Coi thể chế là lợi thế cạnh tranh
Nghị quyết 57 nhấn mạnh cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Xin Bộ trưởng cho biết đâu là những việc cần được chú trọng thời gian tới?
Nghị quyết 57 có nói “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là thể chế. Vì vậy, việc đầu tiên cần tập trung và phải làm nhanh nhất chính là thể chế. Chúng ta cần phải luật hóa, làm thể chế cho những cái mới để những người làm cái mới an toàn, không bị rủi ro. Việc này cơ bản phải được giải xong trong năm 2025.
Thậm chí, về thể chế, chúng ta còn đưa ra quan điểm cần coi thể chế là một lợi thế cạnh tranh. Hiện nay, có rất nhiều việc mà công nghệ mới cho phép làm, nhưng nhiều nước đang cấm nên doanh nghiệp dù sẵn sàng cũng không có chỗ để triển khai. Bằng cách Việt Nam cho phép thí điểm, toàn bộ nền công nghệ thế giới, nguồn lực của thế giới sẽ đổ về Việt Nam, họ sẽ sáng tạo, phát triển tại nước mình, góp phần làm cho Việt Nam phát triển, và từ đây đi ra toàn cầu. Với cách tiếp cận này, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm toàn cầu về công nghệ mới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việc đầu tiên cần tập trung và phải làm nhanh nhất chính là thể chế. Ảnh: Hoàng Hà
Thứ hai là, tập trung phát triển hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS), với yêu cầu đặt ra là hạ tầng phải đi nhanh hơn, nhanh gấp đôi sự phát triển kinh tế. Hình thành ra các tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn có năng lực mạnh để dẫn đầu trong phát triển hạ tầng, từ đó tạo ra sức mạnh đi ra toàn cầu.
Trước đây, chúng ta nói nhiều đến hạ tầng giao thông, hạ tầng điện thì bây giờ, tại Nghị quyết 57, các hạ tầng chiến lược có cả hạ tầng số, hạ tầng KHCN và ĐMST. Giờ đây, sau 20 - 30 năm được đất nước nuôi dưỡng, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cần phải nhận lấy những sứ mệnh quốc gia, có trách nhiệm với quốc gia, giữ vai trò đầu tàu trong phát triển các hạ tầng chiến lược của đất nước.
Việc thứ ba cần tập trung là phát triển nhân lực. Yếu tố này đã được nhắc nhiều, nhưng lần này Nghị quyết 57 nhấn mạnh vào nhân tài. Nhân lực bây giờ không còn là nhân lực chung chung nữa mà là nhân tài; bây giờ cạnh tranh nhau là cạnh tranh nhân tài, không phải là cạnh tranh về nhân lực. Nhân tài chính là yếu tố then chốt để một tổ chức, một quốc gia phát triển, nhất là khi chúng ta lựa chọn phát triển đất nước nhanh và bền vững dựa trên KHCN và ĐMST.
Người Việt Nam chúng ta thông minh, thích nghi nhanh với sự thay đổi, có khả năng may đo sản phẩm theo nhu cầu cá thể. Có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã thành danh về công nghệ, đã đến lúc về Việt Nam hoặc kết nối với Việt Nam để xây lên những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Cần nhớ rằng, nhân tài có đặc tính là toàn cầu; vì thế Việt Nam chúng ta cần tạo ra điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ về đây, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận Sandbox, chấp nhận rủi ro: Cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn. Những “đặc khu công nghệ”, “đặc khu đổi mới sáng tạo”, với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ. Đối với người tài xuất sắc, nhu cầu đầu tiên của họ là được sáng tạo, có thách thức, và thách thức càng lớn sẽ càng lôi cuốn họ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cần có trách nhiệm với quốc gia, giữ vai trò đầu tàu trong phát triển các hạ tầng chiến lược của đất nước. Ảnh: FPT
Nghị quyết 57 cũng nhấn mạnh đến dữ liệu - loại tài nguyên mới được con người sinh ra trong quá trình phát triển, cũng là một loại tư liệu sản xuất mới, một nguồn lực mới. Chúng ta cần tập trung để tạo ra thị trường; xây dựng thể chế để có thể quản lý và phân chia giá trị được tạo ra bởi loại tài nguyên mới này.
