Công nhân da giày tại thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN
Áp lực phải chuyển đổi
Sản xuất xanh hướng đến phát triển bền vững đã bắt đầu chuyển từ trạng thái khuyến khích sang bắt buộc. Các thị trường lớn đã ban hành nhiều quy định về tiêu chuẩn xanh, bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện khi nhập khẩu hàng hoá vào nước mình. Tổ chức OECD (chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) năm 2017 đã ban hành Hướng dẫn thẩm định đối với chuỗi cung ứng có trách nhiệm trong lĩnh vực may mặc và giày dép.
EU cũng ban hành hàng loạt quy định như: Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR); Đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) thí điểm từ tháng 10/2023 và có hiệu lực từ năm 2026; Quy tắc buộc nhà sản xuất phải đảm nhận trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm dệt may và hỗ trợ sự quản lý bền vững rác thải dệt may dự kiến có hiệu lực từ năm 2025;...
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mở ra cơ hội xuất khẩu lớn. Với độ mở lớn của nền kinh tế, các ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam; trong đó có ngành hàng thời trang cần phải chủ động chuyển đổi sớm, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, về môi trường, về lao động, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững, mới có thể khai thác tốt các lợi ích do các hiệp định này mang lại, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt văn bản luật, văn bản quy phạm pháp luật; trong đó phải kể đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020... để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam sớm chuyển đổi, tăng lợi thế cạnh tranh và cũng để thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Điều hành và Quan hệ đối ngoại Công ty Adidas Việt Nam cho biết, từ năm 2021, Adidas đã tăng gấp đôi nỗ lực của mình bằng việc đưa ra mục tiêu đến năm 2030 giảm thiểu 30% phát thải carbon trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Và đến năm 2050 đạt Net Zero.
Để thực hiện được mục tiêu này, Adidas đã thông tin và yêu cầu các đối tác cung cấp phải tuân thủ các yêu cầu đề ra một cách công khai, minh bạch và phải được kiểm chứng thông qua chuyên gia của Adidas hoặc bên thứ 3, dựa trên các thang điểm và hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu trên thời gian thực của Adidas. Nếu đối tác không đáp ứng được các yêu cầu này, Adidas sẽ dừng hoặc không hợp tác với các nhà cung cấp đó.
Đồng bộ các giải pháp
Công nhân dệt may tại Công ty CP May mặc Dony, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN
Theo chuyên gia kinh tế Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, chuyển đổi xanh hiện là yêu cầu mang tính sống còn của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh ý thức tiêu dùng theo hướng thân thiện môi trường ngày càng gia tăng. Do vậy, để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp phải thay đổi về nhận thức, phải có tư duy xanh. Thay đổi đó phải trở thành văn hóa của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có tư cách chứng nhận xanh phù hợp. Các đơn vị này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát mọi công đoạn, từ đó đề xuất kế hoạch chuyển đổi phù hợp, từ việc đào tạo huấn luyện, xây dựng quy trình hệ thống, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Và chính các đơn vị này sẽ đánh giá, chấm điểm và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của thị trường mà doanh nghiệp định vị.
Doanh nghiệp cần lưu ý thiết kế sản phẩm xanh, nhãn sinh thái cho hàng hóa thể hiện trong toàn bộ quá trình sản xuất; ứng dụng công nghệ 4.0 trong hệ thống sản xuất và giám sát; đào tạo, phát triển nhân lực có tư duy phát triển bền vững; tranh thủ tiếp cận các nguồn tài chính xanh để có nguồn kinh phí đầu tư chuyển đổi sản xuất tuần hoàn.
Cũng theo Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, 4 nguyên tắc chủ đạo của sản xuất tuần hoàn (4R) gồm: giảm phát thải, tái sử dụng, tái chế và sửa chữa, thực chất là tiết kiệm. Các doanh nghiệp hãy chuyển đổi từ chính việc tiết kiệm trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Chia sẻ ở góc độ đơn vị chuyên tư vấn và cung cấp giải pháp nâng cao hiệu quả lao động, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, ông Huỳnh Thanh Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Leanwares cho biết, để thiết lập nhà máy xanh, hợp chuẩn, vừa đảm bảo năng suất, giá thành cạnh tranh, vừa đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn thị trường quốc tế là bài toán không dễ.
