Độc đáo Tết tháng Bảy của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai

08/08/2024 - 08:34

Ngay từ những ngày đầu tháng 7 Âm lịch, đồng bào dân tộc Lào Cai đã chuẩn bị các nghi thức để đón rằm.

Rằm tháng 7 đối với đồng bào vùng cao được coi là cái Tết lớn chỉ sau Tết Nguyên đán. Trong dịp này, những tín ngưỡng thờ cúng dân gian cùng phong tục, tập quán giàu bản sắc của mỗi tộc người được thể hiện rõ nét; bên cạnh sự tương đồng còn có những nét riêng, độc đáo.

Đậm sắc văn hóa vùng cao

Trong tiếng Giáy, rằm tháng 7 có cách gọi “tết Xíp xỉ”. Tết này thường được tổ chức vào chiều 14/7 Âm lịch. Để chuẩn bị cho Tết, những ngày này, gia đình bà Liềng Thị Mai (dân tộc Giáy, xã Cốc San, thành phố Lào Cai) đang tất bật sửa soạn nguyên liệu để cùng nhau gói bánh rợm thường gọi là "háu pẻng" - loại bánh không thể thiếu để dâng cúng tổ tiên ngoài lễ vật cỗ cúng khác được sắm chu đáo như: gà luộc, thịt lợn, xôi ngũ sắc, canh...

Các công đoạn để làm ra chiếc bánh rợm của người Giáy không đơn giản, cần chuẩn bị lá chuối khô, ngâm gạo nếp, nghiền ra làm vỏ bánh, làm nhân bánh, rồi mới đến khâu gói và hấp bánh. Theo kinh nghiệm của bà Mai, để có được chiếc bánh rợm thơm từ lớp vỏ chuối thì bánh phải được gói bằng lá chuối rừng. Phần vỏ bánh làm từ bột gạo nếp, ngon nhất là gạo nếp trồng trên nương được xay kỹ bằng cối xay đá truyền thống. Để lớp bột mềm và mịn, bà Mai phải lọc bột bằng chiếc túi may bằng vải xô treo trên một cái sào cho nước trong túi bột nhỏ xuống, cuối cùng còn lại lớp bột mềm và mịn. Cách làm này tuy kỳ công nhưng bột sẽ rất mềm và dẻo.

Nhân bánh rợm của người Giáy có 2 loại: mặn và ngọt. Với loại nhân mặn, bà Mai thường làm bằng lạc hấp chín, giã nhuyễn rồi xào với hành mỡ thật thơm, nêm mắm, muối vừa đủ. Nếu muốn làm nhân ngọt thì cho đường vào lạc, đồng thời trộn thêm một chút vào vỏ bánh. Với loại nhân đỗ cũng làm tương tự.

Với người Tày, rằm tháng 7 mang nhiều ý nghĩa, được coi như một dấu mốc quan trọng của quá trình sản xuất trong năm. Mùa này, người dân thu hoạch xong vụ Xuân và cấy xong lúa mùa. Vì thế, nhà nhà mở tiệc ăn mừng, làm cỗ thắp hương mời tổ tiên về chứng kiến và mong được phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây lúa sinh trưởng tốt tươi. Đặc biệt, rằm tháng 7, hầu như mọi gia đình đều ăn thịt vịt.

Người Tày có câu: "Bươn chiêng kin nhớ cáy, bươn chất kin nhớ pất", nghĩa là: Tết tháng Giêng ăn thịt gà, Tết tháng Bảy ăn thịt vịt. Vì vậy, thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong ngày rằm tháng 7. Các gia đình chọn hai con vịt to, béo, một đực, một cái để mổ làm cơm cúng tổ tiên. Tùy theo từng dòng họ, đôi vịt có thể mổ, luộc lên và để vào đĩa, dâng cúng cả con hoặc chặt thành miếng nhỏ xếp vào đĩa rồi đặt vào mâm cơm.

