Độc đáo thú chơi bể thủy sinh

04/04/2023 - 07:18

 - Du nhập từ khá lâu, nhưng khoảng 10 năm nay, thú chơi thủy sinh mới bắt đầu phát triển tại An Giang. Bằng sự sáng tạo, thẩm mỹ, người chơi như mang cả thế giới tự nhiên thu gọn trong bể kính. Thú chơi này mang lại cảm giác thư thái, bình yên, đưa con người gần gũi hơn với thiên nhiên giữa bộn bề cuộc sống...

Cửa hàng Guppy Xanh của anh Vinh cung cấp nhiều sinh vật, tiểu cảnh phục vụ nhu cầu chơi thủy sinh, cá cảnh

Thú chơi lắm công phu

Cùng với thú chơi cá kiểng (cá cảnh), phong trào chơi thủy sinh phát triển thời gian gần đây. Xuất phát từ mong muốn gần gũi thiên nhiên, làm đẹp không gian sống, cộng với niềm đam mê sáng tạo, người chơi thủy sinh đã đưa vào bể kính những tiểu cảnh thiên nhiên lung linh đầy sức sống.

Chơi thủy sinh và chơi cá cảnh có đặc điểm chung là đều được trưng bày trong bể kính và đặt trong nhà. Tuy nhiên, 2 loại hình này có điểm khác nhau. Nếu chơi cá cảnh thiên về hướng “chăn nuôi”, thì chơi thủy sinh nghiêng về “trồng trọt”, chú trọng chăm sóc các loại cây cảnh dưới nước. Anh Quách Phú Vinh (phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên) cho biết, đây là loại hình nghệ thuật có nguồn gốc từ Nhật Bản. Thú chơi này có phong cách riêng. Tùy sở thích của từng người, mà lựa chọn các loại đối tượng khác nhau, như: Đá, gỗ lũa, các loại cây thủy sinh, hay kết hợp tất cả trong một tác phẩm…

Mỗi phong cách sẽ tạo ra bố cục với những cách kết hợp, sắp xếp khác nhau. Do đó, thú chơi thủy sinh thường thể hiện ý tưởng, phong cách theo hướng cá nhân. Tuy nhiên, dù là phong cách nào, để tiếp cận với loại hình nghệ thuật này cần phải trang bị các kiến thức cần thiết.

Theo đó, mỗi bể thủy sinh gồm 2 phần, phần cứng và phần mềm. Phần cứng, gồm bể kính, đèn, máy lọc nước, bình CO2... Còn phần mềm là các loại động, thực vật, vật phẩm trang trí, như: Đá, gỗ lũa, cây thủy sinh, cát, phân nền… Từ những phần này, người chơi có thể “biến hóa” thành nhiều tác phẩm nghệ thuật sinh động.

Mặt khác, để duy trì cho các loại cây thủy sinh trong bể sinh trưởng tốt, người chơi cần chú ý các yếu tố về nhiệt độ, nước, ánh sáng. Ngoài ra, lượng khí CO2, dinh dưỡng và khoáng chất thích hợp là yếu tố cần thiết để cây thủy sinh, các loại cá, tép có điều kiện phát triển tốt nhất.

Làm đẹp không gian sống

Là một trong những người có nhiều năm tiếp cận với loại hình mang tính nghệ thuật này, anh Quách Phú Vinh sở hữu nhiều tác phẩm độc đáo. Anh Vinh cho biết, thú chơi này đang phát triển, hàng hóa phục vụ người chơi nhiều hơn, nên những người có đam mê dễ dàng tiếp cận.

“Tùy theo kích thước bể, các loại động - thực vật, vật phẩm đi kèm, mà giá các loại bể thủy sinh khác nhau. Loại bình dân có giá dưới 1 triệu đồng, cao hơn một chút từ 6 - 8 triệu đồng. Đối với những người chơi bài bản, công phu, mỗi bể có giá vài chục triệu đồng” - anh Vinh chia sẻ.

Với 4 năm tham gia, cùng với tự tìm tòi, học hỏi mà anh Vinh đã “bỏ túi” kha khá kinh nghiệm. Từ việc chơi đơn thuần vì đam mê, năm 2021, anh mở cửa hàng kinh doanh các loại vật dụng chuyên dùng cho bể thủy sinh. Cửa hàng Guppy Xanh của anh Vinh nằm đối diện cổng Trường Đại học An Giang.

Tại đây, cung cấp hơn 50 loại cây thủy sinh. Các loại cây được lựa chọn nhiều, như: Luân thảo, lông chim, tân đế, abubias nana petite, trầu bà nana, trầu bà tròn, trầu bà nghệ mi-ni… Các loại cây cảnh này có giá từ vài chục ngàn đồng đến khoảng 100.000 đồng. Cửa hàng còn cung cấp hơn 100 loại cá cảnh khác nhau, với giá từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng.

Ngoài ra, anh Vinh còn cung cấp các loại đá, lũa, tượng, tiểu cảnh… các loại máy móc, thiết bị cho việc trang trí bể. Không chỉ cung cấp nguyên - vật liệu, anh Vinh còn hướng dẫn, hỗ trợ những người mới chơi tiếp cận loại hình này.

Là thú chơi mang tính sáng tạo, do đó tùy vào điều kiện, sở thích, cứ vài tháng người chơi có thể trang trí lại bể theo phong cách mới. Theo anh Vinh, dù lựa chọn phong cách, bố cục nào, người chơi cũng cần am hiểu nguyên lý sinh trưởng, phát triển của từng loại cây.

Bên cạnh đó, lựa chọn các loại cây phù hợp ở từng vị trí trong bể để đạt hiệu quả thẩm mỹ. Khi chơi bể thủy sinh, người chơi phải chú trọng đến phần lọc nước, bởi đây được ví như “trái tim” của bể. Nếu môi trường ổn định, các loại cây cảnh sẽ phát triển tốt, góp phần tăng thêm vẻ đẹp cho không gian bể thủy sinh.

Không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, thú chơi mới này đã nhận được sự yêu thích của những ai yêu thiên nhiên, cỏ cây và sự sáng tạo. Những bể thủy sinh với cây cỏ, gỗ, đá, cá… mang những phong cách riêng, đã và đang mang lại sự thư giãn cho người chơi sau chuỗi ngày học tập, lao động vất vả.

MINH ĐỨC