Doanh nghiệp chia sẻ khó khăn và “giữ chân” người lao động

11/07/2023 - 06:58

 - Bên cạnh sự quan tâm, chăm lo, chia sẻ của chính quyền địa phương các cấp, giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng có nhiều cách hỗ trợ, sắp xếp tổ chức để người lao động (NLĐ) tiếp tục gắn bó tại công ty. Mỗi nơi một cách làm, dù ít hay nhiều đều thể hiện trách nhiệm của chủ sử dụng lao động và mong muốn sự đồng cảm, chia sẻ khó khăn của NLĐ để cùng “vượt dốc”.

Từ khi hoạt động trên địa bàn tỉnh đến nay, Công ty TNHH NV Apparel chi nhánh tại Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Hòa) nỗ lực là “điểm sáng” chăm lo cho NLĐ. Ông Prakob Bordindechdecho (Giám đốc công ty) cho biết, nhờ các chính sách chăm lo cho NLĐ, luôn tuân thủ theo pháp luật hiện hành và quy định riêng của khách hàng, DN ngày càng mở rộng chi nhánh và là một trong những đối tác lớn của Nike. Vì vậy, đơn hàng cho nhà máy luôn ổn định, không bị cắt giảm, đảm bảo việc làm cho NLĐ của tất cả các chi nhánh, trong đó có chi nhánh ở Việt Nam. Bộ luật Lao động 2019 không quy định bắt buộc về thang lương cách nhau mỗi bậc 5%, nhưng công ty vẫn giữ nguyên các bậc lương và cách nhau 5%, đảm bảo chế độ thâm niên cho NLĐ.

Mỗi năm sẽ đánh giá lại một lần tất cả các chính sách phúc lợi cho NLĐ, trong đó có đối chiếu các khoản phụ cấp, trợ cấp với tình hình chi tiêu thực tế. Tháng 6/2022, công ty đã tăng các khoản phụ cấp, như: Xăng xe, đi lại, bữa ăn trưa, chuyên cần, phụ cấp con nhỏ... để đảm bảo NLĐ có mức thu nhập ổn định, chăm lo được cho gia đình trong thời buổi kinh tế suy thoái, vật giá leo thang. Hiện nay, lương bình quân 1 tháng của NLĐ tại công ty khoảng 6 - 7 triệu đồng, các khoản phụ cấp cơ bản hơn 2 triệu đồng, chưa bao gồm phụ cấp riêng dành cho lao động nữ hoặc tăng ca.

Duy trì việc làm cho người lao động

Tạo điều kiện để NLĐ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn trong quá trình làm việc, công ty có hộp thư tiếp nhận để nắm bắt kịp thời. Định kỳ 1 lần mỗi tháng, công ty còn tổ chức buổi trao đổi, tâm sự trực tiếp giữa NLĐ và giám đốc để lắng nghe những góp ý, phản hồi. Hình thức tổ chức là chọn ngẫu nhiên khoảng 30 NLĐ của tất cả các bộ phận, mỗi tháng sẽ thay đổi người khác nhau. Bên cạnh đó, công ty tạo điều kiện tổ chức các sân chơi giải trí, hoạt động thi đua có thưởng để NLĐ làm việc có niềm vui.

Trên địa bàn huyện Thoại Sơn, Công ty Cổ phần TBS - An Giang là một trong số DN có đông NLĐ với khoảng 7.800 người, trong đó khoảng 70% lao động nữ. Ông Nguyễn Sơn Luân (Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty) cho biết, các tháng 7, 8, 9 là lúc ít đơn hàng. Những năm trước khi chưa xảy ra dịch bệnh, công ty lấy dự báo đơn hàng 3 tháng cuối năm để bù vào giai đoạn này, đảm bảo thời gian làm việc 8 giờ (bình thường) đến 9,5 giờ/ngày (giãn ca). Tuy nhiên, tình hình hiện nay không thể duy trì như thế. Ban giám đốc công ty đang tìm nguồn hàng để công nhân viên làm việc ít nhất 5 ngày/tuần và hầu hết vẫn đang làm việc 6 ngày/tuần.

Để “giữ chân” NLĐ cần phải có đủ việc làm, thời gian làm việc và thu nhập tương đối. Hội đồng quản trị đã làm việc với khách hàng để có thể huề vốn đơn hàng, cộng với giảm lãi để kéo đơn hàng từ các tỉnh khác, kể cả ở nước ngoài về An Giang. 6 tháng đầu năm 2023, thu nhập bình quân của công nhân cao nhất 9 triệu đồng/tháng, trung bình 6 triệu đồng/tháng và thấp nhất 4,5 triệu đồng/tháng. Công ty vẫn thực hiện trách nhiệm đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội cho NLĐ, được “công ty mẹ” cấp kinh phí hơn 120 triệu đồng để tổ chức hội thao trong “mùa trũng” (tháng 7, 8, 9). Sắp tới công ty còn chuẩn bị chương trình Tiếp sức đến trường, phát thưởng cho con em công nhân viên học tập đạt thành tích khá, giỏi từ lớp 1 đến đại học. Mới đây, tại công ty đã diễn ra lễ trao tặng 10.786 đôi giày nhãn hàng Decathlon cho đoàn viên, NLĐ trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, tình hình DN đã và đang có những chuyển biến tích cực. Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có khoảng 151 DN và 65 đơn vị trực thuộc tái hoạt động. Có 500 DN và 350 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động mới với tổng vốn đăng ký mới là 4.640 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chuyên môn, tình hình sản xuất - kinh doanh của DN vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn, dự báo số lượng lao động mất việc có thể tăng đang gây áp lực cho hệ thống an sinh xã hội. Trong khi đó, nhu cầu thị trường hàng hóa tăng chậm kéo theo nhu cầu vốn tín dụng, vốn đầu tư của xã hội... tăng trưởng thấp. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành theo sát, nắm tình hình DN, nhất là những khó khăn, các kiến nghị, mối quan hệ lao động trong DN…

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp chặt chẽ các địa phương, đơn vị liên quan. Với những DN cắt giảm lao động khiến nhiều NLĐ mất việc, đơn vị đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp cận NLĐ để nắm số lượng bị ảnh hưởng. Đồng thời, liên kết với các DN có nhu cầu tuyển dụng để kết nối, giới thiệu việc làm. Với vai trò chăm lo cho NLĐ, hiện nay, tổ chức công đoàn đã và đang thực hiện các chính sách chia sẻ với các trường hợp NLĐ khó khăn. Tuy nhiên, cần thêm các địa phương quan tâm hỗ trợ NLĐ thuê nhà trên địa bàn, nhằm có những chính sách hỗ trợ giảm, miễn tiền thuê nhà cho NLĐ để vượt qua giai đoạn khó khăn, tương tự giai đoạn chống dịch COVID-19.

MỸ HẠNH