Họa sĩ Trương Thúy Anh tại triển lãm "Miêu".
Phiên chợ nghệ thuật tháng 7 diễn ra từ ngày 7 đến 13 tại không gian nghệ thuật và xưởng vẽ của nghệ sĩ thị giác Trương Thúy Anh. Nằm ở phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội), không gian xanh mát này đã trở thành địa chỉ quen thuộc không chỉ của giới nghệ sĩ với những cuộc trưng bày tranh, tượng gốm, đồ thủ công mà còn thu hút người yêu nghệ thuật bởi thường xuyên tổ chức các cuộc mở xưởng, triển lãm gốm, đối thoại cùng nghệ sĩ, giao lưu thơ-nhạc-họa và các buổi thực hành toan, mầu dành cho các bạn nhỏ trải nghiệm...
Được khởi xướng từ tháng 12/2022, phiên chợ nghệ thuật đầu tiên tại Hà Nội được lấy ý tưởng từ lễ hội mua quà tặng Noel phổ biến ở các nước phương Tây, với hoạt động mua bán tranh, tượng, điêu khắc, gốm ứng dụng, sản phẩm làm bằng tay...
Tên ban đầu của dự án rất gần gũi, đưa nghệ thuật tiếp cận cộng đồng, đúng như mong muốn của người sáng lập. Làm thế nào để mọi người, mọi lứa tuổi có thể tiếp cận nghệ thuật, tạo dựng thói quen mua tác phẩm nghệ thuật làm quà tặng trong các dịp tân gia, sinh nhật, khai trương.
Vì vậy, phiên chợ nghệ thuật hoạt động đều đặn hằng tháng với sự tham gia, giới thiệu tác phẩm tranh, tượng, gốm của rất nhiều họa sĩ tên tuổi như Trịnh Vũ Hiếu, Nguyễn Ngọc Cương, Hoàng Đỗ Cường, Nguyễn Nam Đồng, Nguyễn Phan Bách, Trần Hoàng Hải Yến...
Giá bán các tác phẩm nghệ thuật tại phiên chợ được giảm đến 50% để nhiều người tiếp cận được với tranh, tượng, gốm và có thể mang nghệ thuật về nhà. Sau nhiều sự kiện trưng bày, giới thiệu tác phẩm nghệ thuật có chất lượng tốt, nhận thấy sự quan tâm, tìm đến thưởng lãm của người yêu nghệ thuật ngày càng nhiều, được giới nghệ sĩ ủng hộ, họa sĩ thị giác Trương Thúy Anh càng được thôi thúc đưa nghệ thuật một cách gần gũi vào không gian sống, góc nhà, góc làm việc mỗi gia đình. Đó cũng là lý do phiên chợ nghệ thuật được duy trì hằng tháng, là hoạt động nghệ thuật bên cạnh các triển lãm, trưng bày, tọa đàm mang tính chuyên môn sâu.
Không chỉ mang đến phiên chợ nghệ thuật các tác phẩm thẩm mỹ, chất lượng tốt, là thành quả sáng tạo và làm việc nghiêm túc của các nghệ sĩ, các sản phẩm trưng bày là độc bản, công khai, minh bạch về giá và có giấy chứng nhận tác phẩm.
Chia sẻ về phiên chợ nghệ thuật, nghệ sĩ thị giác Trương Thúy Anh cho biết: “Quan sát nhu cầu tìm hiểu và sở hữu các bức tranh, tượng, gốm... tôi biết nhiều người không biết mua tác phẩm chất lượng nghệ thuật ở đâu.
Nếu cứ mua tranh in hàng loạt, tranh chép hay sản phẩm lưu niệm của Trung Quốc, Việt Nam khó có được thị trường nghệ thuật sôi động, lành mạnh. Chúng tôi mong muốn phiên chợ nghệ thuật hằng tháng là nơi giới thiệu các tác phẩm của các nghệ sĩ cũng như mang nghệ thuật đến với công chúng một cách giản dị nhất”.
Các hoạt động tại phiên chợ này sẽ kết nối những người sưu tập, người yêu nghệ thuật với nghệ sĩ và tác phẩm, góp phần ủng hộ nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, vừa là cơ hội công chúng tiếp cận tác phẩm có chất lượng cũng như những tác phẩm mang tính sáng tạo, cá tính riêng.
Trong bối cảnh các bộ môn nghệ thuật phát triển sôi động, nhu cầu tìm hiểu về tác phẩm nghệ thuật ngày càng tăng, nghệ sĩ hoạt động sôi nổi trên nhiều lĩnh vực, tự do biểu đạt và sáng tác, mong muốn đưa nhiều tác phẩm mang tính thẩm mỹ và giá trị đến công chúng.
Hệ thống bảo tàng, các triển lãm, các phòng trưng bày nghệ thuật như VCCA, The Outpost, The Muse Artspace... thu hút nhiều lượt khách đến xem tác phẩm nghệ thuật, tiếp xúc các chuyên gia, giám tuyển nghệ thuật để học hỏi, mở rộng khả năng thụ cảm thẩm mỹ, biết cách xem và thụ hưởng một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, việc xây dựng và phát triển thị trường nghệ thuật Việt Nam rất cần thiết.
Trong một cuộc thảo luận, trao đổi gần đây với chủ đề “Nghệ sĩ đối diện với thị trường, làm thế nào để sống được bằng nghề”, các giám tuyển nghệ thuật, nghệ sĩ, nhà sưu tập, nhà đầu tư... đề xuất nhiều ý kiến và giải pháp xây dựng và phát triển thị trường nghệ thuật Việt Nam, trong đó cần rõ ràng khâu định giá tác phẩm và minh bạch giá tác phẩm nghệ thuật.
Việc không minh bạch giá cả ở một thị trường hoặc phân khúc nhỏ, là rào cản ngăn cách người yêu nghệ thuật tiếp cận được tác phẩm. Một số ý kiến cho rằng, hoạ sĩ nên dành thời gian cho chuyên môn sáng tác. Còn vấn đề thương mại sản phẩm, nên có người đại diện cho họa sĩ, trong đó phòng trưng bày có thể coi là kênh đại diện cho tác giả và tác phẩm.
Tuy nhiên, một số nghệ sĩ cho biết, việc gửi tranh tại một số phòng trưng bày không hiệu quả, do tác phẩm thường bị đẩy giá lên quá cao khiến người mua e dè, ngại ngần. Các giao dịch tại phòng tranh vì thế không hiệu quả và nghệ sĩ thấy rằng cần chuyển hướng trao đổi, mua bán online hoặc tự kết nối với công chúng.
Trước các vấn đề nghệ sĩ đối diện với thị trường, tương tác và kết nối với công chúng, phiên chợ nghệ thuật sẽ là cầu nối giữa tác giả-tác phẩm-công chúng, tạo lập đời sống nghệ thuật và tiên phong ủng hộ thị trường nghệ thuật minh bạch, chuyên nghiệp phát triển.
Theo Nhân Dân