Ngoài vịt luộc, món đặc trưng nhất của người Tày là vịt quay mắc mật. Vịt mổ xong, tẩm ướp đầy đủ gia vị trong đó không thể thiếu thành phần quả mắc mật. Mùa quả mắc mật thường rơi vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 hàng năm. Loại cây này mọc dại trên núi cao hoặc núi đá. Quả mắc mật tươi có vị chua, ngọt, thanh thanh. Sau khi phơi khô được bỏ cối giã cả hạt. Hạt mắc mật bùi bùi thơm béo, ướp với vịt, thêm muối, ít tiêu tầm một đến vài tiếng, sau đó nhồi lá mắc mật vào bụng con vịt rồi khâu lại, phết một chút mật ong rừng lên ngoài da đem quay. Hiện, món thịt vịt quay lá mắc mật của người Tày trở thành món ăn đặc sản, được nhiều người yêu thích.

Góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc

Cộng đồng người dân tộc thiểu số Lào Cai quan niệm rằng, rằm tháng 7 vừa là dịp để người dân cầu mong mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, vừa là dịp để gia đình đoàn tụ, tri ân công dưỡng dục của cha mẹ, tưởng nhớ tổ tiên. Đề cao giá trị gia đình trong những ngày Tết tháng 7 chính là nét đẹp văn hóa đậm tính nhân văn đã được đồng bào duy trì từ ngàn đời nay.

Người Nùng ở huyện biên giới vùng cao Mường Khương lấy ngày 14 (Âm lịch) là ngày chính rằm. Tuy nhiên, người dân không ăn rằm vào mỗi ngày 14, mà rải ra từ đầu tháng. Vào ngày chính rằm, con cháu tụ họp đông đủ, cùng nhau sửa soạn mâm lễ cúng tưởng nhớ tổ tiên. Trong Tết rằm tháng 7, mỗi nhà sẽ có trứng gà luộc nhuộm đỏ cho trẻ em, mỗi bé 2 quả để cầu mong trẻ lớn lên mạnh khỏe, có cuộc sống đủ đầy, có đôi lứa và gia đình hạnh phúc.

Ngay từ đầu tháng 7, gia đình anh Vàng Văn Thế (thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương) đã chọn ngày đẹp để sửa soạn bánh, rượu thắp hương tổ tiên và biếu cha mẹ, làm cỗ mời anh em, họ hàng đến ăn rằm. Đây cũng là dịp cả gia đình sum họp, con cái thu xếp công việc về thăm cha mẹ. Anh Thế cho biết: "Người Nùng chúng tôi bắt đầu ăn rằm tháng 7 từ ngày mùng 1 đến ngày 15/7 (Âm lịch). Tùy từng gia đình sẽ ăn rằm vào những ngày khác nhau".

Đây là dịp con gái và con rể mang lễ về thăm nhà ngoại để tỏ lòng biết ơn công sinh thành của cha mẹ. Sau một năm cùng gia đình nhỏ chú tâm công việc làm ăn, quán xuyến hương khói, thờ phụng ông bà tổ tiên nhà chồng, ngày rằm tháng 7, con gái sẽ trở về thăm bố mẹ đẻ. Lễ mang về thăm cha mẹ bên ngoại ít nhiều do từng nhà, nhưng không thể thiếu 2 con vịt béo, vài cặp bánh chuối và một chai rượu nhỏ. Khi mang vịt đến, con rể và con gái sẽ tự tay thịt vịt và cùng nhau làm mâm cỗ để bày lên thờ cúng tổ tiên tỏ lòng biết ơn, tri ân, báo hiếu công ơn cha mẹ.

Cùng có ý nghĩa chung là thờ cúng tổ tiên, gia đình, dòng họ sum họp… trong tháng 7, nhưng đối với mỗi dân tộc, cách thức tổ chức các nghi lễ, tín ngưỡng lại có sự khác biệt. Phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc gắn với việc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở, các phong tục, tập quán thể hiện tinh thần nhân văn tốt đẹp vào dịp rằm tháng 7 đang được đồng bào các dân tộc Lào Cai tích cực bảo tồn và gìn giữ.

Theo TTXVN