Nghiên cứu, phát triển các công nghệ chiến lược cũng là 1 trong 5 nội dung trọng tâm, cốt lõi. Với Nghị quyết 57, lần đầu tiên công nghệ chiến lược được xếp là một trong những lực lượng quan trọng. Chúng ta muốn phát triển nhanh và bền vững, muốn đưa đất nước lên một tầm cao mới thì phải làm chủ các công cụ, công nghệ, nhất là các công nghệ chiến lược.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 57 còn chỉ rõ đã là công nghệ thì chủ yếu là doanh nghiệp và đã là công nghệ chiến lược thì tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Vì thế, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhất là những doanh nghiệp lớn phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam, làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam.
Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học
Theo Bộ trưởng, có cách nào để chúng ta xây dựng được hạ tầng KHCN, ĐMST và CĐS, nhưng không mất quá nhiều nguồn lực nhà nước?
Khi xác định KHCN, ĐMST, CĐS là những trụ cột, nền tảng để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, chúng ta cần phải xây dựng hạ tầng cho nó. Có như vậy, bộ 3 này mới có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Nghị quyết 57 đã nhấn mạnh phải đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận, vẫn với số tiền như cũ, việc đầu tư hạ tầng sẽ có những bước phát triển bứt phá. Cụ thể, vẫn với 2% ngân sách nhà nước dành chi cho KHCN, ĐMST (tương ứng khoảng 40.000 tỷ đồng), thay vì chia nhỏ cho nhiều đầu mối, nếu được dồn đầu tư cho một số chỗ trọng tâm và dùng chung thì bài toán khó đã thành bài toán khả thi.
Nghị quyết 57 nêu rõ: Bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN, ĐMST, CĐS quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Điểm quan trọng là với 3% kinh phí này, tới đây đầu tư cho KHCN và CĐS, cho nghiên cứu và ứng dụng có thể “du di” nhau, lúc cần tập trung CĐS thì có thể chi cho nó nhiều hơn, và ngược lại lúc cần ưu tiên nghiên cứu thì sẽ dành phần kinh phí lớn hơn cho hoạt động này.
Mặt khác, trong cơ cấu vốn đầu tư cho hạ tầng hay các mảng khác của KHCN, ĐMST và CĐS, nguồn vốn nhà nước chỉ nên là “vốn mồi” chiếm khoảng 20%, việc quan trọng là cần huy động 80% đầu tư từ khu vực tư nhân. Tôi cho rằng, để thu hút cộng đồng, xã hội chung tay cho phát triển khoa học và công nghệ của đất nước, có vai trò quan trọng của báo chí truyền thông.
Báo chí truyền thông cần “thổi” vào tất cả người dân, doanh nghiệp Việt Nam một nhận thức, một niềm tin về sự cần thiết phải ứng dụng, áp dụng KHCN, có những ý tưởng mới, đổi mới cách thức quản trị để doanh nghiệp phát triển, gia tăng lợi nhuận. Khi người dân, doanh nghiệp thấy được kết quả, hiệu quả từ việc ứng dụng khoa học, công nghệ, họ sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư. Như vậy, chỉ từ 3% ngân sách nhà nước sẽ thúc đẩy, tạo ra thị trường rộng lớn hơn cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam và có thể thu hút được 3% GDP cho KHCN, ĐMST và CĐS .
Với những rủi ro khi nghiên cứu, phát triển công nghệ, lời giải Nghị quyết 57 đưa ra là gì, thưa Bộ trưởng?
Sự thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức trong Nghị quyết 57 là một trong những tinh thần quan trọng, bao gồm cả câu chuyện chấp nhận rủi ro, nghiên cứu có độ trễ. Nghị quyết 57 cũng đưa ra tinh thần cương quyết từ bỏ tư duy không quản được thì cấm; đưa ra quan điểm về làm thể chế, đó là: Thể chế phải theo kịp sự phát triển và kiến tạo phát triển. Đây cũng là tư duy rất mạnh mẽ, mới của Nghị quyết 57.
Thực hiện việc nghiên cứu thông qua mô hình quỹ, nghĩa là quỹ có thể chi vào nhiều dự án nghiên cứu khác nhau, có dự án được và cũng có dự án thất bại, nhưng cộng tổng lại dương là được.
Tính chung cho đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST là chấp nhận rủi ro, là đánh giá hiệu quả một cách tổng thể. Mười dự án, 10 việc mà tốt, 3 không đạt kết quả mong muốn, không ăn gian nói dối, không tham nhũng, cộng lại tốt thì kết quả cuối cùng là tốt.
