Bữa nay, ông Nguyễn Văn Tuấn (49 tuổi, ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) đẩy xe dừa ra trễ. Ông bảo, trời mưa, dừa ít nên phải chờ ghe đến. Ở độ tuổi ngũ tuần, ông vẫn phải vác từng quày dừa từ dưới ghe lên bờ, rồi xếp vào xe đẩy một mình. Gần 200 trái chứ ít ỏi gì! Chút trưa, vợ ông nấu cơm xong đem cà-mên cơm ra, vợ, chồng cùng bán, cùng ăn, cùng đội mưa, đội nắng với nhau. Cứ vậy, đã hơn 20 năm trôi qua!
“Cha tôi có nghề sửa tivi, đầu đĩa.Dần dần, cuộc sống thay đổi, ổng gần như thất nghiệp. Thấy vậy, tôi chọn nghề bán dừa, ai dè bám trụ được đến nay. Nhiều lúc nặng nhọc, mệt mỏi lắm, nhưng bỏ nghề này, biết làm nghề nào bây giờ? Thôi thì tự an ủi mình, ít ra đi bán dừa vẫn khỏe hơn làm hồ, bán vé số”- ông Tuấn cười như mếu.
Mỗi ngày ráng một chút, ráng mãi cũng đến lúc các con ông trưởng thành, vợ, chồng ông già đi mà lưng vẫn còn oằn nặng chuyện mưu sinh. Bán hôm nay, lo trả tiền góp cho ngày mai. Thấy trời mưa, chạnh lòng mình trong chiếc áo đơn bạc. Cây dù che trên đầu phai màu dần, lỗ chỗ rách, có che chở họ được bao nhiêu…
Mùa nắng nóng cao điểm, mỗi xe dừa bán được cả trăm trái/ngày là chuyện bình thường. Ngày mưa, khách mua ít, nhưng cũng được non nửa con số trên. Giá mỗi trái dừa dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng, tùy lớn, nhỏ, non hay già. Khách cũng chẳng mấy khi trả giá, nói sao chịu vậy. Ít người bán nói thật thu nhập từ nghề, chỉ trả lời đại khái “đủ sống”.
“Đủ tiền chợ, sở hụi mỗi tháng là mừng rồi! Còn nói bán dừa để làm giàu thì chắc chỉ có vựa lớn, chuyên bỏ sỉ thôi, chứ mua đi bán lại như tụi tui thì đâu dám mơ cao! Vậy mà có cha “nổ” trên báo, nói ngày bán được cả triệu bạc. Dòng họ tui tưởng tui thu nhập khá lắm, dí theo mượn tiền liên tục”- ông Trần Thanh Hữu (45 tuổi, ngụ xã Bình Long, Châu Phú) cười hề hề.
Những hình ảnh quen thuộc của người bán dừa dạo
Tính ra, mua gánh bán bưng có khi nào sung sướng, an nhàn! Người bán dừa cũng vậy, trăm niềm hy vọng trông chờ vào từng trái dừa oằn tay. Có chút vốn thì họ chở dừa đi bán bằng xe honđa, tốn chút xăng nhưng đỡ chút sức.Nếu không, chân họ phải bước đo đếm mọi nẻo đường, tay dùng sức vào chiếc xe đẩy, bao nhiêu giọt mồ hôi rơi là bấy nhiêu mặn mòi tưới vào cuộc đời. Chưa kể, sự cạnh tranh trong nghề vẫn diễn ra thường xuyên, tiếng bấc tiếng chì khiến các “đồng nghiệp” phải tách nhau ra, mỗi người chọn một góc đường riêng, “nước sông không phạm nước giếng”. Rồi phải lo đến việc bị lực lượng chức năng nhắc nhở vì đậu xe lấn chiếm lòng, lề đường. Nhưng thôi, nước dừa ngọt mát nuôi sống họ ngần ấy năm, chút mệt mỏi cũng đã sớm quen rồi... Được cái, nghề tự do lắm, muốn bán lúc nào thì bán, có khi rong ruổi đến 8-9 giờ đêm. Cảm thấy mệt, mắc công chuyện đột xuất là ngưng ngang, hổng bán nữa.
Tôi ít khi mua cả trái dừa chở về, mà mặc định nhờ người bán chặt sẵn, đổ vào bọc ny-lon cho đỡ mất công. Cũng đã quen với cung cách “phục vụ khách hàng” nên chỉ cần khách trờ xe đến, người bán miệng hỏi, tay đã cầm sẵn dao chờ... ra tay. Họ sử dụng dao lớn, dao nhỏ thuần thục vạt mặt trái dừa, đổ nước vào bọc một cách gọn gàng, mất chưa đầy 1 phút. Cứ thế, bộ quần áo họ mặc dần nhiều hơn những vệt thâm đen do tiếp xúc với dừa, hầu như chẳng khi nào thật sự khô ráo. Riết rồi cũng quen, cảm giác mát mát ở vạt áo làm họ quên đi nắng nóng, mệt mỏi cả ngày dài.Hôm nào, chiếc áo khô queo coi như thất thu, ế lên ế xuống, nghe lòng đau như ai nhéo!
Tôi nhớ tiếng hỏi mua dừa trong trẻo, dịu dàng của người phụ nữ bán dừa góc đường Nguyễn Huệ một buổi trưa nắng gắt. Tôi nhớ cách trò chuyện dí dỏm, có duyên của người đàn ông ở chợ cồn Mỹ Hòa Hưng, sẵn sàng “tặng” thêm cho chúng tôi cái dừa “ăn cho đã miệng”.Tôi nhớ bộ dáng ướt đẫm vì cơn mưa nặng hạt của 1 bé gái theo mẹ rong ruổi cùng xe dừa.Tôi chỉ là người khách đi ngang qua cuộc đời họ, dừng lại một chút để mua mát ngọt cho mình, nào có thể chia sẻ với họ nhiều hơn. Nhưng tôi tin rằng, trái dừa vẫn mang đến ngọt ngào cho đời họ, giúp họ vượt qua khó khăn của chính mình. Bởi, họ đã chọn một trong những công việc chân chính, vươn lên bằng sức lao động bản thân. Mà dường như, trời chẳng phụ lòng người bao giờ…
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG