Già làng thực hiện nghi lễ trong Lễ hội đập trống của người Ma Coong.
Lễ hội đập trống là nét văn hóa đặc sắc của bà con đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru-Vân Kiều) sống giữa đại ngàn Trường Sơn của tỉnh Quảng Bình.
Truyền thuyết xưa kể rằng, vùng đất của người Ma Coong xuất hiện một con khỉ ác màu vàng, hằng đêm thường vào rẫy ngô, sắn. Từ khi có khỉ ác xuất hiện, dân bản liên tục bị mất mùa, đau ốm triền miên. Dân làng tìm cách đánh đuổi con khỉ ác bằng cách trống, khua chiêng.
Tiếng trống, tiếng chiêng cùng với sự giúp đỡ của Giàng đã xua tan nỗi lo sợ khỉ ác, mang lại yên bình cho dân bản. Từ đó, để tưởng nhớ đến vị già bản tiên tổ và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cứ đến ngày 16 tháng Giêng, đồng bào Ma Coong lại tổ chức lễ cúng tế và đánh trống. Hoạt động ấy dần hình thành lễ hội đập trống của người dân tộc Ma Coong sau này.
Xuân năm nay cũng vậy. Đúng ngày 16 tháng Giêng, chính quyền địa phương cùng cộng đồng người Ma Coong lại tổ chức Lễ hội đập trống. Lễ hội năm nay được tổ chức quy mô hơn, thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương sau khi bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Lễ hội không chỉ để cúng Giàng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi mà còn là dịp cho những đôi trai gái gặp gỡ, hẹn hò, trao cho nhau hẹn ước.
Thanh niên thi nhau đánh trống và chờ trống vỡ để được… tự tình.
Để chuẩn bị cho lễ hội, bà con Ma Coong đã làm trống bằng da trâu, dựng trại, chuẩn bị đồ ăn để đón tiếp người dân bản khác về dự. Mâm cỗ cúng Giàng được chuẩn bị gồm có: rượu cần, gà, cá, xôi, hoa chuối rừng, ngọn cây mây, thân cây đoác. Già làng Đinh Xon được cử làm chủ lễ cúng Giàng.
Sau phần nghi lễ, bà con dân bản, đại biểu và du khách cùng uống rượu mừng mùa trăng mới, tham gia đập trống trong không khí vui nhộn.
Trong men rượu cần mềm môi, những thanh niên khỏe mạnh cầm cây dùi thi nhau đánh mạnh vào mặt trống cho tới khi… trống vỡ. Lúc này, những đôi trai gái hẹn hò, tìm nơi tự tình trong men say và tình yêu đôi lứa. Đây là nét độc đáo riêng có của Lễ hội đập trống Ma Coong tạo nên sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên và tình yêu đôi lứa của đồng bào dân tộc Ma Coong ở phía tây Quảng Bình.
Theo HƯƠNG GIANG (Nhân Dân)