Doanh nghiệp dệt may ổn định sản xuất sau bão số 3

21/09/2024 - 13:51

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, nhiều nhà máy sản xuất hàng dệt và may mặc đã trở lại sản xuất ngay sau bão số 3, với tâm thế khẩn trương, ổn định hoàn thành đơn hàng đã ký.

Sản xuất hàng may mặc tại Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/ TTXVN)

Sản xuất hàng may mặc tại Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/ TTXVN)

Ngay sau khi bão số 3 (Yagi) càn quét một số tỉnh thành khu vực phía Bắc, các nhà máy sản xuất hàng dệt và may mặc bị ảnh hưởng bởi bão Yagi đã trở lại sản xuất với tâm thế khẩn trương, ổn định hoàn thành đơn hàng đã ký.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), nhiều doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng do bão gây ra, một số nhà máy bị tốc mái, cây xanh trong khuôn viên đổ, tình trạng mất điện cũng xảy ra một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, không có thiệt hại về người.

Đến thời điểm này, các nhà máy tại Nam Định như Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định, Nhà máy Sợi Nam Định, May Nam Định, Dệt lụa Nam Định… đã quay trở lại sản xuất bình thường, không có sự cố về kỹ thuật xảy ra sau bão.

Nhiều nhà máy sản xuất thuộc Vinatex đóng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chịu bão lớn, nhưng không bị thiệt hại về tài sản, thiết bị, hàng hóa nhờ chủ động phòng chống bão, bảo vệ tài sản, song gián đoạn về điện lưới khiến sản xuất phải tạm dừng trong một khoảng thời gian.

Tại Nhà máy Sợi Yên Mỹ của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dệt 8-3 (Hưng Yên), hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường từ sáng 8/9.

Tuy nhiên, theo Ban lãnh đạo Công ty, sản xuất chịu tác động trong ngày đầu do chất lượng điện lưới còn nhiều trục trặc, ảnh hưởng đến năng suất lao động, quy trình chạy máy của các dây chuyền.

Ông Phạm Văn Tuyên - Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dệt 8/3 cho biết Công ty đã triển khai phòng chống bão từ ngay từ đầu. Công ty đã thuê cẩu đưa các bao cát lên mái ở những điểm xung yếu; hệ thống chống sét được gia cố thêm; hệ thống thoát nước mưa được nạo vét; cắt tỉa cành cây để hạn chế tối đa cây đổ; cho xe đưa đón công nhân.

TTXVN_1206xuatkhaudetmay.jpg

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Công ty yêu cầu Trưởng ban Phòng cháy chữa cháy-Cứu hộ cứu nạn, toàn bộ Ban Giám đốc nhà máy, các Trưởng công đoạn, Trưởng các phòng đều có mặt và trực tại nhà máy.

Sau khi bão đổ bộ về Hà Nội, một số cây to bị đổ, Nhà máy của 8/3 đã bị cắt điện. Sau đó, điện lưới đã có công nhân đã trở lại làm việc bình thường. Việc phải đóng máy sản xuất 16 tiếng gây thiệt hại không nhỏ cho đơn vị.

Ông Viên Minh Đạo - Giám đốc Nhà máy Sợi Nam Định cập nhật nhà máy hiện tạm ổn, giữ an toàn về người và tài sản. Ngay khi có thông báo về siêu bão, Nhà máy đã nghiêm túc triển khai các phương án phòng chống bão nên đã hạn chế tối đa thiệt hại.

Với hệ thống cửa chắc chắn, Nhà máy đã kịp thời nẹp kỹ các cửa bên ngoài và chèn các kiện bông bên trong nên gió bão không ảnh hưởng đến hàng hóa, máy móc. Nhà máy cũng phải dừng sản xuất do bị mất điện.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết bão số 3 vừa qua khiến nhiều cây to tại chi nhánh Tổng Công ty Dệt may Hà Nội-Nhà máy Sợi Đồng Văn bật gốc... nằm ngổn ngang trong khuôn viên của nhà máy. Bão cũng khiến toàn bộ nhà xưởng mất điện khiến các dây chuyền sản xuất ngưng hoạt động.

Ngay sau bão đi qua, lãnh đạo Tập đoàn đề nghị các doanh nghiệp sắp xếp huy động lực lượng để vừa kịp thời khắc phục sự cố, vừa ổn định ngay hoạt động sản xuất, những điểm bị mất điện khẩn trương làm việc với bên Điện lực để chạy máy kịp thời.

Ông Cao Hữu Hiếu cho biết thêm các doanh nghiệp nằm trong vùng bão chủ động phòng chống bão số 3. Đặc biệt, ban lãnh đạo và đội ứng trực bão đã trách nhiệm theo sát diễn biến, ảnh hưởng của bão để phòng ngừa thiệt hại và kịp thời khắc phục sự cố.

Điều đáng ghi nhận là các đơn vị đều bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động khi tham gia sản xuất trong thời điểm mưa bão, hạn chế được thấp nhất thiệt hại về tài sản, thiết bị, máy móc, hàng hoá.

Lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội cho biết tại các nhà máy đều có đội ứng trực phòng chống bão, giữ an toàn ở các khu vực nhà xưởng ở Nam Đàn, Nghi Lộc.

Tại Nhà máy ở khu vực Đồng Văn đến chiều ngày 7/9 có một số cây bị đổ, kho bông 2 bung 3 tấm tôn, thủng vách tường, nhà máy đã nhanh chóng gia cố lại và triển khai gia cố cho cả kho bông 1. Tại đây, công nhân làm hết ca sáng được bố trí ở lại nhà văn phòng khu may 2 để nghỉ ngơi và làm ca đêm theo lịch đổi ca.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết May 10 đã chuẩn bị kịp thời các phương án phòng chống và ứng phó với siêu bão, cử bộ phận xung kích trực tại các nhà máy.

Để đảm bảo an toàn cho người lao động, ngày 7/9 May 10 cho toàn bộ công nhân người lao động nghỉ việc, cơ bản các Nhà máy của May 10 đã giữ được an toàn về tài sản và người, duy chỉ có Xí nghiệp Veston Hưng Hà bị bay mái khu vực lò hơi. Nhưng tất cả đã được xử lý xong để ổn định sản xuất.

Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã trồng lại cây bị bật rễ, dọn rác khơi thông cống rãnh phòng mưa to và đảm bảo môi trường thoáng, sạch, an toàn vệ sinh khi người lao động quay trở lại sản xuất bình thường.

Theo Vietnamplus