Make in Viet Nam là tự chủ, tự cường công nghệ
Khối doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng vai trò thế nào trong việc triển khai Nghị quyết 57, thưa Bộ trưởng?
Nghị quyết 57 khi nói đến doanh nghiệp, hoàn toàn không phân biệt doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước. Nghị quyết xác định, các doanh nghiệp công nghệ nòng cốt, không phân biệt tư nhân hay nhà nước, sẽ được giao nhiệm vụ làm chủ các công nghệ chiến lược cũng như triển khai những dự án trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số.
Ngày 15/1, Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI chủ đề “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, còn gọi là diễn đàn Make in Viet Nam, đã được Bộ TT&TT tổ chức. Tổng Bí thư Tô Lâm đến dự và phát biểu chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Trưởng ban kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thăm quan các gian hàng triển lãm tại Diễn đàn Make in Vietnam lần thứ 6. Ảnh: AD.
Diễn đàn đã truyền đi những thông điệp mạnh mẽ: Sự tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển các công nghệ chiến lược, công nghệ lõi là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ; Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải tận dụng thế mạnh về trí tuệ, nguồn nhân lực, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, cùng hào khí Việt Nam để góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới; Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp lớn, phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam và làm rạng danh Việt Nam...
Đặc biệt, tại diễn đàn Make in Viet Nam lần này, các doanh nghiệp lớn, không phân biệt tư nhân hay nhà nước, gồm Viettel, VNPT, FPT, CMC, MISA, One Mount và HDBank đã chính thức đăng ký làm chủ các công nghệ cốt lõi cụ thể, như công nghệ mạng 5G, 6G; chip bán dẫn; Blockchain; GenAI; Cloud... Đây chính là “phát súng” đầu tiên để triển khai Nghị quyết 57.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “các doanh nghiệp công nghệ Việt, nhất là các doanh nghiệp lớn, phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam và làm rạng danh Việt Nam”. Ảnh: Hoàng Hà
Nghị quyết 57 cũng nói đến mô hình hợp tác công – tư, theo nghĩa hợp tác với các doanh nghiệp trong xây dựng hạ tầng số, xây dựng các phòng lab trọng điểm quốc gia, phát triển các công nghệ và ứng dụng.
Với doanh nghiệp nhà nước, mong muốn của chúng tôi là khối doanh nghiệp này sẽ đi đầu về chuyển đổi số để làm gương, dẫn dắt các doanh nghiệp khác.
Ba lợi ích rõ nét từ việc yêu cầu doanh nghiệp nhà nước tiên phong CĐS nội bộ đơn vị mình, đó là giúp chính doanh nghiệp đó quản trị tốt hơn, minh bạch hóa hoạt động, trách được các tai nạn như tham ô, tham nhũng; doanh nghiệp nhà nước là những doanh nghiệp lớn, chiếm 30% nền kinh tế, do đó khi khối doanh nghiệp này chi cho chuyển đổi số, sẽ tạo ra thị trường CĐS; doanh nghiệp nhà nước làm, đi trước và tạo ra hiệu quả, sẽ làm gương cho những doanh nghiệp khác noi theo.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ không thuộc khối công nghệ, Nhà nước sẽ có chương trình hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này CĐS. Hiện nay, để CĐS, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải tự bỏ kinh phí, còn tới đây họ sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Cách thức hỗ trợ thì có thể là bằng tiền để họ đi mua dịch vụ của doanh nghiệp công nghệ; hoặc Nhà nước mua dịch vụ của doanh nghiệp công nghệ, tạo ra các nền tảng để doanh nghiệp vừa và nhỏ được sử dụng miễn phí.
Khi làm chương trình hành động, chúng tôi có bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là 5 triệu hộ kinh doanh, các hộ nông dân và các hợp tác xã. Như vậy, Nhà nước sẽ hỗ trợ không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà cả hộ kinh doanh, hộ nông dân, hợp tác xã CĐS.
Triển khai Nghị quyết 57, Nhà nước sẽ hỗ trợ không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà cả hộ kinh doanh, hộ nông dân, hợp tác xã CĐS. Ảnh minh họa: Q.B
Một điểm nữa, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi, đó là khi nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng KHCN, chẳng hạn như các phòng nghiên cứu, các doanh nghiệp tư nhân cũng được phép dùng. Đây là một điểm rất mới trong chương trình hành động.
