Một Văn Toàn đúng như mong đợi đã xuất hiện kịp thời chớp cơ hội ghi bàn thắng mở màn cho trận đấu đầy cống hiến và kịch tính giữa Thép Xanh Nam Định và Hà Nội FC. Văn Toàn gọi thì Xuân Mạnh đáp lời. Pha bật nhảy đánh đầu gỡ hòa của Xuân Mạnh đã tiếp thêm khí thế để Tuấn Hải ra chân cực nhạy giúp Hà Nội FC vượt lên dẫn 2-1 ở phút 90+3.
Ảnh minh họa: bongda.com.vn |
Và rồi đội quân thành Nam trào lên. Hai bàn thắng cũng đầy bất ngờ và tài nghệ ở vài phút cuối đã giúp đội chủ nhà có chiến thắng chung cuộc 3-2. Một trận đấu đỉnh cao V-League có thắng-thua nhưng đem lại niềm vui và hy vọng cho tất cả.
Ngay cả với Hà Nội FC, dù không còn quân hùng vượt trội như trước song những mảng miếng, đường nét của cựu vương V-League được tái hiện để thấy các tín hiệu tích cực từ người cầm quân mới-huấn luyện viên (HLV) Daiki cùng những nhân tố trụ cột-thành viên đội tuyển quốc gia như Văn Quyết, Xuân Mạnh, Tuấn Hải...
Với nhà đương kim vô địch Công an Hà Nội FC, những kết quả và thu hoạch có được xem như còn hơn mong đợi. Ba trận toàn thắng cùng HLV mới Kiatisuk đã mở rộng cơ hội bắt kịp đội đầu bảng Thép Xanh Nam Định cùng tham vọng bảo vệ ngôi vương.
Điều đáng chú ý khác là mong muốn của HLV người Thái Lan này hướng đến nâng chất cho Quang Hải cùng các tuyển thủ Việt Nam cũng đã cho thấy thành quả ban đầu. Ở giải đấu mà “thành bại tại ngoại binh” vẫn đang chi phối thì trong tốp 10 cầu thủ ghi bàn nhiều nhất sau 11 vòng đấu có tên 2 nội binh cũng rất đáng ghi nhận. Đó là Việt Anh và Quang Hải, đều có 4 bàn, đều là cầu thủ của Công an Hà Nội FC.
Bàn thắng là điều dễ kể ra nhưng điều quan trọng là khi tâm lý được giải phóng thì đôi chân các cầu thủ đã trở nên thanh thoát hơn. Sự vận hành hợp lý trong lối chơi phối hợp tấn công khá đa dạng của các đội bóng tốp đầu đã tạo nên cơ hội cho cầu thủ. Và về cơ bản, đây cũng là điều tương hợp với lối chơi của các đội tuyển.
Tất nhiên chuyện đổi gió không phải được thực hiện thành công ở mọi đội bóng. Thể Công-Viettel, LPBank Hoàng Anh Gia Lai chưa thoát ra khỏi khủng hoảng về phong độ, lực lượng. Không có sự chuyển biến, cải thiện đồng bộ, các tuyển thủ ở những đội bóng này cũng không thể tỏa sáng, thậm chí còn chệch choạc, sa sút. Ngay ở các đội đã gặt hái được kết quả tốt cũng bộc lộ những bất cập.
Trong tấn công, khi các tình huống cố định được tận dụng thì những pha dàn xếp ngọt bén không nhiều. Trong phòng ngự, tình hình còn đáng ngại hơn với sự phối hợp lên xuống của hàng thủ thiếu hợp lý, bọc lót không kín kẽ. Nếu như việc chơi tấn công đến cùng cho kết quả thì việc bảo vệ lợi thế ở những phút cuối trận lại cho thấy nhiều sơ hở, đuối sức.
Điều đáng lo khác là khi giải đấu càng quyết liệt và diễn ra với mật độ dày thì nguy cơ chấn thương suy suyển thể lực và phong độ rõ ràng sẽ cao. Những trường hợp Tuấn Anh, Quế Ngọc Hải... là những ví dụ đáng tiếc. Phải giữ cho mình, phải giữ cho nhau là việc cần thiết. Đó là chơi đẹp, là cách để khắc phục tật xấu mà V-League bị mang tiếng. Đó cũng là cách giảm nguy cơ thụt lùi, thua trận, mất người trong các trận đấu quốc tế.