Theo Nghị quyết 96/NQ-QH15, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng ban của HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch, các ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Theo danh sách Thường trực HĐND tỉnh trình, có 27 người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp cuối năm 2023 của HĐND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cụ thể, 7 nhân sự thuộc HĐND tỉnh, 20 nhân sự thuộc UBND tỉnh.
Trước khi diễn ra kỳ họp cuối năm 2023 của HĐND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tham gia lấy ý kiến góp ý đối với 27 nhân sự này. Việc tổ chức góp ý được thực hiện thông qua nhiều hình thức. Trong đó, ở cấp tỉnh, lãnh đạo các tổ chức thành viên UBMTTQVN tỉnh, chủ tịch UBMTTQVN cấp huyện, lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh cùng tham dự hội nghị góp ý.
Ở cấp huyện, ban thường trực UBMTTQVN chủ trì tổ chức hội nghị góp ý; tập hợp ý kiến cử tri và Nhân dân thông qua công tác tiếp xúc cử tri, tiếp dân, hoạt động thường xuyên. Ngoài ra, 5 đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tổ chức hội nghị ban thường vụ mở rộng để đóng góp ý kiến.
Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu hoặc phê chuẩn do UBMTTQVN tỉnh tổ chức
Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Trương Hoàng Trọng đề nghị: “Cần tập trung góp ý 2 nội dung lớn cho từng người được lấy phiếu tín nhiệm. Thứ nhất, về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Đó là về lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ Nhân dân; việc thực hiện những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm và trách nhiệm nêu gương…
Thứ hai, về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Nội dung này rất rộng, bao gồm kết quả công tác lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; kết quả lãnh, chỉ đạo về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí; thanh, kiểm tra, giám sát; số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.
Đặc biệt, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, chất vấn của HĐND, các Ban HĐND tỉnh; kết quả công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; kết quả thực hiện cam kết, vấn đề đã hứa (nếu có)”.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị do UBMTTQVN tỉnh tổ chức, đại biểu đề nghị người được lấy phiếu tín nhiệm nên bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo theo mẫu, tránh bỏ sót nội dung quy định; chú trọng mối quan hệ giữa gia đình người giữ chức vụ với địa bàn dân cư; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cá nhân này, đặc biệt là người giữ chức vụ cao.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang Nguyễn Thị Kim Chi chia sẻ: “Thời gian qua, lãnh đạo sở, ngành đã cùng UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp phục hồi sản xuất - kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Đây là điều rất đáng trân trọng, ghi nhận. Tuy nhiên, chúng tôi mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa đến doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, giúp các doanh nghiệp phát triển tốt. Các cơ quan, ban, ngành tỉnh cần sâu sát, lắng nghe ý kiến ở cơ sở, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tích cực hơn”.
Có 3 nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được Quốc hội đề ra. Đầu tiên, phải bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; bảo đảm quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Cùng với đó là dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh An Giang Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: “Việc góp ý cho các nhân sự cần được thực hiện khách quan, thận trọng, vì khá nhạy cảm. Mặt khác, cần đánh giá toàn diện vai trò của cá nhân đó trong mối tương quan lãnh, chỉ đạo của tập thể”.
Bước góp ý trước khi chính thức lấy phiếu tín nhiệm nhằm phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên, trong hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; làm tài liệu nghiên cứu giúp đại biểu HĐND tỉnh có cơ sở tham gia lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm.
Nhờ vậy, kết quả lấy phiếu tín nhiệm càng thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của HĐND đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của người được lấy phiếu tín nhiệm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
HĐND lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín, bằng các mức độ: “Tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Chậm nhất là 3 ngày kể từ lúc nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm, nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được thông qua, kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân biết.
|
GIA KHÁNH