Nghị quyết khoán 10 giao ruộng cho nông dân, Nghị quyết 57 giao nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược cho doanh nghiệp lớn. Vậy với các doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa sẽ được hưởng lợi gì từ Nghị quyết 57, thưa Bộ trưởng?
Khi nói đến nghiên cứu khoa học là đề cập đến nhà khoa học và chúng ta đã giải bằng cách hỗ trợ họ kinh phí, hạ tầng để nghiên cứu. Còn nói đến công nghệ, các doanh nghiệp lớn, được giao công nghệ chiến lược, không phân biệt là doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước.
Riêng với các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ, nhóm đối tượng này được hưởng 2 cái lợi:
Thứ nhất, khi doanh nghiệp lớn làm chủ công nghệ chiến lược bằng giao nhiệm vụ và bằng một phần vốn ngân sách nhà nước, kết quả tạo ra sẽ phải được mở một phần cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mở một phần nghĩa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không phải nghiên cứu, đầu tư nhưng được hưởng thành quả, công nghệ đó để phát triển lên.
Chúng ta cũng có thể yêu cầu doanh nghiệp lớn mở bằng cách tạo platform công nghệ, biến công nghệ thành dịch vụ để cung cấp với giá rẻ cho các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ. Chẳng hạn, đơn vị nhận nhiệm vụ làm chủ công nghệ AI, sẽ biến công nghệ AI thành dịch vụ AI để doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa không phải đầu tư 100 tỷ đồng phát triển công nghệ, mà sẽ mua dịch vụ của doanh nghiệp lớn với giá 500.000 đồng/tháng và dựa trên công nghệ đó để phát triển ứng dụng.
Thứ hai, Nghị quyết 57 đã nêu rõ việc Nhà nước khi mua sắm công sẽ ưu tiên mua các sản phẩm, giải pháp do doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm tạo ra nhiều ứng dụng, được hưởng lợi từ quy định mua sắm công và từ đó mà trưởng thành lên.
Tuy nhiên, tôi đánh giá lợi ích lớn nhất chính là tinh thần ĐMST, tinh thần CĐS, tiêu dùng công nghệ của Nghị quyết 57 sẽ tạo ra thị trường vô cùng rộng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ số vừa và nhỏ.
Chúng ta đã định hướng đến năm 2030 Việt Nam phát triển ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, tập trung vào 4 loại doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp lớn đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; doanh nghiệp CNTT làm chủ công nghệ CĐS; doanh nghiệp phát triển ứng dụng CĐS; doanh nghiệp triển khai CĐS. Trong đó, chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp triển khai CĐS có quy mô nhỏ.
Chẳng hạn, khi cần lắp hệ thống tưới nước, đo sâu bệnh, các hộ nông dân chỉ cần thuê doanh nghiệp nhỏ. Lúc đó, nếu tất cả các hộ kinh doanh, hộ nông dân đều ứng dụng công nghệ số, các doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa sẽ có nhiều việc, nhờ đó mà lớn dần lên.
Chúng ta muốn đưa CĐS, ứng dụng KHCN thành cuộc cách mạng toàn dân, thì không ai làm được ngoài các doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa, chứ không phải là Viettel hay FPT.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Lợi ích lớn nhất chính là tinh thần ĐMST, CĐS, tiêu dùng công nghệ của Nghị quyết 57 sẽ tạo ra thị trường vô cùng rộng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ số. Ảnh minh họa: M.H
Hiện nay, sở dĩ nhiều doanh nghiệp lớn nhưng vẫn làm những việc nhỏ là vì họ chưa có việc lớn để làm. Với Nghị quyết 57, khi được giao việc lớn như nghiên cứu làm chủ công nghệ AI, họ sẽ không còn thời gian, nhân sự để làm những việc nhỏ như lắp hệ thống tưới cây. Khi đó, doanh nghiệp lớn mới nhường “mảnh đất” cho những đơn vị nhỏ.
Thế nên, Nhà nước khoanh những vùng, chỗ khác nhau cho các nhóm doanh nghiệp khác nhau chính là để các đơn vị tạo ra thị trường cho nhau. Doanh nghiệp lớn có nhiều việc để làm, có uy tín, ký nhiều hợp đồng, cũng không muốn tăng người, mà có xu thế thuê doanh nghiệp nhỏ làm. Đây là một hệ sinh thái, liên thông nhau và mọi người đều được hưởng lợi.
Bộ trưởng đã nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam không thể thành nước phát triển nếu không có tinh thần “tự lực, tự cường, tự chủ, tự tin, tự hào”. Vậy chúng ta phải làm thế nào để kích thích các chữ “tự” này?
