Đổi mới, đánh thức tư duy, phát huy trách nhiệm, tạo động lực phát triển mới

09/02/2021 - 05:51

 - Năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Bên cạnh những thuận lợi, kinh tế - xã hội tỉnh đối mặt với một số thách thức (đại dịch COVID-19, thời tiết diễn biến bất thường, hạn hán xuất hiện sớm, sạt lở thường xuyên...). Song, với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, giám sát của HĐND tỉnh, cùng sự nỗ lực và đồng thuận của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh An Giang thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị và đạt nhiều kết quả tích cực.

Cả hệ thống chính trị, nhân dân vượt khó

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Võ Thị Ánh Xuân: “Năm 2020, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh có nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá hợp lý. An sinh xã hội đảm bảo tốt trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19”.

Kết quả, đã thực hiện đạt và vượt 9/13 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh (đạt 69,23% chỉ tiêu).

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 5,45%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 32,86%; khu vực công nghiệp và xây dựng 14,40%; khu vực dịch vụ 49,09%; thuế sản phẩm trừ trợ giá chính sách chiếm 3,65%.

Tư duy về kinh tế nông nghiệp trong hệ thống chính trị, nông dân được đề cao; cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp được tập trung thực hiện và đạt một số kết quả tích cực. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 192 triệu đồng/ha (đạt kế hoạch).

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 36.500 tỷ đồng (tăng 8,03% so năm 2019).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 28.682 tỷ đồng.

Thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 7.083 tỷ đồng (vượt kế hoạch 326 tỷ đồng).

Kim ngạch xuất khẩu đạt 930 triệu USD (tăng 40 triệu USD so cùng kỳ và đạt 100% kế hoạch).

Hoạt động dịch vụ phát triển sôi động, với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 272.000 tỷ đồng (tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước).

Do chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh COVID-19, lượng khách đến các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh giảm, với 6,5 triệu lượt khách (giảm 30% so cùng kỳ năm 2019, tương đương 65% kế hoạch năm 2020).

Khu du lịch hồ ông Thoại (Thoại Sơn)

Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, toàn tỉnh có 44 dự án đăng ký đầu tư mới (1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 43 dự án đầu tư trong nước), với tổng vốn đăng ký khoảng 7.348 tỷ đồng.

Lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Thực hiện tốt việc hỗ trợ người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh, các ngày kỷ niệm của dân tộc, lễ hội truyền thống của địa phương rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

Nhà Văn hóa lao động tỉnh - công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh

Thực hiện toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Năm 2020, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Tỉnh ủy và các cấp ủy đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) theo đúng tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng.

Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đạt được kết quả quan trọng, rõ nét, có nhiều đổi mới. Việc chuẩn bị văn kiện, nhân sự và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) được tiến hành tích cực, khẩn trương, đúng quy định, có đổi mới, chất lượng tốt.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trao Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước cho các cá nhân 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Nưng trao bằng khen cho các tập thể nhân kỷ niệm 60 ngày truyền thống MTTQVN

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng bộ.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu và từng bước kiềm chế, ngăn chặn tham nhũng, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; coi trọng việc lắng nghe, nắm tình hình và giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Qua đó, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng.

Nhiệm vụ năm 2021

Về kinh tế: cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhằm tạo động lực mới để phát triển. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các lĩnh vực một cách bài bản và có lộ trình cụ thể.

Tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp và khẳng định vai trò nền tảng của nông nghiệp đối với kinh tế tỉnh nhà. Phát triển các mô hình nông nghiệp tiên tiến; nâng mặt bằng phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư kiểm tra tiến độ xử lý cấp bách sạt lở xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước cắt băng khai trương cửa hàng tiện ích công đoàn 

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho các chủ thể kinh tế phát triển và tạo ra động lực, sự tăng trưởng cho tỉnh.

Tranh thủ tối đa vốn đầu tư công và triển khai một cách hiệu quả (về kinh tế - xã hội, môi trường) tại địa phương trong bối cảnh hạn hẹp về vốn đầu tư công.

Quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Biến yếu tố dân số trẻ, dân số đông thành nguồn nhân lực có chất lượng, thành lợi thế để khai thác của tỉnh.

