Nhiều điểm sáng
Ông Hồng Phong, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu (Petrolimex) An Giang phấn khởi: “Năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh chuyển biến tích cực. Các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế được thực hiện khá toàn diện, góp phần ổn định đời sống Nhân dân và thúc đẩy SXKD phát triển.
Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng, tác động tích cực đến việc tiêu thụ sản phẩm xăng, dầu và sản phẩm dịch vụ ngoài xăng dầu của Petrolimex. Kết quả SXKD của Petrolimex An Giang thể hiện rõ qua tổng sản lượng xăng, dầu xuất bán ước đạt 111% kế hoạch. Tổng doanh thu ước đạt 2.101 tỷ đồng (đạt 149% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế hơn 10 tỷ đồng (đạt 193% kế hoạch), nộp ngân sách 201 tỷ đồng (bằng 110% kế hoạch)”.
Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của Petrolimex - một DN Nhà nước - trong công tác bình ổn thị trường qua những lần khan hiếm nguồn cung đã tạo thêm niềm tin; phát huy hình ảnh, uy tín, thương hiệu, góp phần thu hút nhiều khách hàng mới, nhất là khách hàng bán lẻ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Cũng chủ động vượt khó, tăng tốc về đích năm 2023, kết quả kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Hoàng Minh cho biết: “Công ty đã phát triển vượt bậc về hoạt động SXKD, dù phải đối diện với nhiều thách thức, như: Môi trường cạnh tranh gay gắt, chi phí tăng cao... Tính đến ngày 25/12/2023, sản lượng sản xuất ước đạt 18 tấn (đạt 95,6% kế hoạch), doanh thu 685 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế 25 tỷ đồng, nộp ngân sách 4,2 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 25 triệu USD (đạt 100% kế hoạch). Tuy nhiên, lạm phát khiến mức tiêu thụ của người dân không được cao. Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường xuất khẩu tác động, lợi nhuận chỉ đạt 70% đề ra”.
Chế biến rau quả xuất khẩu
Tuy nhiên, với sự năng động, dày kinh nghiệm, biến nguy thành cơ, biến thách thức thành cơ hội, Công ty Antesco duy trì ổn định thị trường chính (Châu Âu, Châu Mỹ); tìm kiếm khách hàng tiềm năng, đẩy mạnh hợp tác cung ứng xuất khẩu. Cùng với đó, phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo ổn định số lượng và chất lượng, đáp ứng khả năng sản xuất, nhu cầu thị trường. Đồng thời, phát triển thị trường nội địa, cải tiến sản xuất, đa dạng sản phẩm, đẩy mạnh kênh bán hàng online...
Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao, thị trường gặp khó khăn, sức tiêu thụ giảm... kết quả SXKD của nhiều DN không được như kỳ vọng. Song, đó vẫn thể hiện nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, người lao động trong chiến lược đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi phương thức quản lý, linh hoạt trong phương thức bán hàng, nhằm củng cố, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Kỳ vọng năm mới
Từ cuối năm 2022 đến nay, DN chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ cuộc khủng hoảng suy giảm tiêu dùng toàn cầu, dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm; hàng hóa, đơn hàng giảm, hàng tồn kho tăng. DN còn vướng trở ngại từ cơ chế, chính sách... Nhiều DN không đạt doanh thu, lợi nhuận, thậm chí kiệt quệ sau đại dịch COVID-19. Trước tình hình đó, DN buộc phải cắt giảm quy mô SXKD, cắt giảm lao động.
Đơn cử như ngành hàng cá tra, đa phần nhà bán lẻ ở các thị trường chính có xu hướng giảm nhập khẩu để giảm lượng tồn kho, tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Ước năm 2023, sản lượng cả nước khoảng 1,6 triệu tấn (tương đương cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25% so năm 2022. Mặc dù các bộ, ngành Trung ương, địa phương, DN, hiệp hội ngành hàng nỗ lực giải quyết khó khăn, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam đều có xu hướng giảm, DN thủy sản An Giang cũng bị ảnh hưởng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đà lạm phát toàn cầu đang được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng có khả năng sẽ hồi phục từ quý II/2024. Dự báo sản lượng cá tra năm 2024 sẽ tăng 2,8% so năm 2023. Cùng với sự phục hồi nhập khẩu cá tra của thị trường Trung Quốc, Liên minh Châu Âu EU, Nam Mỹ, Đức và Anh là những tín hiệu tích cực.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các DN đang thiết lập thị trường nhập khẩu ổn định, chủ động xây dựng chuỗi liên kết, thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn từ thị trường nhập khẩu để có đối sách trong xây dựng nguồn nguyên liệu, chế biến, đóng gói xuất khẩu, bảo đảm sự phát triển bền vững. Nhiều DN chủ động đón đầu xu hướng phục hồi của thị trường. “Định hướng năm 2024, Antesco tự tin khai thác các thị trường chiến lược (Hoa Kỳ, Nhật Bản) để đột phá doanh số, từng bước tiến vào thị trường Trung Đông. Doanh số dự kiến tăng trưởng trên 20%...”- ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết.
Mỗi DN cần có sự linh hoạt, sáng tạo tìm ra giải pháp phù hợp để vượt khó, đảm bảo duy trì, thúc đẩy SXKD. Kỳ vọng, năm 2024 sẽ có thêm nhiều điểm sáng để DN phục hồi, phát triển.
HẠNH CHÂU