Năm 2012, chị Trịnh Thị Hoàng Hoa, phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên) đăng ký đi làm việc ở Hàn Quốc với mục tiêu kiếm thu nhập cao. Chị Hoa cho biết, thời điểm đó, mức lương cơ bản là 25 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca sẽ tăng lên 40 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng chị tích lũy được 30 triệu đồng gửi về cho gia đình. Sau 3 năm đi làm việc nước ngoài, chị Hoa tích lũy được khoảng 1 tỷ đồng. Gia đình chị vượt qua khó khăn, cất lại ngôi nhà khang trang, mua đất để cha, mẹ sản xuất tăng thu nhập. Điều chị Hoa tâm đắc là thời gian làm việc ở nước ngoài giúp chị rèn luyện được tính tự lập và tác phong công nghiệp. Chị Hoa tiếp tục đăng ký đi làm với mong muốn tích lũy thêm vốn và kinh nghiệm, để trở về mở tiệm kinh doanh áo cưới và trang điểm.
Tốt nghiệp THPT, chị Đỗ Thị Kiều Loan (xã Tân Trung, Phú Tân) đi làm ở tỉnh Bình Dương, thu nhập rất bấp bênh. Nghe thông tin về cơ hội đi xuất khẩu lao động, chị đăng ký đi làm tại Nhật Bản vào năm 2015 trong ngành thực phẩm. Mỗi tháng, sau khi trừ các khoản chi phí, chị tích lũy được 20 triệu đồng. Sau thời gian đi làm, chị không chỉ giúp gia đình khá hơn mà còn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 70 con heo thịt. Đầu năm 2018 trở về, chị tiếp tục đăng ký đi làm tại Hàn Quốc. “Sau 3 năm, tôi thấy cuộc sống tốt hơn, trở thành người có trách nhiệm, học hỏi nhiều điều như: tính tự lập, ý thức trách nhiệm, học hỏi văn hóa, phong cách làm việc của nước bạn. Lao động trẻ đi làm công ty rất nhiều và họ rất mến lao động Việt Nam” - chị Loan chia sẻ.
Tư vấn cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Tân Võ Thanh Tùng thông tin, năm 2018, huyện Phú Tân có 51 người đăng ký xuất khẩu lao động, trong đó có 19 lao động đi làm việc chính thức, số còn lại đã được ký hợp đồng, đang học ngoại ngữ và sẽ tham gia tiếp tục vào đầu năm 2019. Để đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn, huyện đã quan tâm tuyên truyền để người dân, người lao động hiểu được ý nghĩa đề án của tỉnh, đồng thời nắm được chính sách hỗ trợ người xuất khẩu lao động. Hiện nay, mỗi người được vay tín chấp tối đa 80 triệu đồng, đảm bảo cân đối 70-80% chi phí khi tham gia xuất khẩu lao động. Các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, TP. Long Xuyên là những địa phương thực hiện khá tốt công tác xuất khẩu lao động thời gian qua.
Năm 2018, huyện Châu Thành đã xuất khẩu lao động 40 người, chủ yếu tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành Tạ Thị Ngọc Thạch thông tin, đối tượng được tập trung tuyên truyền là lao động trẻ, lao động ở các vùng nông thôn, học sinh ở các trường THPT. Năm 2019, Châu Thành sẽ tuyên truyền, tư vấn, định hướng xuất khẩu lao động cho lực lượng thanh niên xuất ngũ trên địa bàn huyện. Lực lượng này khá đông, có sức khỏe và trình độ có thể đáp ứng các yêu cầu cơ bản của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên xuất ngũ.
Những tấm gương cụ thể chia sẻ thành công sau thời gian xuất khẩu lao động trở về.
Nếu trước đây, tâm lý người lao động còn e ngại đi làm việc nước ngoài do hiểu biết hạn chế, thị trường chủ yếu là Malaysia, Đài Loan, thu nhập chưa hấp dẫn, thì nay cơ hội đã rộng mở hơn nhiều. Đáng chú ý là cùng với tuyên truyền những quyền lợi, lợi ích của việc xuất khẩu lao động, người dân còn được chính quyền tiếp sức về tinh thần, tài chính, nêu điển hình những lao động cụ thể đã thành công trở về. Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 trong số thị trường được ngành chức năng lẫn người lao động hướng tới. Bởi, 2 thị trường có nền kinh tế, chính trị ổn định, pháp luật về lao động tương đối hoàn thiện, thu nhập rất cao, việc đảm bảo quyền, lợi ích cho người lao động trong thời gian qua khá tốt. Việc làm phổ biến có thể tham gia tại 2 nước này là dệt may, công nghiệp thực phẩm, xây dựng, chế biến đồ hộp… là những nghề lao động phổ thông, phù hợp trình độ, tay nghề của phần lớn người lao động. Thu nhập hiện nay tùy theo hợp đồng, bình quân sau 3 năm, lao động tích lũy được 400-500 triệu đồng.
MỸ HẠNH