Petrolimex An Giang đảm bảo nguồn cung xăng, dầu trong mọi thời điểm
Nỗ lực vượt khó
Là DN sản xuất - kinh doanh (SXKD), xuất khẩu rau quả lớn của tỉnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ, năm 2022, Công ty Antesco đã phát triển vượt bậc về hoạt động SXKD dù phải đối diện với nhiều thách thức, như: Môi trường cạnh tranh gay gắt, chi phí tăng cao. Kết quả kinh doanh năm 2022 đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt và vượt gần gấp 3 lần so cùng kỳ năm 2021.
Tổng sản lượng sản xuất đạt 17.582 tấn, tăng 20,46% so cùng kỳ; tổng sản lượng tiêu thụ đạt 15.888 tấn, tăng 11,82% so cùng kỳ. Tổng doanh thu và thu nhập khác 594,32 tỷ đồng, tăng 18,04% so cùng kỳ. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 21,64 triệu USD, vượt 25,82% so kế hoạch và tăng 16,37% so cùng kỳ. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 35,21 tỷ đồng, vượt 143,04% kế hoạch và vượt 265,76% so cùng kỳ.
Năm 2023, Công ty Antesco phấn đấu sản lượng tiêu thụ 19.321 tấn, doanh thu 680 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 42 tỷ đồng. Trong bối cảnh còn khá nhiều khó khăn thách thức, công ty nỗ lực duy trì, tìm kiếm thị trường. Doanh số đầu năm 2023 đến nay, Antesco đạt 520 tỷ đồng/680 tỷ đồng chỉ tiêu của năm; vượt 20% so cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận 15 tỷ đồng; vùng nguyên liệu An Giang chiếm 80%. Các sản phẩm tiêu thụ chủ lực: Bắp non, đậu nành rau, xoài, thanh long. Thị trường xuất khẩu, gồm: Mỹ 50%, Châu Âu 40%, Châu Á 10%.
Xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu. Hơn 2 năm qua, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Công ty TNHH MTV Xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) chịu ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19, giá xăng, dầu thế giới diễn biến phức tạp, chuyển trạng thái nhanh với biên độ lớn, nhiều thời điểm nguồn cung khan hiếm cục bộ. Sau đại dịch, tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, nhất là xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina càng gây khủng hoảng nguồn cung xăng dầu trên thế giới.
Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 20 - 30% lượng xăng, dầu thành phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, tình trạng điều hành thị trường xăng, dầu trong nước đối mặt với nhiều tình huống bất cập, dẫn đến tình trạng một số DN thiếu nguồn cung hoặc chủ động tạm dừng bán hàng để giảm lỗ, gây ra tình trạng người tiêu dùng dồn về mua hàng tại Petrolimex, càng gây áp lực nặng nề về nguồn cung, trong đó có Petrolimex An Giang.
Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu An Giang Hồng Phong chia sẻ, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với vai trò là đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ đạo của Nhà nước, Petrolimex An Giang đã phát huy trách nhiệm, lãnh, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, xăng dầu xuất bán đạt mức tăng trưởng bình quân (11%/năm). Đặc biệt, đảm bảo nguồn cung xăng dầu; bảo đảm việc làm, với thu nhập bình quân 18,7 triệu đồng/người/tháng.
Kinh tế trong nước bị ảnh hưởng hậu đại dịch COVID-19, giá nhiên liệu tăng đột biến, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất ngân hàng tăng cao. Thế nhưng, từ năm 2020 đến nay, Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang đã lãnh đạo thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Doanh thu 5.466 tỷ đồng (đạt 52,51%), lợi nhuận 476,5 tỷ đồng (đạt 53,05%), nộp ngân sách 590 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2023, công ty đạt doanh thu 780 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 68 tỷ đồng, nộp ngân sách 70 tỷ đồng, lương bình quân 8,8 triệu đồng/người/tháng” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang Quách Trọng Dung cho biết.
Kỳ vọng phục hồi và phát triển
Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ, thị trường tiêu thụ cạnh tranh rất khốc liệt, do ảnh hưởng lạm phát và chiến tranh Nga - Ukraina. Lợi nhuận rất khó khăn trong cạnh tranh các nước hoặc DN cùng ngành phải “chiến đấu” để tồn tại. Antesco vẫn duy trì mức phát triển và đảm bảo đời sống công nhân; tăng 10% lượng công nhân mới. Đẩy mạnh phát triển thị trường, khách hàng. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới, phát triển vùng nguyên liệu.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều chính sách hỗ trợ DN đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát gia tăng, tác động trực tiếp đến SXKD. Trong bối cảnh này, các chuyên kinh tế khuyến nghị việc tiếp tục tháo bỏ những nút thắt, hỗ trợ DN là việc cấp bách. Các ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, có những giải pháp mang tính đột phá, vận dụng chính sách thực sự phù hợp, hiệu quả để hỗ trợ DN. Các DN cần nỗ lực hết mình, linh hoạt đẩy mạnh hoạt động SXKD, phục hồi nhanh và bền vững.
Để các DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững cả về số lượng, chất lượng, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, chính quyền địa phương tập trung thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, như: Hỗ trợ khởi nghiệp, thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường, tiếp cận tín dụng, công nghệ, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị… Qua đó, giúp DN chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động SXKD, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
HẠNH CHÂU