Doanh nghiệp Việt cần nắm bắt xu thế mới để bước sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

04/07/2024 - 14:40

Sự thay đổi xu hướng của chuỗi cung ứng để gắn với mạng lưới sản xuất mang tính toàn cầu. Theo đó, Chính phủ và doanh nghiệp phải có sự tiếp cận linh hoạt với ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ.

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ đòi hỏi hoạt động đầu tư gắn với sản xuất công nghệ cao. (Ảnh: Vietnam+)

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ đòi hỏi hoạt động đầu tư gắn với sản xuất công nghệ cao. (Ảnh: Vietnam+)

Trong tình hình mới, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn quốc tế đang có sự thay đổi trong cơ cấu chuỗi cung ứng, để gắn với mạng lưới sản xuất toàn cầu. Cùng với đó, hoạt động sản xuất-kinh doanh cũng đổi mới trong bối cảnh các ứng dụng công nghệ số đạt được nhiều thành tựu vượt bậc.

Điều này đang đặt ra yêu cầu mới cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lợi thế của Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều yếu tố bất định. Thêm vào đó, sự cạnh tranh giữa các nước lớn đang làm thay đổi và phá vỡ quy luật thông thường của kinh tế toàn cầu.

Trong đó, chuỗi cung ứng nổi lên với các xu hướng mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt đồng thời tiếp cận ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ. Ngoài ra, mạng lưới sản xuất toàn cầu sẽ quyết định tương lai của chuỗi cung ứng cộng với sự gia tăng mạnh mẽ của mạng lưới sản xuất khu vực. Ở giai đoạn này, các dịch vụ toàn cầu hoá, công nghệ thông tin, nghiên cứu phát triển sẽ tạo cơ hội tăng trưởng mới đi cùng với đó là sự cạnh tranh mang tính toàn cầu. Thêm vào đó, sự phát triển chuỗi cung ứng khu vực có thể làm gia tăng lạm phát, khiến các nước nâng lạm phát mục tiêu.

Ban tổ chức Viet Nam International Sourcing Expo 2024 cho biết chuỗi sự kiện quy tụ 600 doanh nghiệp Việt Nam trưng bày sản phẩm đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Ông Lâm nhấn mạnh ba xu hướng thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới: Thứ nhất, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước cùng khu vực địa lý (để tránh phụ thuộc, giảm rủi ro). Thứ hai, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ đòi hỏi hoạt động đầu tư gắn với sản xuất công nghệ cao (điều này đã diễn ra ở các nước phát triển như Mỹ, EU). Thứ ba, quá trình tái cơ cấu, sắp xếp chuỗi cung ứng sẽ gắn với sự đa dạng hoá về nguồn cung và mở rộng thị trường.

Đối với Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm cho rằng có nhiều lợi thế có thể nắm bắt để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, Việt Nam là thị trường tiềm năng với quy mô dân số 100 triệu người cùng với vị trí địa lý thuận lợi, là điểm đến được các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam có độ mở sâu với kinh tế quốc tế với 17 hiệp định thương mại tự do. Việt Nam cũng được đánh giá cao về vai trò kết nối trong nền kinh tế phân mảng. Với những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP 26, Việt Nam rất phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Minh chứng thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lớn đến Việt Nam mang theo những ứng dụng khoa học-công nghệ mới, như dự án xây dựng nhà máy Lego trung hoà carbon là điển hình.

z4437805441194_60f738f3ce4537963252d6997e47fe03.jpg

Mỗi chuỗi cung ứng thường có năm nhóm đối tác, bao gồm nhà cung ứng nguyên nhiên-vật liệu, nhà sản xuất, nhà phân phối và logistic, đại lý bán lẻ và khách hàng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bên cạnh thuận lợi, Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm cho rằng doanh nghiệp nội địa có nhiều thách thức khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu do nội lực yếu và năng lực cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, công nghiệp phụ trợ còn non kém và phụ thuộc vào nguồn nguyên, nhiên vật liệu từ bên ngoài; công nghệ và phương thức sản xuất lạc hậu, năng suất lao động thấp, chưa kể “rừng” quy định, thủ tục hành chính, thể chế chính sách...

Ngoài ra, Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm lưu ý mỗi chuỗi cung ứng thường có năm nhóm đối tác, bao gồm nhà cung ứng nguyên nhiên-vật liệu, nhà sản xuất, nhà phân phối và logistic, đại lý bán lẻ và khách hàng. Nhưng, các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ dừng lại ở nhóm đối tác là các nhà sản xuất hàng hoá và ít quan tâm đến các nhóm đối tác còn lại.

Tận dụng tối đa lợi thế

Với bối cảnh đó, tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm đề xuất cần phải xây dựng Chiến lược phát triển “doanh nghiệp dân tộc” để có thể hoà nhịp cùng xu hướng tái định hình, chuyển dịch chuỗi cung ứng. Và để làm được điều này, ông cho rằng Chính phủ cần giữ vai trò “bà đỡ.” Cùng với đó, Chính phủ cần xem xét các điều kiện và cơ chế để các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam xác định là cùng đầu tư-cùng sản xuất. Trên quan điểm đó, lan toả hiệu quả thu hút FDI đồng thời sàng lọc chất lượng, định hướng đầu tư, qua đó sẽ hạn chế được những rủi ro.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, Việt Nam cần thực hiện cam kết đầy đủ trong các FTA để thụ hưởng lợi thế bền vững và lâu dài. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp trong nước phát huy tối đa vai trò và lợi ích của nền kinh tế kết nối đồng thời có chiến lược chủ động tham gia dịch vụ toàn cầu.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, hoạt động thương mại và đầu tư trên thế giới đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ. Tiến sỹ Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh nếu như khoảng cách địa lý quyết định thương mại đầu tư theo mô hình truyền thống, thì đến nay điều này đã không còn là yếu tố ảnh hưởng.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Tú Anh, Việt Nam đang có vị thế đặc biệt về kết nối với các xu thế phân cực cũng như các cực. Dòng vốn từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… vào Việt Nam tiếp tục tăng nhanh. Bên cạnh đó, Chính phủ đang tập trung cao độ giải quyết các “nút thắt” của nền kinh tế như cơ sở hạ tầng, nâng cấp cảng biển, đường cao tốc... Song đối với doanh nghiệp, ông Tú Anh cho rằng cần nhìn trước những rủi ro, thách thức để có giải pháp khắc phục, nắm bắt cơ hội.

Bà Bùi Thị Việt Lâm, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) tại Việt Nam cho rằng doanh nghiệp trong nước không thể tự làm một mình do còn nhiều hạn chế so với các “gã khổng lồ” quốc tế. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách đồng bộ và đột phá so với các quốc gia xung quanh. Bà Lâm kiến nghị như cho phép thử nghiệm các sandbox tạo thu hút đầu tư trong bối cảnh Việt Nam đang khuyến khích công nghiệp công nghệ số, chiến lược phát triển ngành bán dẫn… Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp phải nhanh nhạy, chuẩn bị các bước chuyển cũng như nắm bắt các xu thế (tín chỉ xanh, kinh tế số… ) để tăng cường xuất khẩu, tạo thế mạnh về cạnh tranh.

Theo Vietnamplus