Có một cách kích thích là nhìn vào lịch sử Việt Nam, thông qua việc kể lại những câu chuyện trong lịch sử dân tộc. Chữ “tự” xuất hiện rất nhiều trong trong lịch sử Việt Nam, nhất là những câu chuyện đấu tranh giải phóng, chống giặc ngoại xâm và tinh thần này có thể áp dụng được cho hiện tại.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 hồi cuối tháng 12/2024 cũng thể hiện tinh thần của chữ “tự”, khi lần đầu tiên chúng ta đưa ra trưng bày quả tên lửa do người Việt Nam làm, bên cạnh tên lửa của Nga. Khi nhìn thấy tên lửa, loại vũ khí biểu tượng cho một cường quốc quân sự, do người Việt Nam làm, sẽ khiến mọi người trào dâng niềm tự hào dân tộc, từ đó họ suy nghĩ đến đến việc liệu mình có thể làm được những việc lớn lao như thế trong lĩnh vực công việc của mình hay không.
Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, chữ “tự” cũng xuất hiện khá nhiều. Hai nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài là tinh thần của chữ “tự”. Không tự tin, không tự chủ công nghệ sẽ không thể ra nước ngoài cạnh tranh với những doanh nghiệp xuất sắc nhất trên thế giới. Không những thế, trong 2.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đi ra nước ngoài, có những đơn vị đã đạt doanh thu hơn 3 tỷ USD từ thị trường nước ngoài.
Tinh thần Make in Viet Nam chính là tinh thần của chữ “tự” đã được khơi dậy từ cách đây 5 năm. Make in Viet Nam là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và bởi các doanh nghiệp Việt Nam.
Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động. Make in Viet Nam là một tinh thần. Tinh thần tự cường. Tinh thần làm chủ ứng dụng và làm chủ công nghệ. Từ làm chủ ứng dụng tới làm chủ công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài. Ảnh: Viettel
Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài, vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh để bảo vệ Việt Nam. Chiếc nỏ thần bảo vệ Việt Nam chỉ có thể do người Việt Nam làm ra.
Sau 5 năm, tỷ trọng giá trị Việt Nam trong công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 21% lên 32%. Chúng ta đặt mục tiêu giá trị Việt Nam sẽ đạt trên 50% vào năm 2030. Đây là mục tiêu rất cao nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy gia công. Thoát bẫy gia công là để thoát bẫy thu nhập trung bình.
Cũng trong 5 năm qua, số lượng doanh nghiệp công Việt Nam đã tăng 50%. Với 74.000 doanh nghiệp công nghệ số tại một quốc gia 100 triệu dân, Việt Nam thuộc quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số đầu dân vào loại cao nhất trong số các nước đang phát triển.
Make in Viet Nam cũng là tự hào Việt Nam. Nghị quyết 57 đã truyền đi thông điệp về tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc để phát huy trí tuệ Việt Nam. Việt Nam không còn là nước nhỏ nữa, phải sánh vai cường quốc năm châu, phải đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.
Make in Viet Nam còn là trách nhiệm của Việt Nam như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu. Đó là, ngoài việc sử dụng, tiêu dùng công nghệ của nhân loại thì Việt Nam cũng phải đóng góp cho nhân loại, đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại. Rõ ràng là, giờ đây trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà về Make in Viet Nam phải mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Theo Bộ trưởng, báo chí truyền thông có thể góp sức ra sao để Nghị quyết 57 được triển khai tốt?
Đất nước muốn phát triển thì tinh thần phải đi trước, giống như KHCN đi trước, đi nhanh gấp đôi. Vì thế, chúng ta phải đi trước về khát vọng Việt Nam, tinh thần hùng cường, tinh thần “tự lực, tự cường, tự chủ, tự tin, tự hào”.
Sứ mệnh của báo chí truyền truyền thông là phải thổi lên tinh thần chữ “tự”, phải giúp cho người dân, doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được sự cần thiết phải ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Tinh thần “khoán 10” cùng những quan điểm, tư tưởng cốt lối, các giải pháp, cách tiếp cận mới của Nghị quyết 57 cũng cần được lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tinh thần của Nghị quyết 57 cần được truyền tải để tạo ra sự phát triển bứt phá cho nhiều ngành, lĩnh vực khác, không chỉ riêng trong KHCN, ĐMST và CĐS.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!