cặp hạc cưỡi quy cao 150cm…
Ngày 26/6/1995, đình Mỹ Phước được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Ông Võ Văn Lớn (81 tuổi, trông nom việc thờ cúng trong đình) cho biết: “Tôi gắn bó với ngôi đình mười mấy năm. Người dân, du khách thường đến đây đông nhất vào ngày rằm hàng tháng và nhất là những ngày tổ chức lễ cúng, như: Lễ Kỳ yên (ngày 10, 11 và 12/5 âm lịch), lễ Lạp miếu (ngày 11, 12/12 âm lịch), lễ Vía thần thị (ngày 19 và 20/5), lễ Khai sơn (ngày 10/1 âm lịch)… Các lễ cúng vẫn giữ nguyên theo nghi thức truyền thống.
Nằm ngay trung tâm thành phố, đình Mỹ Phước đã góp phần kiến tạo nên tính độc đáo trong tổng quan môi trường đô thị; một nơi hấp dẫn du khách muốn khám phá nét cổ xưa. Đây cũng là nơi để các nhà nghiên cứu tìm hiểu giá trị kiến trúc nghệ thuật, văn hóa dân gian của người dân An Giang trong những ngày đầu tạo dựng vùng đất mới phương Nam Tổ quốc.
Trải qua bao năm tháng thăng trầm, đình Mỹ Phước được bảo quản, gìn giữ, phát huy giá trị một cách tốt nhất. Ngôi đình luôn toát lên vẻ khang trang, đậm nét uy nghiêm cổ kính giữa lòng đô thị Long Xuyên phát triển, sầm uất.
THU THẢO