 Đi trước, đón đầu những thành tựu khoa học - công nghệ, kể cả công nghệ số để tạo thành động lực phát triển trong điều kiện khó khăn về hạ tầng.

Khai thác yếu tố đặc sắc của văn hóa An Giang; phát huy sự năng động, sáng tạo, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sống có nghĩa, có tình… tạo nội lực cho sự phát triển của tỉnh.

Bên cạnh phát triển kinh tế, đời sống tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên

Ngoài nông nghiệp, du lịch, thương mại, quan tâm khai thác một số lĩnh vực mới, như: công nghiệp, đô thị, các dịch vụ chất lượng cao... Tiếp tục hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhất là thành phần kinh tế tư nhân.

Về đảm bảo an sinh xã hội: tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thực hiện công tác an sinh xã hội hiệu quả hơn, với tâm thế mới, chuyên nghiệp, bài bản hơn. Mặt khác, nâng sức tự lực, vươn lên của người dân.

Về quốc phòng-  an ninh: đảm bảo an ninh, an toàn, bình yên để người dân sinh sống, phát triển kinh tế - xã hội. Kiên quyết với tội phạm để làm trong sạch địa bàn nhưng phải hòa hiếu, thân thiện, hiếu khách để thu hút nhà đầu tư, du khách đến với An Giang.

Khánh thành Dự án nâng cấp tuyến đường phục vụ quốc phòng - an ninh kết hợp đê ngăn lũ vùng Tứ giác Long Xuyên, đoạn từ Châu Đốc - Cửa khẩu Tịnh Biên (Tỉnh lộ 955A)

Đổi mới công tác xây dựng Đảng, vận động quần chúng

Chú trọng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng. Nâng cao chất lượng của tổ chức cơ sở Đảng; quan tâm, xây dựng văn hóa trong Đảng (sống có nghĩa, có tình, sống thật, sống có trách nhiệm…).

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng để tạo sự đồng thuận, niềm tin, đoàn kết trong nội bộ và lan tỏa trong nhân dân. Tập trung tuyên truyền phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu tình hình hiện nay, kể cả cho những năm tiếp theo.

Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng và cơ quan kiểm tra các cấp về nhiệm vụ kiểm tra - giám sát. Thực hiện tốt cả “xây” và “chống”, chú trọng là “xây”. Theo đó, nâng cao năng lực của Ủy ban Kiểm tra các cấp cả về năng lực chuyên môn, phẩm chất, bản lĩnh, sự trong sạch của bộ máy.

Đổi mới công tác dân vận để đáp ứng nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng một cách thực chất.

Các cấp ủy Đảng quan tâm, lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, người đứng đầu các địa phương, đơn vị đánh thức tư duy, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức tại địa phương, đơn vị mình. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự làm mới mình bằng suy nghĩ mới, cách làm mới, tăng năng suất lao động… để tạo giá trị, động lực phát triển trong nhiệm kỳ mới.

Năm 2021- tạo nền tảng phát triển trong giai đoạn mới

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho rằng: “Năm 2021 - năm đầu của nhiệm kỳ, với bối cảnh chung có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, đất nước, địa phương (bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp) trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, suy thoái kinh tế, cạnh tranh về chủ quyền lãnh thổ… Do đó, chúng ta phải chủ động chuẩn bị tất cả mọi phương án để thực hiện nhiệm vụ; có kịch bản, dự kiến các phương án điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, để có những động lực phát triển mới, chúng ta phải tạo ra con đường mới, công việc mới và đổi mới tư duy, cách làm; cải tiến bộ máy làm việc, tăng năng suất lao động để tạo ra giá trị và sự phát triển”.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021

•Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ 6%- 6,5%, GRDP bình quân đầu người 50,665- 50,914 triệu đồng/người/năm

•Tổng vốn đầu tư xã hội 28.799 - 29.171 tỷ đồng

•Kim ngạch xuất khẩu 965 triệu USD

•Thu ngân sách 6.863 tỷ đồng

•Tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%

•Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia là 43,91%

•Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân là 66,5%

•Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1 - 1,2% năm

•Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế 91%

•Có 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao

•Cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đạt 20%

THU THẢO