Độc đáo “snack bưởi”

28/11/2023 - 06:17

 - Với mong muốn tạo ra sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, trên cơ sở tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ địa phương, cô gái trẻ Huỳnh Thị Kim Tiên (phường Long Sơn, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) đã tìm tòi, nghiên cứu, cho ra thị trường sản phẩm từ vỏ bưởi với tên gọi “snack bưởi”. Sản phẩm đang được thị trường đón nhận tích cực.

“Snack bưởi”, với hương vị độc đáo, được người tiêu dùng ưa chuộng

Thêm ý tưởng từ trái bưởi

Đối với nông dân trồng bưởi, để có những trái bưởi căng tròn đưa ra thị trường, phải tuyển chọn, cắt bỏ bớt một số trái non. Tận dụng loại trái non bỏ đi, Huỳnh Thị Kim Tiên đã tạo ra đặc sản mới, mang đậm dấu ấn địa phương với tên gọi “snack bưởi”.

Tiên cho biết, ý tưởng về sản phẩm “snack bưởi” được hình thành từ giai đoạn bùng phát dịch bệnh COVID-19. Thời điểm này, nông sản địa phương khó tiêu thụ, trong đó có bưởi. Trên thị trường xuất hiệu nhiều loại sản phẩm tốt cho sức khỏe, hỗ trợ người bệnh COVID-19. Qua tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, nhận thấy vỏ bưởi có tinh dầu, tốt cho phổi và hô hấp, nên Tiên quyết định khởi nghiệp với loại nông sản này.

“Thời điểm đó, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại sản phẩm từ vỏ bưởi, nhất là vỏ bưởi sấy dẻo. Do vậy, mình đã chọn phương pháp sấy giòn, khi ăn sẽ có cảm giác như đang ăn snack, một món ăn vặt của nhiều người. Đặc biệt, sản phẩm không có nhiều đường nên an toàn và tốt cho sức khỏe người sử dụng” - Tiên chia sẻ.

Để có được sản phẩm chất lượng, khâu chuẩn bị nguyên liệu rất quan trọng. Bưởi được lựa chọn phải đảm bảo không quá già, cũng không được quá non; trái khoảng 3,5 tháng, có màu sắc đẹp, không bị sâu bệnh hoặc côn trùng cắn. Những trái bưởi sau đó được tách lấy vỏ, cắt thành từng miếng rồi ngâm trong dung dịch nước muối pha loãng, nồng độ 3% để loại bỏ tạp chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi làm sạch, vỏ bưởi được thái thành lát mỏng, tẩm ướp gia vị theo tỷ lệ thích hợp rồi cho vào lò sấy. Nhiệt độ thích hợp trong lò đạt khoảng 400C, được sấy từ 12 - 18 giờ.

“Trong quá trình tìm kiếm nguồn nguyên liệu, mình ưu tiên lựa chọn nhà vườn canh tác theo hướng an toàn. Nhờ đó, sản phẩm làm ra tốt cho sức khỏe người tiêu dùng” - cô gái trẻ bộc bạch.

“Snack bưởi” được làm từ nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng các chất bảo quản hay phụ gia. Không giống với những loại mứt vỏ bưởi khác trên thị trường, sản phẩm này được lát mỏng, có độ giòn, vị ngọt, chua nhẹ, hơi the nhưng không đắng, được dùng như một món ăn vặt, nhiều người ưa chuộng.

Chinh phục thị trường

Từ khi có mặt trên thị trường đến nay, sản phẩm “snack bưởi” của Huỳnh Thị Kim Tiên luôn nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của khách hàng. Giữa năm 2022, Tiên cùng bạn thành lập Công ty TNHH SXTM Đại Hồng Tiến (trụ sở tại phường Long Sơn, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang).

Sau đó, Tiên được hỗ trợ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Ngày hội tam nông (TP. Long Xuyên). Ra mắt thị trường với 200 hộp “snack bưởi”, chỉ trong 3 ngày, Tiên đã bán hết. Sản phẩm nhận được sự yêu thích và phản hồi tích cực từ khách hàng. Đây là khởi đầu tốt để Tiên mở rộng thị trường.

Sau một năm hình thành và phát triển, thương hiệu “snack bưởi” Đại Hồng Tiến đã được ghi nhận ở nhiều đối tượng khách hàng, từ học sinh, sinh viên, người làm việc văn phòng cho đến hộ gia đình. Sản phẩm được bán với giá bình dân, 70.000 đồng/hộp (100gr) nên phù hợp với đa số người tiêu dùng. Thị trường chủ yếu ở tỉnh An Giang, TP. Hồ CHí Minh, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), TP. Hà Nội…

Tiên cho biết, có được kết quả trên, một phần là nhờ vào sự chung tay, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, tạo điều kiện tham gia, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Ngoài bán trực tiếp, Tiên còn đẩy mạnh chia sẻ trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... để mở rộng thị trường. “Với xu hướng tiêu dùng hiện nay, “snack bưởi” cơ bản được khách hàng ủng hộ, vì sản phẩm mang hương vị độc đáo, thân thiện với môi trường. Hiện, mỗi tháng công ty cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 hộp” - Tiên đánh giá.

Bên cạnh tăng thu nhập cho gia đình, việc phát triển sản phẩm “snack bưởi” của cô gái trẻ còn giúp nông dân có thêm đầu ra cho trái bưởi và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Huỳnh Thị Kim Tiên đang hoàn tất hồ sơ, đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho “snack bưởi”. Tiên cũng đang nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm từ các loại cây dược liệu có ở địa phương, trong đó có nhân trần và bồ công anh.

ĐỨC TOÀN