Cách tiếp cận là đi ngược từ thị trường. Muốn bán hàng vào thị trường nào, doanh nghiệp phải hiểu rõ tiêu chuẩn xanh của thị trường đó. Để từ đó chọn đúng lõi công nghệ tạo ra sản phẩm phù hợp với thị trường; xây dựng được báo cáo nghiên cứu khả thi, đáp ứng được yêu cầu của các nguồn tín dụng xanh, từ đó có cơ hội sử dụng dòng tiền của các nguồn này để tạo ra giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Các nỗ lực xanh hoá của doanh nghiệp cần được phát tín hiệu đến người tiêu dùng thông qua chứng nhận xanh. Tiêu chuẩn xanh là thị thực của hàng hóa. Hàng hóa muốn được nhập khẩu phải đạt các tiêu chuẩn của nước đó, mà các tiêu chuẩn này, độ khó ngày càng tăng.
Hiện nay, có rất nhiều hệ thống chứng nhận xanh được các doanh nghiệp áp dụng. Các chương trình chứng nhận toàn cầu đang góp phần tiêu chuẩn hoá việc giảm thiểu tác động môi trường. Hệ thống chứng nhận bền vững toàn cầu xoay quanh việc chứng nhận xanh trong các khía cạnh: vật liệu bền vững; quy trình sản xuất; nhãn hiệu sinh thái và chứng nhận công trình xanh.
Theo ông Huỳnh Thanh Trung, các doanh nghiệp cần phân chia phân khúc thị trường từ thấp đến cao để chuyển đổi dần; nâng cao năng lực cạnh tranh trước khi phát triển lên thị trường mới; tính toán đầu tư từ chuyền nhỏ, nhà xưởng nhỏ được chuẩn hóa theo từng phân khúc, tránh đầu tư dàn trải lãng phí, không cần thiết.
Ngoài ra, muốn chuyển đổi xanh, doanh nghiệp phải chuyển đổi số. Dữ liệu báo cáo phải truy xuất được nguồn gốc từng nguyên liệu cấu thành nên sản phẩm và thẩm định được theo thời gian thực, đòi hỏi tính minh bạch của dữ liệu. Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số, phải tái cấu trúc doanh nghiệp, phải chuẩn hóa về mặt vận hành, về mặt con người trước, nghĩa là "phải ổn dưới đất trước khi đưa dữ liệu lên mây".
Ông Hồ Văn Đông, Giám đốc điều hành Công ty GCL International Việt Nam, công ty chuyên cung cấp chứng chỉ được công nhận quốc tế cho biết, các doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ các yêu cầu quy định của Chính phủ về đảm bảo an toàn lao động, cháy nổ, môi trường, phúc lợi xã hội cho người lao động là đã đạt 60-70% các yêu cầu của tiêu chuẩn xanh.
Từ 30-40% còn lại là các yêu cầu thêm vào của các tiêu chuẩn này như: đảm bảo thống nhất giữa đầu vào đầu ra; truy xuất nguồn gốc rõ ràng; hóa chất không gây hại đến môi trường;... Xanh không có nghĩa là không dùng hóa chất, mà hóa chất đó không ảnh hưởng đến môi trường.
Chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp đã có những thành công nhất định trong quá trình chuyển đổi xanh, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans cho biết, chuyển đổi xanh không khó. Khó nhất là doanh nghiệp có quyết tâm thực hiện hay không. Trong đó, con người là quan trọng nhất. Doanh nghiệp phải tái cấu trúc nhiều lần, ít nhất từ 30-40%, đầu tư dần các công đoạn.
Doanh nghiệp bắt đầu tự động hóa một số công đoạn từ năm 2008. Đến năm 2012, công ty ứng dụng công nghệ 4.0 từ khâu thiết kế 3D đến khâu hoàn thiện cuối cùng. Đến năm 2016, doanh nghiệp vào thị trường EU thành công. Với hiệu suất giá trị gia tăng cao, nếu tình hình thị trường không xấu như hiện nay, các doanh nghiệp có thể thu hồi vốn đầu tư sau 3 năm, ông Việt nhấn mạnh.
Theo TTXVN